Sáng nay, ngày 12/6 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng”.
Trong cuộc cách mạng 4.0, Fintech là cụm từ không còn xa lạ trong ngành tài chính nhiều năm gần đây. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng cho phát triển Fintech tốt nhất trên thế giới. Theo Vietnam Digital Landscape (2018), trong tổng số 96 triệu dân, có tới 67% người đang dùng Internet, 57% đang sử dụng mạng xã hội một cách thường xuyên, và 73% sử dụng điện thoại thông minh trong số 146,5 triệu thuê bao toàn quốc. Mức độ sử dụng Internet và mạng xã hội tăng trưởng ấn tượng (28% với Internet và 20% với mạng xã hội so với năm 2017). Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, với độ tuổi trung bình 31 và 69,3% đang ở tuổi 15-60 (Dân số, 2018).
Các startups Việt Nam trong những năm qua đã có những bước tiến nhảy vọt trong đầu tư nói chung, đầu tư vào Fintech nói riêng. Theo Topica (2017), tổng giao dịch đầu tư cho các startups Việt Nam đã tăng trưởng hết sức mạnh mẽ, từ 137 triệu USD năm 2015, lên tới 205 triệu USD năm 2016, và đạt mức 291 triệu USD năm 2017, với số giao dịch tăng gần gấp đôi (92 giao dịch). Trong đó, ngành Fintech đứng thứ ba với 8 giao dịch và tổng số tiền đầu tư là 57 triệu USD. Tính đến hết 2017, giá trị giao dịch thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 tỷ USD. Theo đánh giá của ADB năm 2017, trong 48 công ty Fintech được điều tra phỏng vấn, có tới 22 công ty trong lĩnh vực thanh toán (chiếm 46%), trong khi các loại hình khác đều chiếm tỷ trọng nhỏ (cho vay: 3, tài chính cá nhân: 4, quản lý dữ liệu: 2, blockchain: 4).
Tính tới 30/5/2018, con số công ty Fintech tại Việt Nam đã tăng lên 80 công ty. Các công ty Fintech và ngân hàng đều có những ưu điểm và hạn chế riêng biệt, do vậy, xu hướng hợp tác bổ trợ cho nhau để cung cấp dịch vụ ngân hàng tài chính có chất lượng trở nên vô cùng quan trọng. Theo nghiên cứu nhanh của NHNN (2018), 72% công ty Fintech đang lựa chọn việc hợp tác với các ngân hàng, trong khi 14% quyết định chọn cạnh tranh với ngân hàng, và 14% còn lại chọn phát triển sản phẩm hoàn toàn mới.
Do hoạt động của Fintech tại Việt Nam đang còn trong giai đoạn ban đầu, nên các tác động cụ thể chưa thực sự rõ nét, mà mới chỉ tập trung ở hoạt động thanh toán. Hầu hết các công ty Fintech ở Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực thanh toán, do khung pháp lý về hoạt động này đã khá rõ ràng. Trong năm 2017, quy mô và giá trị giao dịch của các hình thức thanh toán qua Internet và điện thoại di động đã tăng lên hết sức đáng kể, với sự đóng góp rất lớn của các công ty Fintech và sự nỗ lực của các NHTM trong việc ứng dụng Fintech.
Tuy vậy, hoạt động Fintech tại Việt Nam còn kém phát triển, các tác động tích cực đang ở mức tiềm năng và nhỏ lẻ, trong khi một số tác động tiêu cực đã xuất hiện. Một số ngân hàng còn ngại ngùng chưa mở rộng cửa hợp tác với Fintech. Các quy trình thủ tục, đặc biệt là quy trình đấu thầu, hạn chế sự tham gia của Fintech do các yêu cầu về báo cáo tài chính.
Một vài công ty Fintech strong lĩnh vực blockchain và P2P lending đang tạo ra một số vụ việc xấu. Cụ thể, công ty Modern Tech lừa đảo hơn 15.000 tỷ thông qua bán tiền ảo iFan và Pincoin cho 32.000 nhà đầu tư đầu năm 2018. Các lo ngại về việc bảo mật thông tin khách hàng và bảo vệ khách hàng tăng lên khi các vụ tội phạm công nghệ ngày càng nhiều.