“Đặc khu cần đặc biệt ngay từ người đứng đầu”

“Chúng ta kỳ vọng những thứ rất đặc biệt, rất đột phá ở đặc khu, mà không đặc biệt ngay từ anh trưởng đặc khu thì những thứ khác sẽ chỉ đặc biệt trên giấy tờ”.

Đó là quan điểm của Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành về một vấn đề đang rất gây tranh cãi tại dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

Không miễn thuế đến cạn kiệt

Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh xây dựng, nhưng hiện nay chưa nhiều người được tiếp cận các thông tin đó. Xin ông cho biết, để phát triển được như định hướng, Vân Đồn cần những chính sách gì và đã đề xuất những gì trong đề án?

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng đề án, Quảng Ninh đã làm việc với nhiều chuyên gia và nhà quản lý trong và ngoài nước, với các bộ, ngành… Theo suy nghĩ của chúng tôi và qua kinh nghiệm thực tiễn luật cần tạo dựng được thể chế hiện đại, bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đề cao được trách nhiệm người đứng đầu, tương thích với các mô hình đang hoạt động hiệu quả của các đặc khu trên thế giới.

Cùng với đó, phải có chính sách về kinh tế vượt trội, cạnh tranh toàn cầu để đảm bảo thu hút được nguồn lực của các nhà đầu tư hàng đầu thế giới.

Chúng tôi xác định, với các giá trị khác biệt, lợi thế nổi trội của Vân Đồn, cần hướng mạnh vào 3 mũi nhọn: du lịch văn hóa cao cấp, dịch vụ hiện đại và công nghệ cao. Trước mắt, các dự án động lực, dự án hạ tầng sẽ được ưu tiên chính sách để tạo ra được nền tảng hạ tầng tốt nhất.

Để chuẩn bị tốt về hạ tầng, hiện nay Vân Đồn còn có rất nhiều việc phải làm. Nhưng khi luật được thông qua thì chắc chắn làn sóng và quyết tâm đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ mạnh mẽ hơn.

Hiện nay còn nhiều ý kiến khác nhau về ngân sách cho đặc khu. Nhiều chuyên gia nói rằng Nhà nước sẽ chỉ cho cơ chế chứ không cho tiền. Vậy chỉ với cơ chế, Vân Đồn có khả năng thành công không?

Theo kinh nghiệm thành công của các đặc khu trên thế giới thì đều có chung những điều kiện cơ bản, trong đó có sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển hạ tầng và tạo điều kiện thu hút nhân lực chất lượng cao. Với Quảng Ninh, chúng tôi đã có chuẩn bị những điều kiện cơ bản. Ba năm gần đây, chúng tôi vừa xây dựng đề án đặc khu vừa đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Các nhà đầu tư cũng vào với tâm thế rất chờ đợi cơ chế sẽ được luật hóa.

Chỉ trong thời gian không dài, 36.000 tỷ đồng đã được thu hút từ doanh nghiệp để đầu tư hạ tầng giao thông như cao tốc, sân bay, hệ thống bến cảng đón tàu du lịch cỡ lớn. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông và kỹ thuật này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đặc khu trong tương lai.

Trong đề án, chúng tôi cũng có đề xuất Nhà nước hỗ trợ ở giai đoạn 5 năm đầu, xác định rõ nguồn lực hỗ trợ có mục tiêu trên cơ sở trích lại một tỷ lệ nhất định từ đóng góp của Quảng Ninh nộp về ngân sách trung ương. Sau thời gian đó, đặc khu sẽ đảm bảo được yêu cầu trang trải và có một phần tích lũy để phát triển tiếp cơ sở hạ tầng cũng như đóng góp về ngân sách tỉnh và trung ương.

Chúng tôi cũng xác định là đặc khu trước hết phải “sống” tốt, chứ không phải miễn thuế cho đến cạn kiệt nguồn thu. Phương pháp tiếp cận của các đề án mà chúng tôi báo cáo không nặng vào miễn thuế mà quan tâm tới môi trường đầu tư, kinh doanh, độ an toàn cho các nhà đầu tư. Người ta quan tâm đến hệ thống tư pháp của chúng ta thế nào, chứ không hoàn toàn là vấn đề thuế.

Thứ hai, chúng tôi cũng đề xuất cụ thể mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ trong luật, tránh tình trạng khu các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế của khẩu, được cho cơ chế “hỗ trợ có mục tiêu, căn cứ theo tình hình ngân sách hàng năm thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu trình Chính phủ quyết định”, nhưng thực tế hỗ trợ quá khiêm tốn, khiến khu kinh tế không thể xây dựng được kế hoạch trung và dài hạn.

Đây là điều chúng tôi trăn trở và chủ động đề xuất vào trong đề án.

