Ngày 3-7, nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động cho biết đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo tiến độ xử lý vi phạm trên nhiều lĩnh vực ở huyện đảo Phú Quốc sau hơn 2 tháng ra quân thực hiện theo quyết định của chủ tịch UBND tỉnh này.
Khai thác khoáng sản trái phép gây hủy hoại môi trường tự nhiên ở Phú Quốc cũng rất báo động – Ảnh: D.Vân
Theo đó, tại 2 xã Cửa Dương và Dương Tơ, đoàn công tác đã xác định được 31 trường hợp vi phạm làm đường trên đất nông nghiệp (sử dụng đất không đúng mục đích) với tổng diện tích hơn 58.000 m2. Những trường hợp này đã bị lập biên bản vi phạm hành chính và buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm. Trong số này, có 2 đối tượng được cho làm cam kết khắc phục với diện tích hơn 1.000 m2 nhưng đến nay vẫn chưa đảm bảo theo yêu cầu của đoàn kiểm tra nên sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ trong thời gian tới.
Ngoài ra, đoàn công tác còn phát hiện có 34 căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.000 m2. Hiện đoàn công tác cũng đang khẩn trương xác định rõ chủ nhân của những căn nhà này là người ở đâu để có hướng xử lý thích hợp. Đã có 14 trường hợp được đoàn công tác mời làm việc hợp lệ đến lần thứ 2 nhưng không hợp tác.
Một trong những khu vực làm đường trên đất nông nghiệp tại xã Cửa Dương – Ảnh: D.Vân
Cũng trong đợt kiểm tra lần này, đoàn công tác đã phát hiện đến 15 trường hợp lấn chiếm đất suối với tổng diện tích hơn 10.000 m2 tại khu vực xã Cửa Dương và đang chờ xử lý các bước tiếp theo. Trong số này, đoàn công tác chỉ mới xác định được 12 trường hợp có hành vi lấn, chiếm hành lang bảo vệ suối với tổng diện tích gần 10.500 m2. Đoàn đã tổ chức làm việc và xác định 8 trường hợp vi phạm. Qua làm việc, có 4 trường hợp cam kết tự khắc phục bằng cách di dời toàn bộ lượng đất, đá san lấp để trả lại hiện trạng ban đầu trên diện tích hơn 3.300 m2. Đã có 2 trường hợp chịu nhận quyết định xử phạt hành chính trên diện tích hơn 2.639 m2 nhưng lại không chấp hành tự khắc phục hành vi vi phạm. Đoàn công tác cũng đang củng cố hồ sơ để tiếp tục xử lý theo quy định đối với 7 trường hợp còn lại vì có dấu hiệu không hợp tác.
Theo nhận định của đoàn công tác, phần lớn đối tượng vi phạm trong các lĩnh vực này chủ yếu đến từ Hà Nội, TP HCM. Thậm chí, có nhiều đối tượng thường xuyên đi nước ngoài nên việc mời đến làm việc gặp khó khăn và rất mất thời gian. Riêng đối với những trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp nhưng không phải đất ở cũng gặp rất nhiều khó khăn như nhà đã tồn tại trước khi phân lô, tách thửa hoặc người dân địa phương thiếu chỗ ở; các khu nhà trọ đã được cấp điện, phòng cháy, thu thuế; một số đối tượng có liên quan luôn chống đối khi thực hiện cưỡng chế. Hơn nữa, việc tham gia xử lý của cấp huyện và xã còn thụ động, chưa thực sự quyết tâm, trách nhiệm và chủ động.