Nước mắt nhà băng
Những ngày qua, chứng kiến cảnh nước mắt các bị can, bị cáo rơi tại phiên tòa, không ít bài báo, người tham dự phải động lòng trắc ẩn. Ngày 20/9, được tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Quốc Trưởng (nguyên Giám đốc Oceanbank, Chi nhánh Cần Thơ) bật khóc nói, cảm thấy rất oan ức khi đứng ở đây. “Bị cáo phải trả lời làm sao với gia đình, con cái về hành vi vô ý như vậy lại đứng trước vành móng ngựa”.
Cùng ngày hôm đó, lời bị cáo Phạm Hoàng Giang sinh năm 1974 (nguyên TGĐ Công ty BSC) khi tự bào chữa tại tòa khiến không ít người ám ảnh. Không phủ nhận việc thiếu trách nhiệm trong quản lý Công ty BSC, hậu quả dẫn đến việc bị cáo bị bắt giam 16 tháng, nhưng theo bị cáo Giang, “thời gian tạm giam đó là một hình phạt rất nặng, rất nghiêm khắc, là bài học cho cuộc đời của bị cáo”. Nói đến đây, bị cáo Giang bật khóc và thốt lên cay đắng: “Việc Viện Kiểm sát đề nghị xử phạt mức án 8- 9 năm tù, như vậy có phải là giết chết bị cáo không? Với mức án này, đến ngày trở về, liệu con có còn nhìn thấy bị cáo?”.
Trước đó, bị cáo Giang trình bày hoàn cảnh khó khăn, mẹ mất vì ung thư năm 2009; con bị bệnh tim bẩm sinh, 6 tháng tuổi phải mổ tim, lại mắc bệnh về mắt. Trong 3 năm, con bị cáo đã phải trải qua 10 lần mổ mắt.Một vài người bạn từng học cùng khoá 18 Đại học Luật Hà Nội với bị cáo Giang biết chuyện không khỏi xót xa .“Thời còn đi học, thằng Giang hiền lắm, học thì chăm, ai cũng nể. Không ngờ cuộc đời xô đẩy”, một bạn cũ ngậm ngùi.
Cũng tại phiên tòa này, người ta cũng chứng kiến “ông trùm” nhà băng Oceabank – Hà Văn Thắm phải hơn một lần chảy nước mắt vì… thuộc cấp. Nỗi đau có lẽ chính Hà Văn Thắm không ngờ tới, đó là dù vô tình hay cố ý, thì “ông chủ” cũng đã “đẩy” hàng trăm con người (vốn là nhân viên dưới quyền làm công ăn lương, răm rắp theo chỉ đạo của ông chủ) vào cảnh tù đày, gia đình“tan đàn xẻ nghé”.
Một người trong cuộc còn kể lại, chuyện khi Hà Văn Thắm hay tin cộng sự Minh Thu, các phó tổng, giám đốc chi nhánh và giám đốc khối đều bị bắt hoặc khởi tố. 6 tháng kể từ khi bị bắt, lần đầu tiên ông Thắm được gặp vợ. Vợ đã chỉ mặt ông Thắm nói: “Anh có biết vì anh mà bao nhiêu người bị bắt, bao nhiêu gia đình tan nát không?”. Nghe nói các cộng sự, cấp dưới bị bắt và khởi tố, Hà Văn Thắm bật khóc nức nở trong vòng tay vợ.
Ám ảnh tiền đi với bạc
Chuyện về Hà Văn Thắm, một nhân viên cấp dưới từng thuật lại: “Anh ý giàu nhưng không sướng. Suốt ngày chỉ biết có công việc. Đến sinh nhật vợ, hỏi vợ thích gì để tặng. Chị vợ bảo: em không cần quà, chỉ cần anh đưa em đến vườn hoa bưởi ở Diễn, hai vợ chồng ngồi trong vườn thoang thoảng mùi hoa bưởi thế là đủ. Thế mà anh ý nói ngay: Anh bận lắm, thôi để anh cho mua mấy bao tải hoa bưởi mang về trải trong phòng cho em nhé. Có tiền mà như thế, thử hỏi anh ý có sướng không”, cô nhân viên rưng rưng kể.
Còn trong vụ đại án Ngân hàng Xây dựng, nhắc tới việc Phạm Công Danh với những phi vụ rút tiền ngàn tỷ và những chiêu thức “vòng xoáy” gửi vào – rút ra của ông này cùng đồng phạm, một chủ nhà băng cũng tiết lộ: Thời đó, Phạm Công Danh gõ cửa vay mượn khắp nơi. Và để vay bằng mọi giá, chỗ nào ông ấy cũng sẵn sàng chi hoa hồng. Theo lời ông này, ông Danh từng đánh tiếng đòi vay nhà băng bên ông khoản tiền vài ngàn tỷ và nói sẽ thế chấp bằng khoản tương đương của Ngân hàng Xây dựng.
“Thậm chí, ông Danh còn mang theo quà là một túi đầy tiền (dễ đến cả trăm tỷ). May là khi đó chúng tôi cương quyết từ chối, chứ không giờ có lẽ cũng ra tòa rồi, sợ quá!”, ông nói. Theo ông, trong nghề kinh doanh tiền tệ, phải nhớ một nguyên tắc, đó là mình cần khách hàng chứ không có chuyện người ta cần mình bằng mọi giá. “Một khi người đi vay phải lo lót để vay tức là họ đang quá cần tiền, thậm chí có vấn đề và có thể bất chấp, làm sai. Hãy nhớ, nếu kiếm tiền sai pháp luật, tiền có thể sẽ đi với… bạc”, ông này kết luận.