Cá nhân chịu trách nhiệm đến cùng

Quảng Ninh đã từng nêu quan điểm: nếu không trao thẩm quyền thì trưởng đặc khu cũng không khác gì anh chủ tịch huyện. Trong đề án cũng hướng đến xây dựng thiết chế trưởng đặc khu với thẩm quyền lớn, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu. Tới nay, Quảng Ninh có thay đổi vì về quan điểm này không?

Đặc khu rất cần có một nền hành chính hiện đại, một bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh đã là một trong những tỉnh đi đầu trong thực hiện cải cách hành chính để để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn với nhà đầu tư.

Nhưng với đặc khu, chúng tôi thấy rằng mức độ và yêu cầu đòi hỏi phải cao rất nhiều. Ở đó phải có một bộ máy đủ thẩm quyền, nhưng tinh gọn nhất, xử lý nhanh nhất và hiệu quả nhất tất cả những vấn đề phát sinh của xã hội, đặc biệt là những vấn đề đặt ra của các nhà đầu tư.

Vì vậy, chúng tôi đã đề xuất thay vì có trên 15 phòng, ban của huyện ủy và UBND huyện thì chỉ còn 8 phòng, ban, hướng tới nhất thể hóa cả chức danh cấp ủy và chính quyền.

Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu là một nguyên tắc rất rõ ràng. Khi trao thêm thẩm quyền cho chính quyền đặc khu cũng như thẩm quyền của người đứng đầu thì đòi hỏi kiểm soát phải được tăng cường. Kiểm soát ở đây qua công khai, minh bạch để cả hệ thống chính trị, tất cả mọi người dân có thể giám sát.

Chúng tôi đang mong muốn quản trị, điều hành ở đặc khu nên hướng mạnh theo mô hình quản trị doanh nghiệp, tức là một cá nhân phải chịu trách nhiệm đến tận cùng để khắc phục những bất cập trong hệ thống hiện nay.

Đây là một đột phá góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh và môi trường sống theo hướng phát triển của thời đại. Chúng ta kỳ vọng những thứ rất đặc biệt, rất đột phá ở đặc khu, mà không đặc biệt ngay từ anh trưởng đặc khu thì những thứ khác sẽ chỉ đặc biệt trên giấy tờ.

Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến về dự án luật này thì một trong những điểm khiến giới chuyên gia hết sức băn khoăn là khả năng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt các tập đoàn lớn trên thế giới – mà hiện chưa có một ai. Vậy đã có nhà đầu tư chiến lược nào đến với Quảng Ninh chưa?

Ai cũng hiểu rằng thắng thua của các đặc khu nằm ở nhà đầu tư chiến lược. Đó sẽ là nhân tố chủ đạo trong hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, đi tiên phong, định hình những ngành nghề mũi nhọn, tạo ra cơ hội phát triển mới.

Bản thân Vân Đồn, nếu không có dự án cảng hàng không thì không thể có hàng loạt dự án mấy chục ngàn tỷ đã vào đó. Nhà đầu tư chiến lược vào và tạo ra cơ hội mới thì bản thân họ thu lợi một phần, phần còn lại họ chia sẻ với các nhà đầu tư khác, chứ không phải anh hưởng cả.

Chúng tôi đã thu hút được Sun Group vào đầu tư hạ tầng. Crystal Bay cũng đã đưa tổ chức tư vấn của Pháp vào nghiên cứu miệt mài suốt mấy tháng và đưa ra những ý tưởng mách bảo cho chúng tôi nhiều điều…

Tuy nhiên, những nhà đầu tư chiến lược có xuất hiện thêm không lại phải đợi thể chế. Trước đây, chúng tôi đã mời nhà đầu tư lớn của Mỹ sang trao đổi. Họ bay chuyên cơ sang, nhưng chỉ làm việc 5 phút, đặt 4 câu hỏi với lãnh đạo tỉnh lúc đó là đồng chí Phạm Minh Chính. Quy hoạch tầm quốc gia là ở đâu? Khi đó chúng ta chưa có. Hạ tầng giao thông kết nối: đường cao tốc – sân bay – bến cảng bao giờ hoàn tất, ký cam kết thời điểm, nếu vào chậm anh chịu trách nhiệm. Thể chế về đặc khu đã được luật hóa chưa? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ và chúng tôi sẽ thường xuyên kết nối, chứ không thể nay gặp ông A, mai gặp ông B? Bốn câu hỏi ấy, vào thời điểm đó không có câu trả lời.

Hiện tỉnh đang có một sự chuẩn bị dài hơi, kỹ lưỡng, thận trọng để có được câu trả lời cho câu hỏi của nhà đầu tư, nhưng chúng tôi cũng thực sự rất lo nếu thời gian này bị kéo dài sẽ ảnh hưởng đến niềm tin và quyết tâm của nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư lớn. Chúng tôi đã nêu ra 6 khó khăn, thách thức, nhưng thực sự khó khăn nhất là chuyển đổi nhận thức và tư duy, tạo được sự đồng thuận.

Quảng Ninh đang có gì trong tay khi Vân Đồn sắp thành đặc khu?

Bài viết mới