Hàng thì nhiều, đủ chủng loại từ thanh long, dưa hấu, nhãn, bưởi lên tới cả nghìn xe nối dài từ thị trấn Đồng Đăng nhưng phía Trung Quốc chỉ nhập khoảng 300 xe. Tắc đường, mong ngóng, mệt mỏi đọng lại trên khuôn mặt các tài xế.
Nguy cơ cái tết vạ vật giữa đường biên giới là có thật, và ngày càng hiện rõ trong những khuôn mặt rầu rĩ của cành tài xế vùng biên ngày cuối năm. Phóng viên Báo Lao Động đã có mặt để phản ánh tình trạng này…
Mệt nhoài vì ùn tắc
Ngay từ thị trấn Đồng Đăng hướng lên Tân Thanh chỉ hơn 10 cây số nhưng ghi nhận chiều 7.2 có tới 6 điểm dừng xe, mỗi điểm dừng kéo dài từ 7 tới 10 xe container. Tới ngã ba vào cửa khẩu Tân Thanh là đoàn xe tải từ 8 tới 10 tấn ỳ ạch nhích từng mét. Đoạn đường dài 4km này ầm ầm tiến rền rí của động cơ xe, nồng nặc mùi xăng.
Ngay giữa khoảng không chật hẹp giữa hai xe thỉnh thoảng vài tài xế ngồi vạ vật xôm tụ. Đến trước trạm kiểm soát của cửa khẩu Tân Thanh cũng chứng kiến cảnh ùn ứ kéo dài, hàng loạt xe nối đuôi nhau nhích từng bước một. Thỉnh thoảng vang lên tiếng la ó, chửi thề đồng loạt của các tài xế khi một tài xế xe bất chấp dòng xe lấn làn vượt lên trước.
Tài xế tên Quang chở dưa hấu từ Quảng Ngãi cho hay, xe tải chở 13 tấn dưa xuất phát từ Quảng Ngãi 5 ngày trước, sau hơn một ngày thì tới Lạng Sơn, tuy nhiên phải chờ thêm 4 ngày nữa mới tiến sát được cửa khẩu Tân Thanh mặc dù chặng đường dài hơn 10km. Trong khi đó, tại cửa khẩu ngay trước Chi cục Hải quan Tân Thanh thì hàng dài xe vẫn nối đuôi nhau chờ qua biên giới. Cảnh tắc đường tại Tân Thanh đã diễn ra gần một tuần nay.
Lý giải nguyên nhân ùn tắc, trao đổi với Lao Động, ông Phan Cảnh Thành – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) – cho biết, tình trạng ùn ứ xuất hiện bắt đầu từ cuối tháng 1 đầu tháng 2.2018. Nguyên nhân chính chủ yếu do cung nhiều hơn cầu.
“Phía bên Trung Quốc mỗi ngày họ chỉ nhận và tiêu thụ khoảng hơn 200 xe hàng, tuy nhiên, ở Việt Nam mỗi ngày từ dưới xuôi đổ dồn lên vào bãi xe cửa khẩu đến 400 xe. Chính vì nhiều xe đổ dồn như vậy, nên việc ùn ứ là khó tránh khỏi” – ông Thành nói. Cũng theo ông Thành, trong bãi của cửa khẩu Tân Thanh chỉ chứa được khoảng hơn 200 xe hàng. Trong khi đó lượng xe đổ dồn lên nhiều nên nhiều chủ xe và lái xe đã phải ăn chờ trên đường mất hai đến ba ngày, thậm chí 4 ngày trời.
Ùn tắc nhiều ngày, cánh tài xế đành phải nấu ăn giữa đường
Ngoài nguyên nhân cầu nhiều hơn cung, đại diện Hải quan Tân Thanh cho rằng do phía Trung Quốc có chủ trương phân luồng các loại mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tại cửa khẩu Tân Thanh, hàng hóa Việt Nam chưa qua bao bì, đóng hộp phía Trung Quốc chỉ cho nhập hàng nông sản củ quả. Việc này đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay hai bên vẫn chưa thống nhất với nhau được. Vào vụ cao điểm thanh long, dưa nếu phía Trung Quốc cho mở các cửa khẩu khác giảm tải thì chắc không ùn tắc như vậy!
Trong khi Hải quan Tân Thanh cho rằng do cung nhiều thì cánh tài xế tại Tân Thanh lại có cách giải thích khác. Các tài xế nêu hiện tại có xe cố tình nằm ở bãi Việt Nam để chờ khách mua do giá lưu bến của Trung Quốc cũng cao hơn nhiều lần so với Việt Nam.
