Đại biểu Quốc hội: Các doanh nghiệp như có một phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi

Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

3 lý do khiến kinh doanh kém hiệu quả

Theo ông Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, có 3 dạng làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước: Kinh doanh kém hiệu quả; mua đắt bán rẻ; định giá tài sản thấp.

Về kinh doanh kém hiệu quả, ông Hoàng Văn Cường chỉ ra 3 nguyên nhân:

Lý do thứ nhất, trình độ quản lý yếu kém dẫn kến kinh doanh thiếu hiệu quả.

Lý do thứ hai, người quản lý đã đầu tư vào những hoạt động không có hiệu quả nhằm thu lợi ích cá nhân, như: đầu tư máy móc thiết bị không phù hợp để được hưởng lời; đầu tư lĩnh vực không hiệu quả nhưng được chia phần từ những lĩnh vực đầu tư này; cố tình tính cao giá trị đầu tư để hưởng lợi ích phần trăm.

Lý do thứ ba, dù doanh nghiệp lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai mất chức hay bị xử lý đi tù về chuyện quản lý yếu kém, để doanh nghiệp lỗ.

“Không có doanh nghiệp nào báo cáo đầy đủ, lúc nào là lỗ, lúc nào là lãi. Thậm chí, có doanh nghiệp khi cần báo cáo để thăng chức, tăng quỹ lương, xin vốn thì ngay lập tức có báo cáo lãi. Nhưng khi báo cáo với cơ quan tài chính, thuế thì lại có một báo cáo lỗ. Người ta nói rằng, báo cáo của các doanh nghiệp như là có một phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi” – ông Hoàng Văn Cường nói.

Bên cạnh đó, vẫn còn người quản lý DNNN không muốn cổ phần hóa. Bởi lẽ, theo cơ chế trả lương hiện tại, khi doanh nghiệp làm ăn có lãi thì mức lương theo mức lãi, nhưng khi lỗ thì cũng không bị giảm mức lương này xuống. Doanh nghiệp lỗ nhưng đội ngũ quản lý doanh nghiệp vẫn được hưởng mức lương cao.

Đại biểu Quốc hội: Các doanh nghiệp như có một phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi - Ảnh 1.

Ông Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Về việc mua đắt bán rẻ, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, DNNN mua hàng hóa, dịch vụ với giá cao, bán với giá thấp hơn tư nhân. Vấn đề đặt ra là tình trạng mua đắt bán rẻ vẫn tiếp tục xảy ra, dù đã ban hành cơ chế về tổ chức định giá độc lập, tổ chức đấu giá độc lập nhằm minh bạch hóa vấn đề mua bán tài sản.

“Do vậy, tôi thấy rằng cần phải thanh tra, kiểm tra các vụ bán tài sản nhà nước và kiểm tra cơ quan thực hiện chức năng định giá, thẩm định giá, đấu giá để quy trách nhiệm cho những đơn vị này đã tiếp tay làm thất thoát tài sản nhà nước” – ông Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Về định giá tài sản, đất đai do DNNN quản lý được chuyển đổi không thông qua đấu giá mà chỉ định giá trực tiếp. Giá đất cũng chỉ được xác định dựa trên bảng giá do UBND cấp tỉnh quy định. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, UBND và cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh/thành phố cũng có trách nhiệm trong việc xác định giá đất trong quá trình cổ phần hóa, chuyển đất công thành đất tư.

Không thể có định giá đúng

Ông Phạm Quang Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, không thể định giá “đúng” như ý kiến của các Đại biểu Quốc hội.

“Định giá doanh nghiệp rất trừu tượng, rất khó. Tôi cho là không thể đúng được. Định giá chỉ tương đối. Định giá liên quan đến đất mà đất thì quan trọng nhất là vị trí, vị trí và vị trí. Thứ hai là về thương hiệu, cái này cũng trừu tượng” – ông Phạm Quang Dũng nói.

Theo ông Phạm Quang Dũng, nếu chờ đợi định giá đúng thì không biết đến bao giờ, trong khi Đại biểu Quốc hội còn phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Do đó, nói định giá “sát với thị trường” thì chính xác hơn.

Vấn đề đặt ra là định giá chưa sát với thị trường thì có mất vốn hay không. Cần để cho thị trường định giá. Quan điểm là định giá tham khảo ban đầu không sát với giá thị trường mà không mất vốn thì là được.

Đại biểu Quốc hội: Các doanh nghiệp như có một phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi - Ảnh 2.

Ông Phạm Quang Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

“Chìa khóa là giám sát việc đấu giá. Mất vốn là ở đây chứ không phải việc định giá. Tôi cho rằng cần tập trung xây dựng chính sách về đấu giá” – Đại biểu Phạm Quang Dũng nói.

Vì sao giá trị của doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa thường cao hơn nhiều lần trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước?

Bài viết mới