Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Tổ trưởng tổ công tác hoàn thiện Đề án thành lập Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn – hy vọng, dự luật này sẽ được thông qua vào kỳ họp tới, tháng 5.2018, tạo hành lang pháp lý để Đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn, cùng với 2 đặc khu khác – Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Phong (Khánh Hòa) chính thức đi vào hoạt động. Trao đổi với báo Lao Động, ông Thành cho biết, giới đầu tư tinh túy đã sẵn sàng, chỉ chờ sự phê chuẩn của Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết thêm:
Quảng Ninh cũng như các nhà đầu tư mong muốn luật được thông qua càng sớm càng tốt vì nếu không sẽ lỡ thời cơ. Hơn nữa, một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào đây, cũng như nhiều nhà đầu tư khác chỉ chờ luật được thông qua là sẽ đổ tiền vào. Có thể nói, những thế mạnh tĩnh như đất đai, tài nguyên, khoáng sản… đến giờ gần như không còn động lực để phát triển. Vì thế, những đặc khu như Vân Đồn sẽ góp phần tạo ra những động lực, đột phá mới, không chỉ của Quảng Ninh.
Ông có thể nói thêm về 2 mô hình quản lý mà Quảng Ninh đề xuất để Đặc khu Vân Đồn có thể đột phá?
– Phương án 1, sẽ có Đặc khu trưởng và các phó cùng cơ quan giúp việc tinh gọn, không có HĐND. Cấp xã sẽ được thay bằng các khu hành chính, với người đứng đầu là đại diện của Đặc khu trưởng, cùng bộ máy cũng hết sức tinh gọn.
Phương án này cũng phù hợp với các mô hình đặc khu kinh tế hiện đại và thành công nhất hiện nay trên thế giới. Điều quan trọng là, mô hình này đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Thay vì tập thể quyết định như lâu nay, Đặc khu trưởng toàn quyền quyết định mọi vấn đề và phải chịu trách nhiệm đến cùng với quyết định của mình.
Và để bộ máy hoạt động hiệu quả, Đặc khu trưởng hoàn toàn có thể tự lựa chọn nhân sự tốt nhất cho mình, từ cấp phó đến bộ máy ở các khu hành chính; thậm chí có thể thuê nhân sự nước ngoài làm việc cho mình.
Phương án 2 là chính quyền một cấp – chỉ có UBND và HĐND cấp đặc khu, bỏ UBND và HĐND cấp xã. Ở phương án này HĐND sẽ bị bớt quyền lực và chỉ còn làm nhiệm vụ giám sát, đưa ra các quyết sách dài hạn, chứ không được quyết các vấn đề như ngân sách, đầu tư… Tuy nhiên, với mô hình này, trách nhiệm quyết định vẫn là của tập thể, không đề cao được vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND Đặc khu như với mô hình Đặc khu trưởng.
Quảng Ninh thiên về mô hình nào, thưa ông?
– Dư luận nói chung và Quảng Ninh nói riêng thiên về mô hình Đặc khu trưởng, bởi chỉ có như vậy mới có thể đột phá được. Mô hình chính quyền một cấp, vẫn giữ cả UBND và HĐND cấp huyện thì về cơ bản vẫn như mô hình chính quyền cấp huyện hiện nay.
Đặc khu trưởng sẽ được lựa chọn như thế nào?
– Đặc khu trưởng sẽ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, nhưng trên cơ sở tỉnh Quảng Ninh giới thiệu. Ngoài ra, Quảng Ninh đề xuất Đặc khu trưởng sẽ là Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, kiêm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để vừa kết nối về mặt chính trị, Đảng vừa kết nối về mặt chính quyền. Dù là phó chủ tịch UBND tỉnh, nhưng sẽ không chịu sự điều hành, chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Bộ máy quản lý của Đặc khu cũng phải hết sức đặc biệt thì mới có thể đáp ứng được kỳ vọng?
– Nhân lực có ý nghĩa tối quan trọng đối với sự thành công của Đặc khu. Với mô hình Đặc khu trưởng, thì người này phải có tầm nhìn chiến lược, am hiểu sâu về phát triển kinh tế địa phương, trong nước cũng như thế giới; có khả năng ra quyết định vì được quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Đặc khu trưởng cũng phải có khả năng quy tụ nhân tài trong và ngoài nước. Không có nhân tài, sẽ thất bại. Đội ngũ, bộ máy giúp việc cũng phải hết sức tinh gọn, có trình độ cao, thực thi hiệu quả công việc trong mọi áp lực cạnh tranh quốc tế. Trong bộ máy quản trị có thể có mời đại diện các doanh nghiệp chiến lược, các chuyên gia, nhà quản lý giỏi tham gia.
