Trước thềm Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 19, dự kiến khai mạc ở thủ đô Bắc Kinh ngày 18-10 tới, nhiều người cho rằng thách thức kinh tế chính của nước này là tiếp thêm “năng lượng” cho các doanh nghiệp nhà nước đang vật lộn với không ít khó khăn.
Đánh phủ đầu
Tuy nhiên, theo tờ The Wall Street Journal, một nỗi lo lớn không kém của giới lãnh đạo Trung Quốc là nguy cơ trỗi dậy của loại tài phiệt nắm quyền kiểm soát tài sản công, từ đó biến họ thành những tỉ phú có ảnh hưởng trong chính trường. Vì thế, một cuộc chiến ít được để ý hơn đang được phát động để đánh phủ đầu mối đe dọa tiềm tàng này dù đây có thể không phải là vấn đề quá mới.
Ông Ding Xueliang, chuyên gia tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, chỉ ra rằng ngay cả trong thời kỳ trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, CPC không chấp nhận tình trạng doanh nhân sử dụng mạng lưới kinh doanh của mình để tìm kiếm quyền lực chính trị.
Chiến dịch trên được cho là bắt đầu vào tháng 6 qua với vụ bắt giữ doanh nhân Wu Xiaohui, Chủ tịch Tập đoàn Bảo hiểm Anbang, nổi tiếng với các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài. Trước khi bị bắt, ông Wu gây chú ý trong cộng đồng quốc tế khi thương thảo mua lại Tập đoàn Khách sạn Starwood Hotels & Resorts Worldwide Inc. (Mỹ) với giá 14 tỉ USD. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã sụp đổ và hiện chưa có thông tin gì về số phận ông Wu cũng như những cáo buộc ông đối mặt.
Ông Wu Xiaohui bị bắt từ tháng 6 Ảnh: EPOCH TIMES
Một số doanh nhân điều hành những công ty tư nhân lớn khác cũng đối mặt sức ép. Vào tháng 7, Bắc Kinh ngăn các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước cung cấp cho Tập đoàn Dalian Wanda Group các khoản cho vay mới để mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Tỉ phú Wang Jianglin, chủ tịch tập đoàn này, sau đó phải rút khỏi các thỏa thuận lớn ở nước ngoài.
Ông Wang còn ra tuyên bố bác bỏ tin đồn mình bị cấm xuất cảnh sau khi chứng kiến cổ phiếu sụt giảm vì những lời đồn đoán này. Tương tự, tỉ phú Guo Guangchang, Chủ tịch Tập đoàn Fosun Group ở TP Thượng Hải, đã vài lần lên tiếng bác bỏ thông tin ông bị tạm giam được lan truyền trên mạng và giới truyền thông địa phương.
Nguy cơ lãng phí
Chiến dịch kiềm chế giới tài phiệt Trung Quốc nói trên không chỉ xuất phát từ nỗi lo tham nhũng. Trong bối cảnh hàng chục tỉ USD được chuyển từ Trung Quốc ra nước ngoài để mua tài sản trong những năm gần đây, Bắc Kinh lo ngại sự sụt giảm của dự trữ ngoại hối có thể khiến đồng nội tệ bất ổn. Ngoài ra, các quan chức cấp cao còn lo ngại làn sóng thâu tóm của doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài gây ra tình trạng lãng phí khi giá tài sản bị thổi phồng.
Một số công ty internet hàng đầu Trung Quốc thậm chí bị đưa vào tầm ngắm sớm hơn. Hồi năm 2016, Công ty Baidu bị điều tra vì cáo buộc bán thứ hạng trong danh sách kết quả tìm kiếm trực tuyến. Trong khi đó, hãng Tencent buộc phải giới hạn thời gian sử dụng đối với một trò chơi di động mang lại nhiều doanh thu sau khi truyền thông nhà nước chỉ trích nó có tính gây nghiện. Chưa hết, cả 2 công ty này còn bị điều tra vì những vi phạm liên quan đến an ninh mạng.
Chiến dịch trên diễn ra trong bối cảnh lĩnh vực tư nhân ở Trung Quốc không ngừng phát triển. Ông Andy Rothman, nhà chiến lược đầu tư tại Công ty Quản lý tài sản Matthews Asia (Mỹ), cho biết doanh nghiệp tư nhân hiện tạo ra 3/4 sản lượng kinh tế và tuyển dụng hơn 80% người lao động tại các thành phố.
Một nghiên cứu năm 2015 của 2 chuyên gia Curtis Milhaupt (Trường Luật Columbia) và Wentong Zheng (Trường ĐH Florida) nhận thấy phần lớn nhà sáng lập hoặc lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân và công ty internet hàng đầu Trung Quốc là thành viên của các tổ chức chính trị trong nước.