Nói về nỗi ám ảnh nghề tiền – bạc, Giám đốc Sở Giao dịch một Ngân hàng thương mại nhà nước (nay đã thuyên chuyển) không giấu được lời than: “Hơn 30 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi thấy làm ngân hàng rủi ro đến vậy”. Vụ án Phạm Công Danh, theo ông kéo theo hàng loạt ngân hàng vào cuộc đã đành, còn như đại án OceanBank, thì “hệ lụy” còn nặng nề hơn khi vô số thân phận chỉ vì thực thi lệnh cấp trên mà nay phải “chết” cùng. Cố tình vi phạm pháp luật phải chịu đã đành, nhưng ông cũng lưu ý: phải “ở trong chăn” mới biết không ít vụ việc xảy đến do khách quan mang lại, rất khó để tỉnh táo.
Ông đơn cử: Hôm nay bạn nhất trí ký duyệt một khoản vay, ngày mai rủi ro đến do bị khách hàng cố tình lừa hay chủ quan bỏ qua một quy trình nào đó (vụ việc 7 ngân hàng từng bị một doanh nghiệp thủy sản tại Sóc Trăng lừa thế chấp một kho hàng toàn lá khô do cán bộ ngân hàng đến xem nhưng không thể thọc tay kiểm từng hộp hàng đông lạnh – PV). Ở sở tôi, mấy anh em trẻ sợ rủi ro tín dụng và hình sự hoá đã nhất loạt nộp đơn xin chuyển.
Muốn tiền không tệ phải làm thực
Trong câu chuyện chia sẻ về khởi nghiệp với các bạn trẻ cách đây ít ngày, ông Đỗ Minh Phú, “trùm” vàng bạc Tập đoàn Doji – kiêm chủ tịch HĐQT Tienphongbank thẳng thắn: Làm ngân hàng, phải có vốn thực. Theo ông Phú, thời điểm cách đây 5 năm khi ông và gia đình quyết định đầu tư vào “tái cơ cấu” TPBank là lúc ngân hàng này đang khó khăn và rất cần tiền. “Số vốn chúng tôi đầu tư vào ngân hàng hoàn toàn bằng tiền thực của gia đình đã giúp cho TPBank có thêm nguồn lực, các cổ đông không phải loay hoay vay mượn”, ông Phú kể. Cùng đó, ông nêu 3 cái thực không thể bỏ qua nếu muốn làm nghề kinh doanh tiền tệ, đó là: phải quản trị thực, vì khách hàng thực và đặc biệt nhất – bộ máy của ban điều hành phải có năng lực, đạo đức thực sự!
Cũng câu chuyện về tiền thực, bèn nhớ tới thương vụ Sacombank đến giờ này vẫn khiến nhiều cổ đông và giới đầu tư bất ngờ. Nhiều người khi đó đã ngạc nhiên, bởi không hiểu vì sao những ứng viên nặng ký như ông chủ Novoland Nguyễn Thành Nhơn sẵn sàng rót vài ngàn tỷ đồng hay “cha đẻ” Sacombank – ông Đặng Văn Thành dù đi kèm có tới 2 quỹ ngoại hứa sẽ lập tức “đổ” 1 tỷ USD tiền tươi vào tái cơ cấu nhà băng này đều không được chấp nhận. Cuối cùng, giờ chót lại thay bằng ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT Tập đoàn bất động sản Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. “Việc các ứng viên kia không được chọn là bởi người thì không có nghề, nếu không khéo sẽ trở thành một Phạm Công Danh thứ hai; còn người thì từng nhiều sai phạm trong quá khứ. Điều chúng tôi cần, đó là phải là người làm thực”, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khi đó nói.
Thế nên mới có chuyện, một trong những phần việc mà người ngồi ghế nóng – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Lê Minh Hưng ngay khi mới lên lập tức tập trung vào việc rà soát lại toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng, tìm ra những lỗ hổng, quy trình nào còn chưa quản chặt. Thậm chí, để rút ra những bài học “cẩm nang” riêng cho ngành, ít ai biết, Thống đốc Hưng cùng ban lãnh đạo NHNN rốt ráo giao cơ quan Thanh tra Giám sát cùng các vụ, cục liên quan đêm ngày xem xét, tổng hợp các lỗi, sai phạm từ chính các đại án và một số vụ việc vi phạm pháp luật để “đúc rút” thành văn bản, quy định yêu cầu các nhà băng phải tuân thủ nghiêm túc trong quá trình hoạt động.
Theo Thống đốc, thượng tôn pháp luật là đích mà toàn ngành đang hướng tới. Không chỉ để lấy lại niềm tin trong xã hội, mà hơn thế – để đưa ngân hàng trở về đúng sứ mệnh vốn dĩ sinh ra đã có – là huyết mạch cung cấp vốn cho nền kinh tế- chứ không phải nơi làm giàu bất chấp pháp luật của các ông trùm, đại gia.
“Không có chuyện ai muốn cũng có thể kinh doanh ngân hàng. Ông chủ nhà băng phải là người có tiền thực, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, còn đủ phải có nghề ngân hàng, chưa từng vi phạm pháp luật và quan trọng muốn làm thực”.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng
Năm 2017, với 12/17 đại án được đem ra xét xử có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, cảm giác như chưa bao giờ, cái vòng xoáy của “hố đen” tiền bạc lại hút nhiều thân phận con người đến thế. Câu chuyện về rủi ro, dễ dính vòng lao lý dường như đang tạo thành “nỗi ám ảnh” có lúc lan khắp các nhà băng. Pháp luật không dung thứ những ai làm sai, đã đành, nhưng còn những khắc nghiệt đến từ cái nghề vốn suốt ngày “cọ xát” với đồng tiền này, ai thấu?