Trao đổi với Báo Người Lao Động, Đại sứ Việt Nam tại Úc Ngô Hướng Nam cho biết hiện tại Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được cấp phép nhập khẩu thanh long tươi vào Úc sau khi ngày 24-8 vừa qua, Úc đã chính thức công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam. “Tuy nhiên, mặc dù Úc đã mở cửa song hiện nay vẫn chưa có đầu mua bên Úc. Khi có lô hàng đầu tiên, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc sẽ tổ chức ngày Thanh long tại Úc”- Đại sứ Ngô Hướng Nam chia sẻ.
Thương vụ Việt Nam tại Úc đang thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại cho trái thanh long trong thời gian tới để trái thanh long chính thức được xuất khẩu sang Úc vào cuối năm nay 2017, sau khi trái vải và trái xoài, hai trái cây tươi đầu tiên của Việt Nam được nhập khẩu vào Úc, đã đạt được những thành công nhất định.
Đóng gói thanh long xuất khẩu đi Đài Loan
Theo Thương vụ, phía Úc đã đưa ra các điều kiện áp dụng đối với nhập khẩu thanh long từ Việt Nam, song Bộ Nông nghiệp Úc sẽ đánh giá tính phù hợp của việc nhập khẩu so với các điều kiện nhập khẩu.
Trước khi nhập khẩu vào Úc, doanh nghiệp cần có giấy phép hợp lệ do Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc cấp (có thể nộp đơn xin giấy phép trên mạng).
Trước khi xuất khẩu, thanh long phải được Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận không bị nhiễm côn trùng trong diện kiểm soát an toàn sinh học (kiểm dịch). Thanh long phải có nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu từ Việt Nam phù hợp với các điều kiện và chương trình có liên quan. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gốc phải được cấp bởi Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam, phải đi kèm với mỗi lô hàng và phải được hoàn thành một cách chính xác.
Bất cứ lô hàng nào không có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đầy đủ hoặc chứng từ ghi không nhất quán với nhãn hàng thì sẽ bị giữ lại cho đến khi Bộ Nông nghiệp Úc tham vấn với Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam để làm rõ và ra quyết định.
Hàng hoá phải không có côn trùng và bệnh dịch. Hàng hoá cũng không được lẫn các chất ô nhiễm, bao gồm lá cây, cành cây, đất, hạt cỏ dại, mảnh vụn và các loại thực vật khác trừ 1 cm cuống của quả thanh long.
Mỗi lô hàng phải được đảm bảo tình trạng kiểm dịch trong khi vận chuyển bằng các lựa chọn đóng gói đảm bảo. Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật. Không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến, chẳng hạn như rơm.
Các thùng carton hoặc kiện hàng đơn lẻ phải được dán nhãn với một số nhận dạng duy nhất để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc. Kiện hàng phải được buộc chắc chắn.
Sản phẩm đã được xử lý phải được bảo vệ khỏi các côn trùng gây hại trong quá trình đóng gói và sau khi đóng gói, xử lý, lưu kho và vận chuyển giữa các địa điểm. Sản phẩm đã được kiểm tra và chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải được duy trì trong điều kiện an toàn để không bị lẫn với trái cây xuất khẩu đi các thị trường khác hoặc để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Ngoài ra, container còn phải được kiểm tra bởi Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam trước khi xếp hàng để đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập.
Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc có thể lấy mẫu và kiểm dịch bất cứ lô hàng nào. Lô hàng phải được kiểm tra bởi các cán bộ an toàn sinh học tại cảng đến đầu tiên. Không được phép chuyển tiếp bằng được hàng không hoặc đường bộ cho đến khi lô hàng được thông quan từ điểm kiểm soát an toàn sinh học.
Nếu lô hàng bị phát hiện có côn trùng sống có nguy cơ an toàn sinh học, chất ô nhiễm sẽ bị yêu cầu tái xuất hoặc loại bỏ chất ô nhiễm, thậm chí tiêu huỷ. Mọi chi phí sẽ do người nhập khẩu chịu.
Bộ Nông nghiệp Úc có thể rà soát chính sách nhập khẩu bất cứ lúc nào sau khi thương mại bắt đầu hoặc khi tình trạng sâu bệnh và kiểm dịch thực vật tại Việt Nam bị thay đổi.