Đặc sản miền Tây tất bật đón Tết

Do năm Đinh Dậu nhuần 2 tháng 6 và mưa nhiều nên ảnh hưởng đến việc tạo hình trên trái của các nhà vườn miền Tây. Dự báo, nguồn cung trái “độc, lạ” sẽ ít hơn năm rồi.

Xoài, bưởi bị ảnh hưởng

Ông Võ Trung Thành (ngụ ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), Chủ nhiệm CLB Khuyến nông Phú Trí A, cho biết dịp Tết Mậu Tuất 2018, các thành viên trong CLB cung ứng ra thị trường khoảng 6.000 trái bưởi hồ lô tạo hình các loại, như tài – lộc, thỏi vàng đồng tiền, thư pháp. “Riêng sản lượng do hộ của tôi làm ra khoảng 500 trái. Tết năm nay, không có sản phẩm mới mà chỉ quanh quẩn các mẫu cũ”.

Theo ông Thành, năm 2017, mưa nhiều nên thuận lợi cho cây bưởi phát triển. Tuy nhiên, do năm nhuần nên nhà vườn gặp khó trong việc xử lý ra hoa. Năm nay, bưởi ra hoa sớm, từ tháng 4 âm lịch nên sẽ cho trái thu hoạch trước Tết. Vì thế, họ không thể chọn đợt trái này mà phải chờ đợt hoa ra vào tháng 6, dẫn đến hao hụt sản lượng. Hiện vườn bưởi hồ lô của ông Thành hợp tác với nông dân xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) đã vào khuôn và sẽ thu hoạch từ 23 tháng chạp. “Tết năm rồi, cả CLB cung ứng khoảng 10.000 trái nhưng năm nay sản lượng giảm 40% do thời tiết không thuận lợi. Giá cả bằng mọi năm, từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/trái, tùy loại” – ông Thành nhận định. Đến thời điểm này, đã có khách hàng ký hợp đồng mua một nửa sản lượng của CLB.

Chế biến khô cá sặc rằn cho dịp Tết Ảnh: THỐT NỐT

Chế biến khô cá sặc rằn cho dịp Tết Ảnh: THỐT NỐT

Do vườn bưởi nhà ông Thành tại ấp Phú Trí A đã cằn cỗi, trái tạo hình không được đẹp nên từ năm 2016, ông sang xã Mỹ Hòa hợp tác với nông dân trồng bưởi Năm Roi tại đây để tạo hình bưởi Tết. Ông Thành bộc bạch: “Năm 2015, tôi hợp tác với nông dân ở Trà Vinh tạo hình bưởi có dáng bàn tay Phật nhưng không đạt như mong muốn nên vụ Tết năm đó lỗ. Từ đó, tôi không làm sản phẩm này nữa”.

Ông Trần Thanh Liêm (khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) thừa nhận trong dịp Tết Mậu Tuất tới, ông chỉ cho ra thị trường 300 cặp dưa hấu thỏi vàng in chữ nổi “tài – lộc”. Vào những năm được mùa, trong tổng số dưa hấu đặt khuôn, số đạt chất lượng khoảng 35%, tương đương 450 cặp. Còn năm nào gặp thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là mưa nhiều như năm nay thì số dưa đạt chỉ 14%. “Về giá cả, sẽ không tăng mà bằng mọi năm, dưa có trọng lượng từ 2-2,2 kg/trái có giá khoảng 3 triệu đồng/cặp; từ 1,5-1,7 kg/trái khoảng 2,5 triệu đồng/cặp. Dưa để chưng được khoảng 2 tháng” – ông Liêm nói.

Khoảng 3 năm trở lại đây, xoài in chữ thư pháp đã có mặt trên thị trường Tết và được khách hàng đón nhận. Anh Huỳnh Thanh Khoa (ngụ ấp Tân Phát, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) nhìn nhận đã có nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng xoài in chữ thư pháp. Thế nhưng, do thời tiết thất thường, xoài ra trái thế nào chưa biết nên anh không dám nhận tiền cọc. Hiện loại 1 chữ có giá khoảng 200.000 đồng/trái, loại 2 chữ khoảng 300.000 đồng/trái.

Làng khô lo giá giảm

Vào những ngày này, các cơ sở chế biến khô cá lóc nổi tiếng ở 2 huyện Chợ Mới và Thoại Sơn, tỉnh An Giang đang tất bật chuẩn bị hàng Tết.

