Ngoài mức tăng trưởng chung, theo công bố của Tổng cục Thống kê, nhiều ngành kinh tế trong 6 tháng qua cũng đã đạt mức tăng cao nhất trong nhiều năm. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng cao nhất tính từ 2012.
Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi tăng 3,28%, ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,41%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua.
Ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây). Trong khi đó, công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%).
Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,90%, mức cao nhất 7 năm gần đây.
Những kết quả khả quan nói trên có ý nghĩa quan trọng, trong bối cảnh chúng ta đã đi được nửa chặng đường của năm 2018. Không chỉ có vậy, 2018 là năm bản lề để hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội cả giai đoạn 2016-2020 và như thế, qua nửa đầu năm 2018, chúng ta cũng đang ở giữa giai đoạn 5 năm.
Trước đó, ngay trong Nghị quyết số 138/NQ-CP về Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng cuối cùng của năm 2017, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương không chủ quan với thành tích của năm 2017 mà khẩn trương khắc phục hạn chế, yếu kém để ngay từ những ngày đầu năm, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và 5 năm 2016 – 2020.
Theo đó, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện… Những kết quả đã đạt được cho thấy những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, dự báo kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài và sẽ là những trở ngại cho mục tiêu đã đề ra.
Trong đó, có hai vấn đề nổi lên trong thời gian qua. Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,61% so với tháng trước, cao nhất trong 7 năm gần đây và hiện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro với lạm phát. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, kiểm soát lạm phát là “thử thách của chúng ta trong năm nay, là bài toán, dấu hỏi lớn cùng với bài toán tăng trưởng”.
Thứ hai, đó là xu thế đã được Chính phủ dự báo: Tốc độ tăng trưởng GDP theo quý của năm 2018 sẽ không duy trì mô hình truyền thống quý sau cao hơn quý trước mà có xu hướng giảm dần, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể hơn, GDP quí I tăng trưởng 7,45% nhưng quí II chỉ tăng 6,79%.
Xét trong dài hạn, một số chuyên gia kinh tế đã cảnh báo, cần hết sức lưu ý về chu kỳ kinh tế 10 năm với những diễn biến kinh tế bất lợi như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008-2009.
Tuy nhiên, tình hình đã rất khác trước đây.
Trước hết, nếu GDP 6 tháng tăng ở mức cao nhất kể từ năm 2011, thì một so sánh đơn giản cũng có thể thấy tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay ổn định vững chắc hơn rất nhiều so với cùng thời điểm đó: Khi ấy, tình hình nóng đến nỗi Chính phủ phải ban hành riêng Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong suốt thời gian dài vừa qua, bên cạnh việc triển khai các giải pháp đồng bộ thúc đẩy tăng trưởng bền vững, Chính phủ luôn hết sức chú trọng giữ gìn ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nêu rõ, với nhiều tín hiệu lạc quan từ quốc tế và trong nước, dự báo kinh tế vĩ mô và tăng trưởng năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không chủ quan trong bối cảnh tình hình biến đổi nhanh, khó dự báo với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Kiên quyết, kiên trì giữ ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá, là mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành, theo tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Ngay cả những lo ngại về “chu kỳ kinh tế 10 năm” cũng được tính tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chia sẻ về điều này tại một hội thảo diễn ra đầu tháng 6 và cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… xây dựng báo cáo đánh giá rõ rủi ro, thách thức Việt Nam phải đối mặt từ nay tới năm 2020 và những năm tiếp theo.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định đủ khả năng và điều kiện để kiểm soát kinh tế vĩ mô, tăng trưởng phấn đấu đạt 6,7%, lạm phát không vượt quá 4% như Nghị quyết Quốc hội đã giao cho năm 2018. Những kết quả khả quan nói trên trong 6 tháng đầu năm, cùng các giải pháp, chủ trương cho thời gian tới sẽ được đánh giá, thảo luận kỹ lưỡng tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương khai mạc sáng mai, 2/7.