“Cửa sáng” cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su

Xuất khẩu năm 2017 ấn tượng

Kết thúc năm 2017 ngành cao su Việt Nam đã đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước trên 2 tỷ USD, đạt 1,3 triệu tấn, tăng 10,16% về lượng và 34,68% về kim ngạch so với 2016. Giá xuất bình quân đạt 1629,09 USD/tấn, tăng 22,26%. Trong đó, biến động giá một số chủng loại cao su xuất khẩu chính như cao su tổng hợp giá xuất trung bình đạt 1.661,19 USD/tấn, tăng 22,71%; cao su SVR 3L đạt 1.748,55 USD/tấn, tăng 26,36% và cao su SVR 10 đạt 1.592,86 USD/tấn, tăng 23,47%…

Cao su Việt Nam xuất khẩu tới 28 quốc gia trên thế giới, trong đó xuất sang các nước EU chiếm 7,4% và các nước Đông Nam Á chiếm 6,7%.

Trung Quốc thị trường chủ lực chiếm 65% tỷ trọng đạt 896,2 nghìn tấn 1,4 tỷ USD, tăng 20,71% về lượng và 45,61% về kim ngạch so với 2016. Giá xuất bình quân tăng 20,62%, đạt 1612,80 USD/tấn.

Tiếp theo là thị trường Malaysia, Ấn Độ đạt 77,7 và 43,3 nghìn tấn, nhưng so với năm 2016 tốc độ xuất sang hai thị trường này đều giảm, tương ứng 23,22% và 36,16%.

Nhìn chung, năm 2017 lượng cao su xuất sang các thị trường đều tăng chiếm 68% và ngược lại giảm chỉ chiếm 32%, trong đó xuất sang thị trường Brazil giảm mạnh 29,72% với 9,7 nghìn tấn.

Điểm nổi bật ngành cao su năm 2017, đó là mức độ xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đã hạn chế, thay vào đó để tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu sang các thị trường ngách tiềm năng như Ukraine, tuy giá xuất bình quân chỉ tăng 18,53% so với 2016 đạt 1788,33 USD/tấn, nhưng tăng gấp hơn 2,2 lần về lượng và hơn 2,6 lần về kim ngạch – đây cũng là thị trường có mức tăng mạnh. Bên cạnh đó cũng phải kể đến những thị trường có giá xuất đạt cao như: Phần Lan tăng 44,64% đạt 2079,8 USD/tấn; Hongkong (Trung Quốc) tăng 33,92% đạt 1809,19 USD/tấn và Nhật Bản tăng 25,72% đạt 1943,71 USD/tấn.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu cao su năm 2017

“Cửa sáng” cho các doanh nghiệp xuất khẩu cao su - Ảnh 1.

Nguồn số liệu: Thống kê TCHQ

Triển vọng đầy lạc quan

Mặc dù các thị trường cao su kết thúc năm 2017 trong nốt trầm, nhưng giá sẽ được cải thiện trong thời gian tới bởi những yếu tố cung cầu, chính sách, tỷ giá tiền tệ và giá dầu trên thế giới. Theo dự báo của các chuyên gia, giá cao su TSR20 (SICOM) sẽ đạt mức 2.450 USD/tấn trong quý 1/2018.

Ba nước xuất khẩu cao su lớn trên thế giới đó là Indonesia, Malasyia và Thái Lan (chiếm gần 70%) đã đồng ý cắt giảm 350.000 tấn cao su từ ngày 22/12/2017 đến 31/3/2018. Đây là lần thứ 5 kể từ năm 2012 đến nay Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC) đồng ý triển khai kế hoạch giải cứu cao su. Theo đó, Thái Lan giảm khoảng 230 nghìn tấn, Indoensia 95 nghìn tấn và Malasyia 20 nghìn tấn. Ngoài ra, giai đoạn mùa đông khai thác thấp điểm và sản lượng vốn đã giảm có thể giúp đẩy giá cao su tăng và kỳ vọng sẽ đạt 60 Baht/kg.

Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Cao su Thái Lan, kiêm giám đốc IRCo, Luckchai cho hay, năm 2018 sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan dự báo đạt 4,4 triệu tấn, tăng 3,4% hay 150.000 tấn so với năm 2017. Nhưng tiêu thụ tại thị trường nội địa ước đạt 700.000 tấn, tăng 11,4% so so với năm 2017. Xuất khẩu năm 2018 dự báo giảm 5,2% xuống còn 3,6 triệu tấn, so với mức 3,8 triệu tấn trong năm 2017.

Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su tự nhiên lớn trên thế giới, cũng tăng nhập khẩu cao su tự nhiên từ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để đáp ứng nhu cầu nội địa. Theo Trung tâm Thông tin Hải quan Trung Quốc thì trong 10 tháng năm 2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 15,45 tỷ USD mặt hàng cao su, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó Việt Nam đứng thứ 4 về cung cấp cao su cho Trung Quốc.

Sự chênh lệch giá giữa các hợp đồng giao kỳ hạn ngắn với các hợp đồng giao kỳ hạn dài đang rất rộng, điều này đã thúc đẩy Trung Quốc gia tăng nhập khẩu cao su thời gian qua. Cùng với đó, nhu cầu cho hoạt động sản xuất lốp của các nhà máy Trung Quốc tăng, tỷ lệ vận hành của các nhà máy bình quân đạt công suất 65,13%. Tỷ giá đồng CNY so với USD tăng mạnh từ cuối tháng 8/2017 đến nay cũng khiến cho hàng hóa nhập khẩu trở nên rẻ hơn đã thúc đẩy nhập khẩu tăng.

Thị trường cao su châu Á trong nửa đầu tháng 1/2018 đã có những tín hiệu khởi sắc, giá cao su kỳ hạn giao tháng 6 tại TOCOM đã có lúc tăng lên 210,5 Yên (tương đương 1, 9 USD/kg) – mức cao nhất kể từ ngày 28/12/2017.

Giá dầu trên thị trường thế giới xu hướng đi lên ngay từ đầu năm 2018, do các nhà đầu cơ đặt cược giá tăng trong tương lai với bối cảnh OPEC cắt giảm sản lượng và hoạt động khoan dầu tại Mỹ. Giá dầu thô Brent kỳ hạn chạm mức 70,37 USD/thùng (phiên giao dịch 15/1), mức cao nhất kể từ tháng 12/2014, thời điểm thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn trượt giá kéo dài ba năm.

Giá cao su thiên nhiên còn chịu ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ. Theo như dự báo của nhiều chuyên gia, vào cuối 2017 và đầu năm 2018, giá cao su có thể bước vào một đợt phục hồi mới khi đây là thời gian cây cao su vào mùa rụng lá và ngừng thu hoạch mủ ở nhiều nước.

Diện tích trồng cao su tại Việt Nam (một trong những quốc gia xuất khẩu cao su lớn trên thế giới) ngày càng mở rộng. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), khu vực miền núi phía Bắc tổng diện tích cao su đã trồng từ năm 2007 đến nay đạt hơn 28.166 ha, trong đó Tây Bắc 22,914 ha, Đông Bắc 5.251 ha. Đến tháng 9/2017, đã có 3 công ty đưa hơn 2.808 ha vào cạo mủ, diện tích khai thác chế biến 23.833 ha. Các giống cao su được trồng phổ biến là: GT 1, RRIC 121, RRIM 600, PB 260, IAN 873… Dự kiến tổng sản lượng khai thác khu vực miền núi phía Bắc tăng nhanh từ năm 2018 – 2022, sau đó ổn định đến năm 2035 với tổng sản lượng đạt đỉnh khoảng 33.500 – 37.500 tấn/năm.

Hàng năm cứ vào tháng 2 – tháng 3 thời kỳ tạm ngưng khai thác mủ để cây cao su tái tạo mủ, vì vậy mà tình hình xuất khẩu trong thời gian này sẽ bị gián đoạn do trùng với Tết Nguyên Đán. Dự kiến xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý 1/2018 giảm về lượng nhưng kim ngạch tăng trưởng, nhờ giá xuất khẩu đạt mức cao.

Xuất khẩu cao su sẽ giảm trong quý I/2018?

Bài viết mới