Việc giải quyết các tranh chấp trong Đặc khu sẽ theo luật pháp, quy định quốc tế hay trong nước, thưa ông?
– Chúng tôi đề xuất, các vấn đề tranh chấp có thể giải quyết theo luật, tòa án quốc tế, nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản, quy định của Việt Nam.
Được biết, Quảng Ninh kiến nghị cho trích một phần thu ngân sách hàng năm, với số tiền không nhỏ, để xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ cho Đặc khu nhằm thu hút đầu tư?
– Kinh nghiệm ở các đặc khu trên thế giới, giai đoạn đầu cần vốn ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ. Ngoài kêu gọi vốn tư nhân thì vẫn phải có vốn đối ứng của Nhà nước để thực hiện mô hình hợp tác công tư xây dựng hạ tầng. Trong 5 năm đầu, Quảng Ninh xin được bố trí 1.500 tỉ/năm từ ngân sách tỉnh; 25% số thu ngân sách nội địa/năm (thu ngân sách nội địa của QN năm 2016 đạt trên 24.000 tỉ đồng) và toàn bộ nguồn thu phát sinh trong Đặc khu trong vòng 10 năm để đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng cũng như phục vụ việc thu hút nhân tài.
Dự kiến, chỉ sau 10 năm, Đặc khu Vân Đồn sẽ có nguồn thu đáng kể và phấn đấu đến năm 2030, GDP của Đặc khu sẽ vào khoảng 21.300USD/đầu người. Vấn đề này đã được các chuyên gia uy tín, các tổ chức tài chính tính toán kỹ.
Về mặt vị trí địa lý, theo ông, đâu là lợi thế lớn nhất của Đặc khu Vân Đồn?
– Vân Đồn có vịnh Bái Tử Long đẹp không kém gì vịnh Hạ Long, với hàng trăm hòn đảo đất tuyệt đẹp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Điều quan trọng là tất cả còn hoang sơ, chưa bị tác động bởi bàn tay con người. Vân Đồn còn có quỹ đất “sạch” rất lớn. Vì thế, đến đây, các nhà đầu tư có tầm cỡ tha hồ thể hiện ý tưởng, đưa ra những sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp thế giới.
Ngoài ra, từ sân bay Vân Đồn, trong bán kính 5 giờ bay có thể tiếp cận tới thị trường rộng lớn gồm Đông Á, ASEAN, Trung Quốc với dân số hơn 3 tỉ người và tổng GDP hơn 22 nghìn tỉ USD. Trong khi đó, các tuyến giao thông đường bộ kết nối Vân Đồn đã và đang được xây dựng, như cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, Hạ Long – Vân Đồn và dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công xây dựng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Chúng tôi đã có nhà đầu tư chiến lược có uy tín cùng tham gia từ bước đầu xây dựng Đặc khu, với sản phẩm đầu tiên của họ là sân bay quốc tế Vân Đồn, dự kiến đón chuyến bay đầu tiên vào 30.4.2017. Họ có năng lực thực sự, chuyên sâu vào dịch vụ, sản phẩm đẳng cấp thế giới và đây cũng là định hướng phát triển của Quảng Ninh. Bước đầu họ đã đầu tư rất lớn, chuyên nghiệp cho thấy sự xác định “ăn đời, ở kiếp” với Quảng Ninh. Quan điểm của chúng tôi: Tại Đặc khu Vân Đồn, sẽ tồn tại các nhà đầu tư “Hớt váng, ăn xổi”.
Cho đến nay, đã có khá nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến trình quy hoạch, dự án về du lịch, thương mại đẳng cấp quốc tế, với tổng số vốn trên 20.000 tỉ đồng và dự kiến sẽ khởi công vào năm tới.
Xin cảm ơn ông!
Theo Đề án Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, nơi đây sẽ là khu đô thị biển – đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế… Dự kiến, đến năm 2020, Đặc khu này sẽ thu hút khoảng 90.000 – 98.000 lao động mới và thu hút từ 110.000 – 111.000 lao động mới vào năm 2030. Với định hướng trên, nguồn nhân lực cho Đặc khu phải đáp ứng tiêu chuẩn lao động quốc tế.