Đại diện McDonald’s Việt Nam: Chúng tôi muốn phát triển theo hướng “hữu xạ tự nhiên hương”, “chậm mà chắc” chứ không mở ồ ạt

Sáng ngày 2/12, McDonald’s đã chính thức có mặt tại Hà Nội sau gần 4 năm vào Việt Nam. Đây là chuỗi cửa hàng thứ 17 trong hệ thống McDonald’s Việt Nam, cũng là cửa hàng đầu tiên mở ra tại khu vực miền Bắc.

Để hiểu rõ hơn về bước đi mới của thương hiệu đồ ăn nhanh đến từ Mỹ này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Huy Thịnh, Giám đốc điều hành McDonald’s Việt Nam.

*Xin chào ông Thịnh. Ông có thể cho chúng tôi biết mục tiêu của McDonald’s khi mở rộng ra thị trường Hà Nội là gì không?

Thực ra McDonald’s đã vào Việt Nam được hơn 3 năm, gần 4 năm rồi. Mục tiêu dài hạn là phủ sóng toàn quốc. Xét về mặt thị trường thì TPHCM là thị trường lớn nhất ở Việt Nam, cũng là thị trường đầu tiên chúng tôi đặt chân vào. Sau khoảng thời gian xây dựng hệ thống, phát triển con người, đến thời điểm này McDonald’s đã sẵn sàng mở rộng ra phạm vị ngoài TPHCM.

Hà Nội là thị trường lớn thứ 2 về mặt sức mua cũng như số lượng người tiêu dùng, đó là lý do tại sao chúng tôi chọn Hà Nội đã mở rộng tiếp. Hy vọng trong tương lai McDonald’s có thể mở thêm nhiều nhà hàng nữa tại đây.

*Vào Việt Nam từ 2014 nhưng sau hơn 3 năm mới tiến ra Hà Nội, ông nghĩ sao về sự “chậm trễ” này?

Với chúng tôi, việc này cũng không hẳn là chậm. Vì chúng tôi cần nhiều thời gian để bước đầu là xây dựng, hoàn thiện hệ thống vận hành, sau đó là đào tạo con người và bước cuối là chuẩn bị các phương án về logistic, hậu cần.

Đến bây giờ hơn 70% sản phẩm của McDonald’s Việt Nam vẫn nhập khẩu qua cổng TPCHM rồi mới tỏa đi. Và chúng tôi cần thời gian để xây dựng hệ thống đó.

*McDonald’s định khi nào sẽ mở nhà hàng thứ 2 tại Hà Nội? Các ông có đặt mục tiêu nào cụ thể về số lượng cửa hàng không?

Phương châm chung của McDonald’s là làm việc chắc chắn. Chúng tôi hy vọng trong năm 2018, có thể mở thêm 2-3 cửa hàng nữa tại Hà Nội, nhưng sẽ vừa làm, vừa theo dõi phản ứng của khách hàng, xem mức độ tiếp nhận của khách hàng đến đâu.

Thời gian đầu chúng tôi sẽ đi từ từ, nhưng thời gian sau sẽ mở nhanh. Vì từ 1 lên 2 cửa hàng là 100% tăng trưởng, từ 2 lên 4 cũng là 100%, nhưng từ 4 lên 6 là đã giảm còn 50% tăng trưởng. Tôi nghĩ tốc độ về sau sẽ cao hơn, khi mà số lượng của hàng nhiều hơn.

*Nhiều đối thủ bán đồ ăn nhanh đã bán ở Hà Nội từ rất lâu rồi, vậy việc ra sau của McDonald’s có bất lợi hay thuận lợi gì hơn không?

Ở thị trường Việt Nam, McDonald’s là người đến sau, sau rất nhiều so với thương hiệu khác. Việc đến muộn vừa có lợi thế vừa có bất lợi. Bất lợi ở đây là địa điểm phù hợp đã bị các đối tác thuê. Thêm vào đó khi đã có trước nhiều thương hiệu thì sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt.

Tuy nhiên lợi thế ở đây là McDonald’s có thể mang đến cho khách hàng trải nghiệm hoàn toàn khác. Trải nghiệm này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm cung cấp cho khách hàng đồ ăn được chế biến ở tiêu chuẩn cao, chất lượng đồng nhất và dịch vụ thân thiện.

Chúng tôi hy vọng người Hà Nội, cũng giống như khách hàng tại các khu vực khác trên thế giới, sẽ sẵn sàng tiếp nhận những sản phẩm đã làm nên tên tuổi của thương hiệu như Big Mac hay Cheese Burger.

*Đã có trường hợp thương hiệu bánh burger nổi tiếng thế giới vào Việt Nam nhưng phải đóng, mở cửa hàng nhiều lần rồi. Liệu McDonald’s có lo ngại viễn cảnh này không?

Tôi nghĩ trong kinh doanh, việc đóng hay mở cửa hàng là hết sức bình thường, phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động. Tại khu vực mới, thị trường mới, một thương hiệu sẽ không thể hình dung được mức độ tiếp nhận của sản phẩm đến đâu, nên họ sẽ phải điều chỉnh phương thức kinh doanh cho phù hợp.

Nhìn trên tổng quát, quan trọng là việc kinh doanh được mở rộng. Ví dụ bạn mở thêm 5 cửa hàng mới nhưng đóng 1 cái, nghĩa là bạn vẫn đang phát triển.

McDonald’s trong thời gian mấy năm vừa qua đều tăng trưởng trên 30% và chưa đóng cửa hàng nào. Hy vọng chúng tôi có thể duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn đinh này.

*Người Hà Nội có phần dè dặt hơn người Sài Gòn khi tiếp nhận cái mới. Vậy McDonald’s có chiến lược gì để thu hút khách hàng và mở rộng thêm chuỗi?

Tôi nghĩ người người Hà Nội là người tinh tế và cẩn thận khi lựa chọn. Còn nếu chọn rồi thì họ sẽ tin tưởng thương hiệu. Chính vì vậy chúng tôi không thể nói trước số lượng cửa hàng là nhiều hay ít nhưng chúng tôi cố gắng tại mỗi cửa hàng, cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể.

Chúng tôi muốn phát triển theo hướng “hữu xạ tự nhiên hương”, làm để khách hàng biết đến và mong muốn trở lại. Chúng tôi không muốn mở ào ào rồi lại phải giảm bớt đi.

*Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

KFC, Lotteria, Burger King đã đánh chiếm thị trường Hà Nội từ 10-20 năm, tại sao đến giờ McDonald’s mới dè dặt tham chiến?

Bài viết mới