Cuối năm lại nóng vấn đề an toàn nông sản thực phẩm

Cam kết KD nông, lâm, thủy sản an toàn

Theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, các địa phương, đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ các quy định đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận an toàn thực phẩm. Tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất về ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có nguy cơ cao, tiêu thụ nhiều trong dịp Tết (thịt gia súc, gia cầm, giò, chả, thủy sản, rau, quả…) để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh ATTP để người dân biết, tránh sử dụng. Tổ chức tiếp nhận, xử lý và thông tin kịp thời về các sự cố mất an toàn thực phẩm xảy ra tại địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm và sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Cục Thú y chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm sản phẩm động vật nhập khẩu. Chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Chăn nuôi – Thú y tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP (đặc biệt là việc lạm dụng chất cấm, thuốc an thần) tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Cục Bảo vệ Thực vật chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Chỉ đạo, hướng dẫn Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP (đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản) trong quá trình trồng trọt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan tổ chức giám sát, điều tra, thu thập thông tin, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

Đẩy mạnh quản lý vệ sinh ATTP trong năm 2018

Theo ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, từ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, bằng các chương trình hành động quyết liệt của lực lượng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tình trạng vi phạm ATTP năm 2017 đã được cải thiện đáng kể. Kết quả giám sát năm 2017 cho thấy đã có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo ATTP của cơ sở và chỉ số ATTP các nhóm sản phẩm chủ lực. Tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 97,33%; tỉ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp được kiểm tra đạt yêu cầu đã tăng lên 93,16%. Đặc biệt không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 8.090 mẫu nước tiểu, 1.052 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ; tỷ lệ mẫu thịt tươi vi phạm về chỉ tiêu kháng sinh chỉ còn 0,63% (năm 2016 là 1,76); tỷ lệ mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh đã giảm còn 0,89% (năm 2016 là 1,07%); tỷ lệ mẫu rau, củ, quả vi phạm chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật giảm xuống 0,6% (năm 2016 là 2,05%). Về ATTP, theo Bộ NNPTNT đã thanh tra theo kế hoạch và đột xuất 2.506 cơ sở, phát hiện 373 cơ sở vi phạm về chất lượng, ATTP và xử phạt 107 cơ sở. Các tỉnh/thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 17.269 cơ sở, phát hiện và xử phạt 3.155 cơ sở vi phạm về chất lượng. Tổng số tiền xử phạt vi phạm về lĩnh vực ATTP lên tới gần 80 tỉ đồng.

Dịp tết 2018, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đưa ra những hành động quyết liệt nhằm loại bỏ các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm mất an toàn. Các đơn vị sẽ tăng cường thanh kiểm tra để cơ sở nào đã vi phạm thì không đưa vào chuỗi thực phẩm cung cấp dịp tết cho người dân nữa; thông tin tuyên truyền những nơi bày bán các sản phẩn thực phẩm an toàn để người dân lựa chọn. Bộ NNPTNT luôn có các lực lượng trực ban để khi có sự cố ATTP thì xử lý kịp thời. Tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất nông sản an toàn tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm, giới thiệu hướng dẫn cho người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.

Năm 2018 chúng ta sẽ có những cách làm mới nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là hết năm 2018 chấm dứt tình trạng bơm tạp chất vào tôm. Năm 2018 cần tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, sớm đưa ra được kế hoạch hành động chi tiết trình lãnh đạo Bộ xem xét ban hành để triển khai thực hiện. Năm 2018 chắc chắn vẫn sẽ là năm trọng tâm của quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm với những cách làm mới để đạt kết quả cao nhất.

“Huyệt tử” logistic khiến nông sản Việt Nam kém cạnh tranh

Bài viết mới