Tại Trung Quốc, khi xe làm xong thủ tục thông quan, vào bãi thì phải đóng phí lên tới gần 2 triệu đồng, ngay sau đó giá bãi xe mỗi ngày đêm là 220 nghìn đồng, trong khi ở Việt Nam cao nhất chỉ 260.000 đồng/ngày. “Khi hàng nhiều, giá bán đang chững lại thì nhiều xe chủ động ở lại Việt Nam chờ giá nhích lên mới sang Trung Quốc để tránh tiền lưu bến bãi” – tài xế chở hàng nhãn tên Long nói.
Lo vạ vật đón tết giữa đường biên
Tại khoảng không ngay lối dẫn vào cửa khẩu, vài tài xế đang tụ bạ bên chén trà nóng, mỗi người nhìn về một hướng không nói câu nào. Không khí im lặng chỉ được phá vỡ khi tài xế Vinh nhận điện thoại từ vợ ở Quảng Ngãi hỏi ngày về. Đã 4 hôm nay, vợ của Vinh ngày nào cũng gọi tới vài lần chỉ hỏi một nội dung “khi nào thì về”, và câu trả lời với giọng uể oải, Vinh nói cộc lốc “chắc mai hoặc kia” rồi tắt phụt máy.
Bên cạnh Vinh là tài xế tên Tài, từ Bình Thuận chở 20 tấn thanh long thì ngược lại, muốn sang chợ càng nhanh càng tốt nhưng với tình cảnh tắc triền miên hiện tại chưa biết khi nào sang. Anh Tài rầu rĩ vì muốn có cái tết tươm hơn nên đã bỏ vốn chung xe thanh long vì năm ngoái thanh long đỏ được giá, đến năm nay giá vẫn hơn 30 nghìn đồng/kg, xe hàng của anh Tài giá 700 triệu.
Với xe hàng này, kể cả vốn góp và công tài xế 2 người, anh Tài tự tin sẽ thu về cả trăm triệu dịp tết này. Khác với dưa dù để một tuần thì vỏ dưa không xuống màu nhưng với thanh long chỉ hơn 1 tuần là vỏ tai thanh long đã chuyển vàng, đến khi tai thanh long héo khô vàng thì hạ xuống 5 giá cũng chưa chắc có khách, khi đó chắc lỗ.
Trong buổi chiều ngày cuối năm, thời tiết Tân Thanh càng lạnh, cánh tài xế tụ tập bên những đốm lửa đã được đốt lên ngay cạnh xe, những câu chuyện rời rạc chuyện về nơi tắm, quán ăn được mọi người gắng nói cho có chuyện. Nhưng đến khi có điện thoại chủ hàng bên kia chợ gọi sang thì ai cũng dỏng tai nghe. Giá nông sản bên chợ Pò Chài lên xuống từng buổi, sáng có xe được giá nhưng tới chiều giá xuống là chuyện bình thường.
Trên đường về, chúng tôi thấy nhóm người đang chụm vào nhau, người nhặt rau, người thái thịt. Họ đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều giữa đường bên cạnh chiếc xe hàng của mình.
Nhiều câu chuyện chắp nhặt từ cánh tài xế Tân Thanh chiều cuối năm, với họ thêm một cái tết xe nhà giữa đất khách đang hiển hiện. Tết không nhà đang là nỗi lo nhưng nỗi lo này sẽ thành hiện thực khi chỉ thêm vài ngày nữa đường biên Tân Thanh vẫn tắc như thế này.
Tiểu thương Trung Quốc ép giá
Chuyện về ép giá bên chợ Trung Quốc cũng được ông Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) xác nhận. Nói về việc xe hàng đổ về dồn dập liệu có bị ép giá hay không? ông Thành cho rằng, việc này là có. Bởi theo ông Thành, hiện nay người dân đang buôn bán theo tiểu ngạch, không có hợp đồng.
Ngoài ra, trong quá trình buôn bán, các tiểu thương của Trung Quốc rất đoàn kết và có sự móc nối với nhau. Khi xe hàng của tiểu thương người Việt đưa sang thì chỉ có duy nhất một người đến trả một mức giá. Mức giá đó được giữ nguyên, không có người thứ hai đến để trả giá xe hàng đó nữa. Chính vì vậy, những chủ hàng khi đưa sang đều phải chấp nhận giá đưa ra mức ban đầu – ông Thành nói.
“Xe hàng dồn lên nhiều vào dịp cuối năm, không chủ động được về mặt giá cả nên việc bị ép giá là chuyện đương nhiên” – ông Thành nói.