Góp ý về hoạt động đầu tư, kinh doanh của những doanh nghiệp có sử dụng vốn nhà nước, đại biểu Lê Quân lưu ý “chỉ đầu tư khi kiểm soát được”, đảm bảo trên 3 phương diện: dòng tiền, nhân sự và rủi ro.
Đối với vấn đề thứ nhất là quản lý dòng tiền, đại biểu Quân cho rằng, việc quản lý phải dựa trên cơ sở dữ liệu tốt, được cập nhật chính xác theo thời gian và thực tế. Gốc rễ của các vấn đề liên quan đến DNNN hiện nay, ông Quân nhấn mạnh là do thiếu cơ sở dữ liệu.
Các dữ liệu hiện nay thiếu đồng bộ, phân tán ở các Bộ, ngành. Thời gian cập nhật bị chậm, có độ trễ lớn tính theo quý, theo năm. Không những vậy, ông Quân còn chỉ ra dữ liệu bị thiếu chính xác.
“Báo cáo hôm nay tốt, ngày mai xấu là những điều thường thấy. Hay báo cáo của chu kỳ này bị đẩy sang chu kỳ khác cũng là thường xuyên”, ông nói.
Nguyên nhân cho hiện tượng trên là bởi quy trình làm báo cáo chồng chéo, liên quan nhiều bộ, ngành. Các doanh nghiệp cũng không ý thức việc phải nộp báo cáo đúng hạn định, đơn cử năm 2017, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã phải nhắc nhở 200/622 doanh nghiệp chậm báo cáo.
Nếu không xử lý tốt, theo ông Quân, thông tin sẽ bị tắc, bó lại các khâu, nguy cơ hình thành nhóm lợi ích. Ông khuyến nghị nên có cơ chế ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo để tạo được một luồng thông tin về DNNN xuyên suốt, minh bạch.
Vấn đề thứ hai là về nhân sự. Đại biểu Quân cho rằng phải triển khai nhanh Nghị quyết Trung ương 12 về tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải biến “ghế” lãnh đạo là một điểm nóng, một mặt thu hút người giỏi, người có năng lực, một mặt khiến cho người yếu kém không dám ngồi vào vì chỉ tiêu, kết quả kinh doanh phải đạt rất cao, áp lực cạnh tranh lớn.
Vấn đề thứ ba là quản trị rủi ro, vốn là điểm yếu nhất của DNNN, theo ông Quân. “DNNN hay “mắc bệnh” lúc nền kinh tế tăng trưởng” ông nói.
Nghĩa là lúc này DNNN tuy có rất nhiều tiền nhưng lại đầu tư tràn lan, trong đó, lựa chọn đầu tư nhiều vào các dự án mà trên thế giới ít người tham gia. Đó là những dự án có tỷ suất vốn cố định mua sắm tài sản, máy móc lớn. Và khi chu kỳ kinh tế thay đổi, những dự án đó rơi vào tình trạng thanh khoản thấp và có thể trở nên “đắp chiếu”.
Do vậy, ông cho rằng cần tăng cường quản lý rủi ro DNNN bằng các biện pháp như bổ sung vào Hội đồng thành viên các chuyên gia độc lập hay các cổ đông chiến lược. Việc làm này bên cạnh có thêm đối tượng tham mưu, tham vấn còn buộc DNNN phải minh bạch.
Ngoài ra, DNNN còn cần phải đẩy nhanh tiến độ niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đại biểu Quân cũng đề xuất Quốc hội, Chính phủ trong 5 năm tới có thể cho một số tập đoàn niêm yết trên thị trường quốc tế.