Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế và hút FDI một cách có chọn lọc

Tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế – xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước chiều ngày 25/5, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Tp. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2017 nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm. Bình quân 30 năm qua GDP tăng trưởng 6,6% và 10 năm gần đây tăng trưởng 6,06%.

Điều quan trọng là chúng ta tăng trưởng nhưng vẫn đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4% trong 3 năm liên tiếp, các cân đối lớn của nền kinh tế được giữ vững, cán cân thương mại, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế đều thặng dư so với các năm trước đây. Nhờ vậy, dự trữ ngoại hối tăng và đạt con số trên 64 tỷ đô la, với dự trữ này đã góp phần ổn định tỷ giá và đem lại niềm tin vào đồng nội tệ. Đặc biệt là quá trình tái cơ cấu ngân hàng vừa qua, chúng ta vẫn đảm bảo được sự an toàn hệ thống ngân hàng và đảm bảo được tiền gửi của nhân dân.

Trong việc triển khai thực hiện Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, kết quả báo cáo về thu chi ngân sách năm 2017 cho thấy đây là năm đầu tiên giảm được bội chi ngân sách 4.000 tỷ đồng và kéo giảm được bội chi dưới 3,5% GDP, vừa kéo giảm được bội chi đồng thời tăng trưởng GDP nên nợ công trên GDP từ 63,7% xuống còn 61,7%. Các tổ chức tài chính quốc tế đều đánh giá cao về các chỉ số cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, về năng lực cạnh tranh quốc gia hay chỉ số về tăng trưởng kinh tế, chất lượng tăng trưởng thông qua TFP hay chỉ số hiệu quả sử dụng vốn thông qua chỉ số ICO, tất cả đều cải thiện so với trước đây. Đó là những thành tựu rất đáng trân trọng, Chính phủ cần tiếp tục phát huy để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững hơn.

Đại biểu Ngân kiến nghị, thứ nhất, cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Hiện độ mở kinh tế thông qua chỉ số giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP đạt trên 190% và chúng ta trở thành nước thứ 7 có độ mở cao nhất. Thông thường, nước nào có độ mở cao rất dễ bị tổn thương nếu kinh tế thế giới bị khủng hoảng hay suy thoái, năm 2017 độ mở kinh tế của chúng ta chỉ mới 140% nhưng khi khủng hoảng kinh tế, suy thoái kinh tế toàn cầu thì GDP đang tăng trưởng 8,46% đến năm 2009 chỉ tăng trưởng 5,32% tức là mất đi 3% do tác động bên ngoài.

Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần kiểm soát độ mở nền kinh tế theo hướng tăng cường xúc tiến thương mại nội lực thị trường nội địa trong nước. Chúng ta có 93,7 triệu dân, đây là một thị trường rất hấp dẫn và đó cũng chính là nơi rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó và đã kích hoạt để mở hệ thống các kênh bán lẻ ở trong nước của chúng ta.

Đặc biệt, trong những năm gần đây khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng và điển hình chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây tác hại đến các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản. “Tôi nghĩ đối với cán cân song phương giữa Việt Nam và Mỹ hiện nay khoảng 50 tỷ đôla, chúng ta xuất đi Mỹ 41 tỷ, ta nhập từ Mỹ 9 tỷ, như vậy ta xuất siêu với Mỹ 31 tỷ đôla, chắc chắn chúng ta sẽ là đối tượng để Mỹ thực hiện chính sách bảo hộ. Do đó, rất mong Chính phủ lưu ý và có đối sách chiến lược phù hợp để hạn chế tác động từ bên ngoài’ – đại biểu Ngân đề xuất.

Thứ hai là về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo đại biểu, kể từ khi chúng ta có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đến nay đã 30 năm, đã thu hút được trên 370 tỷ đôla và giải ngân 172 tỷ đôla. Hiện nay còn khoảng 24.800 dự án đang tiếp tục có hiệu lực. Đầu tư nước ngoài đã có đóng góp nhất định cho nền kinh tế nước ta, đóng góp 20% GDP, 24% tổng vốn đầu tư xã hội và 72% kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, còn giải quyết công ăn việc làm, vấn đề về đóng góp thu ngân sách.

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài còn rất nhiều tồn tại mà chúng ta cần phải khắc phục, như vấn đề về môi trường, về chuyển giá, gian lận thương mại, chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ. Do đó, trong thời gian tới chúng ta cần phải có một chiến lược định hướng thu hút FDI, chúng ta vẫn rất cần FDI nhưng phải có định hướng và ưu tiên vào các tiêu chí như xanh, tức là đảm bảo môi trường sạch, ở đây có nghĩa là phải đảm bảo lý lịch của doanh nghiệp không có những vết nhơ trong hoạt động kinh doanh, không có vấn đề về trốn thuế, gian lận thương mại.

Vấn đề tiếp theo đại biểu đề nghị là về khoảng cách giàu nghèo ở nước ta hiện nay tiếp tục gia tăng, khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn trên trên 40%, dân số nông thôn là trên 65%. Tuy nhiên, năng suất lao động ở khu vực nông nghiệp chỉ khoảng 35 triệu đồng, tương đương với 38% năng suất lao động cả nước. Do vậy chúng ta cần có kế hoạch chiến lược tổng thể chấn hưng nền nông nghiệp Việt Nam để giải quyết bài toán nâng cao năng suất lao động, và đại biểu cho rằng cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn.

Đồng thời đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị cần tiếp tục ưu tiên giải ngân cho các công trình giao thông đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo bộ mặt quốc gia và thu hút du lịch nước ngoài.

Lúng túng triển khai Nghị Quyết 42 về xử lý nợ xấu ở địa phương

Bài viết mới