Hồi âm văn bản xin ý kiến về các vấn đề chất vấn, 59 đoàn đại biểu Quốc hội đã đưa ra 115 nhóm vấn đề với Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ.
9 đoàn cùng chọn
Các nhóm vấn đề nằm trong tất cả các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, tư pháp… nhưng hầu hết chỉ có từ 1- 2 đoàn lựa chọn. Nội dung được từ 4 đoàn trở lên cùng đề xuất không nhiều, nhưng có một nhóm vấn đề có tới 9 đoàn đại biểu Quốc hội cùng chọn để chất vấn. Đó là vấn đề đầu tư, quản lý các dự án giao thông BT, BOT, cụ thể hơn là việc triển khai, thực hiện, công tác quản lý, hoạt động của các dự án; đơn giá, cơ sở để tính toán phí giao thông; việc đặt trạm thu phí không đúng vị trí; thời gian hoàn vốn quá dài làm lợi cho nhà đầu tư, thiệt hại cho người dân khi tham gia giao thông… Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.
Ngoài nội dung trên, còn có một số nhóm vấn đề được đề xuất chất Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, có 4 đoàn muốn chất vấn về trách nhiệm của Bộ trong việc quyết định phương án tài chính, thỏa thuận phí BOT, quản lý đơn giá các công trình BOT, thời gian, tổng mức đầu tư trong các hợp đồng đầu tư BOT giao thông.
Không chỉ Bộ trưởng Giao thông Vận tải, các vị đại biểu còn muốn chất vấn cả Thủ tướng về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng đặt trạm thu phí không đúng vị trí, cơ sở tính toán phí giao thông, thời gian hoàn vốn quá dài làm lợi cho nhà đầu tư, thiệt hại cho người dân khi tham gia giao thông trong các dự án đầu tư BOT giao thông, theo thông tin tử Tổng thư ký Quốc hội.
Với vô số bức xúc từ cử tri, những vi phạm trong các dự án BOT giao thông cũng đã ra nghị trường ngay từ phiên khai mạc kỳ họp này của Quốc hội.
Tân Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khi vừa nhậm chức cũng đã khẳng định với báo chí là làm BOT không vì tư túi, lợi ích nhóm. Với thời gian phụ trách ngành giao thông chưa được hai tuần, nhiều khả năng ông Thể không phải trả lời chất vấn ở kỳ họp này.
Truy trách nhiệm quản lý thuốc
Vượt xa BOT với đề xuất của 18 đoàn đại biểu Quốc hội là vấn đề quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bộ trưởng Y tế cũng là người được nhiều đoàn đại biểu muốn chất vấn với 11 đoàn quan tâm đến trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, công tác giám sát, kiểm tra trong việc cấp phép sản xuất, nhập khẩu, quản lý phân phối, lưu hành, kiểm định thuốc…
Kết quả xử lý các sai phạm trong lĩnh vực này, trách nhiệm và hướng khắc phục là đề xuất chất vấn từ 7 đoàn. Cũng có tới 7 đoàn đề nghị chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quản lý, cấp phép hành nghề y, dược của các cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ.
Với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, vấn đề được 7 đoàn đại biểu cùng đề xuất là trách nhiệm và giải pháp của Bộ này trong khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng đến hàng hóa của Việt Nam, đến sức khỏe, tư tưởng của người dân (đặc biệt là đối với các mặt hàng như mỹ phẩm, thuốc, phân bón…).
Cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước là vấn đề được 6 đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng cần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính.
5 đoàn đề nghị chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về công tác quản lý, tuyển dụng, luân chuyển, thi tuyển, xét tuyển, bổ nhiệm, đề bạt và bố trí cán bộ, giải pháp khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực này.
Nhìn tổng thể, các vấn đề trong ngành y tế, nhất là quản lý thuốc chữa bệnh được đại biểu đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên ở kỳ họp thứ ba (tháng 6/2017) Bộ trưởng Bộ Y tế đã “lên ghế nóng”. Mà theo sự lựa chọn thông thường thì hiếm khi có thành viên Chính phủ nào phải trực tiếp trả lời chất vấn tại hai kỳ họp liên tiếp.