Cựu chiến binh thu tiền tỷ từ vườn đồi

Đất đai phì nhiêu, con người chịu khó đã làm cho vùng đất Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thêm nhiều tỷ phú. Trong số này, gương mặt đáng nể và nhiều người biết đến là cựu chiến binh Đặng Đình Thị ở bản Hoa Mai. Chăn nuôi bò, trồng cam, quýt, thanh long, ổi xen lẫn trên đồi cà phê rộng 4 ha đã cho gia đình ông Thị thu nhập mỗi năm gần 2 tỷ đồng.

Câu chuyện làm kinh tế của gia đình ông Đặng Đình Thị cũng nhiều gian nan. Ban đầu, cây ngô lai VNL10 là cây được gia đình chọn để xóa nghèo. Được mấy năm sau thì cây mía xuất hiện và ông Thị nhanh chóng chuyển đổi sang trồng mía nguyên liệu cho nhà máy đường.

Chưa kịp vui với những nguồn thu mới thì cây mía ở Chiềng Ban bị ảnh hưởng sương muối, Nhà máy Mía đường Sơn La không thu mua kịp, mía chất thành đống đốt như đốt củi trong nỗi xót xa của các chủ vườn.

Đàn bò của ông Thị tăng nhanh số lượng cho thu nhập cao.

Đàn bò của ông Thị tăng nhanh số lượng cho thu nhập cao.

Chấp nhận thay đổi cây trồng, cẩn thận hơn, ông Thị chia đất vườn ra thành nhiều lô, 1 phần diện tích trồng ngô, còn lại chủ yếu trồng cây cà phê, nhưng có dành đất để trồng thêm cây ăn quả và kết hợp cả chăn nuôi.

“Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gia đình nhận thấy nuôi bò tại địa phương khá phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao”, ông Thị cho biết.

Theo kế hoạch này, ban đầu ông Thị chỉ lựa chọn nuôi 4 con bò cái, từ đấy nhân đàn lên. Tuy nhiên, khi đàn bò lên tới 10 con, 40 con thì thức ăn cho bò trở thành bài toán nan giải, bởi rừng đã có chủ nên bãi chăn thả gia súc không còn. Muốn nuôi nhiều trâu, bò chỉ còn cách nuôi nhốt chuồng và phải chấp nhận bỏ bớt đất trồng cà phê để trồng cỏ nuôi bò.

Để làm điều này, ông Thị ứng dụng công nghệ tưới ẩm áp dụng trong trồng cỏ nuôi bò. Ông Thị nhớ lại, khi được Hội nông dân và các cán bộ khuyến nông tập huấn, đưa đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả nhiều lần, nhận thấy công nghệ tưới ẩm của Israel có hiệu quả, gia đình đã mạnh dạn xin ứng dụng.

Có công nghệ tưới ẩm, gia đình ông Thị vận dụng không chỉ trên diện tích cây ăn quả, cây cà phê mà đưa sang cả diện tích trồng cỏ. Nhờ công nghệ này, vừa không tốn nước mà lại dư dả cỏ quanh năm, ông đã tăng đàn bò nái lên tới 35 con.

Năm 2015, ông Thị đã bán được gần 20 con bê, nghé các loại. Năm 2016, số nghé lên tới 23 con. Tính ra, thu nhập năm ngoái cả nhà đã có gần 2 tỷ đồng cả từ chăn nuôi và trồng trọt, tăng gấp 3 lần so với năm 2013 và gần gấp đôi so với năm 2014.

“Trong chăm sóc cây trồng và chăn nuôi, chú trọng nhất phải là hệ thống tưới nước, sau đó quân tâm đến phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Quy trình chăm sóc cần phải hợp lý mới có cây trồng sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Thị chia sẻ.

Với mô hình sản xuất mở rộng, ông Thị đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 người. Ngoài ra, trong 3 năm qua, ông Thị còn trực tiếp giúp 6 hộ trong bản Chiềng Ban thoát nghèo nhờ những kinh nghiệm làm ăn hay, hỗ trợ giống, vốn và cho nuôi bò sinh sản.

Ông Hoàng Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban cho biết thêm, gia đình ông Thị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chuồng trại để chăn nuôi. Sau khi nuôi bò phát triển, gia đình đã tận dụng nguồn phân để trồng cây có múi.

“Đây là một điển hình mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất của xã Chiềng Ban. Hiện nay, UBND xã đang tuyên truyền, vận động các bản mạnh dạn học tập ông Thị, nhân rộng mô hình làm kinh tế hiệu quả”, ông Sương cho biết./.

Cây làm giàu cho nông dân vùng đất khó Tiền Giang

Bài viết mới