Cuộc khủng hoảng thầm lặng trong lĩnh vực ngân hàng ở Nhật

“Xin chào mừng đến ngân hàng chúng tôi”, ba nhân viên ngân hàng chào khách khi khách bước vào chi nhánh của ngân hàng Mizuho tại khu vực Tanashi thuộc Tokyo.

Những nhân viên rất lịch sự và chuyên nghiệp này rất nhiệt tình giúp khách điền vào mẫu cần thiết để mở tài khoản, giúp khách rút những khoản tiền lớn, chuyển tiền hoặc thực hiện các bước để vay tiền.

Ngay cả trong thời đại số, những công việc này tốn khá nhiều thời gian. Để có thể xác nhận được danh tính, khách hàng cần phải trình ra sổ ngân hàng và con dấu cá nhân.

Sau khi các mẫu đơn cần thiết được điền xong, khách hàng nhận được một phiếu chờ và chờ được thu ngân sau quầy gọi. Những công việc phức tạp hơn được chuyển cho nhân viên ngồi quầy thao tác.

Ngày nay, đa phần khách hàng sẽ không cần đến ba nhân viên tiếp đón ban đầu mà sẽ đi thẳng đến khu vực máy ATM và thao tác. Nhiều khách hàng thậm chí không bao giờ đến chi nhánh ngân hàng, thay vào đó họ chọn thực hiện dịch vụ trên phần mềm ngân hàng trực tuyến.

Dù dịch vụ ngân hàng trực tuyến đã phát triển mạnh, trải nghiệm dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở Nhật cho đến nay không khác mấy so với cách đây 1 thập kỷ. Theo quan niệm làm dịch vụ của người Nhật, người Nhật vẫn muốn quan tâm đến từng khách hàng ngay cả khi giờ đây khách hàng cũng không cần quan tâm quá nhiều đến như vậy.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy những điều này đang thay đổi. 3 ngân hàng lớn nhất nước Nhật mới đây đã thông báo về kế hoạch đóng cửa chi nhánh, sa thải hàng nghìn nhân viên và giới thiệu thêm nhiều dịch vụ tự động hóa.

Thế nhưng theo giới chuyên gia ngân hàng, các ngân hàng Nhật vẫn chưa chuyển mình đủ nhanh để đón đầu làn sóng công nghệ số. Một giám đốc điều hành cao cấp cho rằng ngành ngân hàng Nhật đang đối diện với một cuộc khủng hoảng thầm lặng.

Phó chủ tịch cao cấp tại Moody Investors Service, ông Raymond Spencer, khẳng định rằng các ngân hàng bán lẻ cần phải hoạt động giống như các cửa hàng tiện lợi. “Dịch vụ ngân hàng bán lẻ không phải cái gì đó phức tạp, chính vì vậy, cạnh tranh lên quá cao”, ông Spencer nói.

Giờ làm việc của ngân hàng, từ 9h sáng đến 3h chiều các ngày trong tuần, có thể coi như khá kỳ cục trong thời đại công nghệ số, bởi theo ông Spencer, tại sao các ngân hàng lại mở cửa ở thời điểm mà chẳng ai có thể đến ngân hàng được?

Tại ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ, ngân hàng lớn nhất tại Nhật, số lượng khách hàng đến thực hiện dịch vụ tại các chi nhánh ngân hàng đã giảm 40% trong thập kỷ qua, trong khi đó số lượng người dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến tăng 40% trong 5 năm qua.

Ngành ngân hàng Nhật những năm gần đây vốn dĩ đã rất khó khăn khi tăng trưởng lợi nhuận thấp trong bối cảnh lãi suất quá thấp. Khi dân số Nhật ngày một giảm đi, tình trạng khách hàng đến chi nhánh ngân hàng thực hiện dịch vụ sẽ còn tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, số lượng các chi nhánh ngân hàng tại Nhật trong thập kỷ qua lại không thay đổi nhiều, vẫn quanh ngưỡng 13.500. Tính trung bình, mỗi chi nhánh có đến 30 nhân viên, việc thu hẹp hoặc đóng cửa sẽ đồng nghĩa với việc quá nhiều người mất việc.

Cựu điều hành tại ngân hàng Mitsui Asset Trust and Banking, ông Toshinao Sakai, không khỏi chỉ trích tình trạng hiện nay của ngành ngân hàng Nhật: “Hiện có quá nhiều ngân hàng ở Nhật.”

Việc duy trì quá nhiều ngân hàng đang gây ra nhiều sức ép lên lợi nhuận của các ngân hàng. Trong khoảng thời gian 9 tháng tính đến hết tháng 12/2017, lợi nhuận tại nhóm 5 ngân hàng lớn nhất của Nhật giảm trung bình 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật tăng trưởng ấn tượng khi kinh tế Nhật cải thiện.

Đối với các ngân hàng, lợi nhuận thấp đồng nghĩa với việc họ sẽ có vốn thấp hơn, và như vậy khả năng phòng vệ trong trường hợp có khủng hoảng trong tương lai sẽ yếu đi.

Tính toán của Moody cho thấy tỷ lệ ROA của ngân hàng Nhật trong năm tài khóa 2016 ở mức chỉ 0,3% trong khi tỷ lệ tương đương tại Australia là 0,7%; 0,8% ở Anh và 1,0% đối với Mỹ. Chỉ duy nhất tỷ lệ ROA tại ngân hàng Đức thấp hơn ở mức 0,2%.

Tháng 10/2017, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra một thông báo bất thường về việc cảnh báo triển vọng lợi nhuận của 9 ngân hàng trên toàn cầu. Trong đó, thật bất ngờ khi có đến 3 ngân hàng hàng đầu của Nhật bao gồm Mizuho, Mitsubishi UFJ và Sumitomo Mitsui.

Và ngành ngân hàng Nhật cũng đang đối diện với quá nhiều áp lực cạnh tranh từ phía các đối thủ ngoại. Năm 2013, dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động không tồn tại ở Trung Quốc, ở Nhật khi đó cũng vậy. Thế nhưng đến năm 2016, tổng giá trị các thanh toán trên điện thoại di động ở Trung Quốc đã lên đến 3 nghìn tỷ USD, trong đó Alipay và đối thủ WeChat thống trị ngành.

Mọi chuyện không dừng lại ở đây. Sau khi chinh phục được thị trường Trung Quốc, Alibaba và Tencent đang mạnh mẽ tiến vào thị trường Nhật. Trước đó, Tencent đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp thanh toán tại nhiều nước, từ Ấn Độ cho đến Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Nhật là đích đến tiếp theo.

Đối với các ngân hàng Nhật, Ant Financial của Alibaba bị coi như một mối họa, theo khẳng định của giám đốc điều hành cao cấp ngân hàng Mizuho tại Nhật, ông Daisuke Yamada. Ông nhắc đến Ant Financial như “Những chiếc tàu màu đen”, ý muốn nói đến những tàu chiến Mỹ từng buộc nước Nhật phải mở cửa đón thương mại quốc tế vào năm 1853.

Ngân hàng Canada chuẩn bị tung dịch vụ “két an toàn” lưu trữ tiền ảo

Bài viết mới