“Có không khí tăng trưởng” ở các địa phương
Điểm lại tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng qua, Thủ tướng nhìn nhận có nhiều điểm tiến triển tích cực, đáng mừng.
Cụ thể, các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế và các ngân hàng thương mại được cải thiện xếp hạng tín nhiệm. Đặc biệt, chỉ số PMI của tháng 5 tăng lên 53,9 điểm, cao nhất trong ASEAN. Sản xuất nông nghiệp phát triển tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,7%.
Nhiều địa phương, theo nhận xét của Thủ tướng, đã năng nổ, chủ động tìm nguồn lực phát triển.
Bên cạnh đó, sức cầu trong nước cải thiện mạnh mẽ. Tiêu dùng nội địa tích cực, cụ thể là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tăng 10,1% so với cùng kỳ. Khách du lịch đạt trên 6,71 triệu lượt khách, tăng 27,6%.
Xuất khẩu 5 tháng đạt trên 93 tỷ USD, tăng gần 16%. Xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8%. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển tích cực. 5 tháng, có gần 53.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký bổ sung khoảng 1,4 triệu tỷ đồng…
Kiểm soát chặt lạm phát
Dù vậy, Thủ tướng nhận định nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém, thách thức và yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo cụ thể, nhằm thảo luận và đưa ra đối sách kịp thời.
Việc điều hành, theo Thủ tướng là không được chủ quan vì thế giới biến đổi rất nhanh. Dẫn ra vấn đề về chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 5 tăng 0,55%, là tháng 5 có CPI cao nhất trong 6 năm trở lại đây, Thủ tướng yêu cầu phải tính toán tổng thể các giải pháp để kiểm soát lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đưa ra.
Ông nhấn mạnh tinh thần “để lạm phát không quá 4% phải được quán triệt trong điều hành ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương”.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Tài chính, Bộ Công Thương và một số bộ phát biểu về vấn đề này theo hướng không tăng giá điện trong năm nay, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục nếu điều kiện cho phép vào thời điểm phù hợp. Cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn.
Một vấn đề nữa là tình hình giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Trong đó, không chỉ các bộ, ngành mà các đầu tàu kinh tế như Hà Nội mới đạt khoảng 30% kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh mới đạt 15% kế hoạch.
Theo Thủ tướng, đây là một nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí, đội vốn, chậm đưa công trình vào hoạt động, ảnh hưởng đến tăng trưởng. “Có nhiều nguyên nhân, chúng ta cần thảo luận vấn đề này, phải có biện pháp mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nói và cho biết trong khi đi thị sát một số công trình, thấy có bố trí vốn nhưng giải ngân quá chậm “do cách làm”.
Cùng với giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi kênh FDI cùng với kênh trong nước góp phần quan trọng vào tăng trưởng. Ông nói: “Nguồn lực chúng ta có hạn, cần phải kết hợp nhiều kênh cho phát triển, trong đó có kênh FDI”.
Đối với việc lựa chọn dự án FDI thế nào, mục tiêu, ưu tiên như thế nào thì theo Thủ tướng, sắp tới đây sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó đề cập vấn đề này…
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhắc đến việc cắt giảm 50% thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh còn chưa triệt để.
Theo Thủ tướng, nhiều Bộ tuyên bố cắt giảm thủ tục nhưng còn hình thức, chưa thực chất, vẫn còn khó khăn cho doanh nghiệp, cho môi trường đầu tư mà.
“Chúng ta cần thảo luận vấn đề này để tạo môi trường đầu tư tốt hơn, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và doanh nghiệp của chúng ta thay đổi về chất”, Thủ tướng nói.