Theo bà Dương Hồng Loan (chủ cơ sở khô cá lóc Sáu Loan) ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, cơ sở này không trực tiếp bán hàng tận TP HCM mà giao lại cho các đầu mối tại TP Long Xuyên với giá dao động 150.000-200.000 đồng/kg. Đây là những loại khô đã được phơi 3-4 nắng nên bảo đảm ngon và không bị mốc. Chính nhờ được chế biến theo cách truyền thống nên khô luôn thơm tự nhiên, người tiêu thụ ưa chuộng.

Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (chủ cơ sở Kim Huệ) ở thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới, giải thích để có miếng khô cá lóc ngon phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn nguyên liệu tươi, làm sạch ruột, bỏ xương, ướp gia vị rồi đem phơi. “Ngày trước, khô cá lóc chủ yếu làm từ cá đồng nhưng ngày nay, sản lượng cá tự nhiên không còn nhiều mà nhu cầu thị trường ngày càng cao nên người làm chuyển sang chế biến từ cá lóc nuôi” – bà Huệ thông tin.

Tuy là cá lóc nuôi nhưng theo bà Huệ, phải lựa những loại trong lồng lưới hoặc những nơi sử dụng thức ăn tự nhiên như các loại cá tạp băm nhỏ chứ không dùng thức ăn công nghiệp mới bảo đảm khô thơm ngon. “Cá lóc làm khô được ướp những gia vị quen thuộc như muối, tiêu hạt đập giập, bột ngọt, ớt tươi, mật ong. Sau khi ướp khoảng 30 phút đem phơi dưới trời nắng gắt, khoảng 3-4 nắng là khô. Công đoạn phơi cũng rất quan trọng, để không bị ruồi bu mà vẫn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong lúc phơi, cứ 1-2 giờ phải xịt rượu đế lên cá. Cách làm này giúp khô bớt tanh, thơm ngon hơn khi nướng” – bà Huệ chia sẻ bí quyết.

Theo nhận định của ngành chức năng, dù nhu cầu thị trường tăng cao nhưng các cơ sở chế biến khô cá lóc truyền thống ở huyện Chợ Mới và Thoại Sơn chỉ có thể cung cấp cho các chợ đầu mối tại TP Long Xuyên khoảng 5 tấn.

Ông Trang Phước Kha – chủ một cơ sở chế biến khô cá sặc rằn ở xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang – cho biết làng khô này đã bắt tay vào làm hàng Tết hơn nửa tháng. Dù vậy, hầu hết cơ sở chế biến quy mô lớn ở đây đều lo lắng trước việc giá nguyên liệu cao cùng các chi phí khác tăng nhiều, trong khi giá khô bán ra thị trường lại giảm khoảng 50.000 đồng/kg so với năm ngoái. Hiện giá bán khô sặc rằn tại các cơ sở còn 60.000-130.000 đồng/kg.

Hiện thương lái sang tỉnh Đồng Tháp mua cá nguyên liệu tại ao với giá 25.000 đồng/kg. Giá cá này sẽ được thương lái bán lại khoảng 30.000 đồng/kg cho các cơ sở chế biến khô. Chủ cơ sở còn chịu thêm rất nhiều chi phí khác từ khâu chế biến cho đến vận chuyển hàng đi tiêu thụ. Để có được 1 kg khô phải cần 2,2-2,4 kg cá tươi nguyên liệu. Trong khi đó, giá cá nguyên liệu cùng loại có nguồn gốc từ Thái Lan cao gấp 4 lần so với nội địa nên không chủ cơ sở nào dám nhập về để chế biến vì rất khó tiêu thụ.

“Ở đây có 3 vựa chế biến lớn nhất cùng gần chục vựa nhỏ chuyên cung cấp khô Tết cho các đầu mối tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang và TP HCM với hàng trăm tấn khô cá sặc rằn nhiều kích cỡ. So với giá khô hiện giờ, chúng tôi đang chịu lỗ nhưng vẫn phải làm để giữ mối làm ăn lâu nay” – ông Kha tâm sự.

VIDEO: Chợ nổi hơn 100 tuổi ở miền Tây những ngày cuối năm

Bài viết mới