Container phế liệu: “Bom hẹn giờ” tại nhiều cảng biển

Cảng biển “kêu cứu”

Tháng 7/2017, Trung Quốc thông báo đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là nước này sẽ ngưng nhập khẩu 24 loại chất thải rắn, trong đó chủ yếu là các loại nhựa và giấy phế liệu, thông báo này có hiệu lực từ tháng 9/2017. Sau động thái này, lượng hàng phế liệu nhập về Trung Quốc giảm mạnh. Và động thái này của Trung Quốc đã làm các quốc gia xuất khẩu các loại phế liệu, đặc biệt là Mỹ và các nước châu Âu không biết nên xử lý như thế nào với lượng phế liệu mà Trung Quốc giảm nhập ước tính lên đến 75.000 TEU/tháng.

Và, Việt Nam đã là một trong các điểm đến mà luồng hàng này dịch chuyển.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, tính đến ngày 31/5/2018, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam là 27.944 container. Trong đó khu vực cảng biển Hải Phòng có 6.753 container; khu vực cảng biển TPHCM có 14.658 container; khu vực cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu có 6.533 container.

Tình trạng này đặc biệt nóng tại những cảng biển thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Điển hình là ở Tân cảng Cát Lái, cảng container lớn nhất Việt Nam đang tồn đọng khoảng 7.000 TEU (7.000 conteainer 20 feet) mặt hàng nhựa/giấy phế liệu và trên 3.000 TEU các mặt hàng khác đã lưu bãi trên 90 ngày (chiếm 10% tổng dung lượng bãi).

Để khắc phục tình trạng này, từ 1/6/2018, Tân cảng Sài Gòn sẽ ngưng tiếp nhận các container nhựa/giấy phế liệu chuyển từ các cảng nội địa khác (kể cả các cảng thuộc hệ thống Tân cảng Sài Gòn) về cảng đích Tân Cảng Cát Lái.

Bên cạnh đó, Tân cảng Sài Gòn cũng đề nghị Tổng cục Hải quan cho phép chuyển các lô hàng nhựa/giấy phế liệu nhập khẩu đã lưu bãi trên 90 ngày tại Tân cảng Cái Lái về lưu trữ tại các cơ sở thuộc hệ thống Tân cảng Sài Gòn như Tân cảng Hiệp Phước, ICD Tân cảng Nhơn Trạch và ICD Tân cảng Long Bình.

Hệ luỵ lớn khi hàng hoá chậm luân chuyển

Trên thực tế, việc nhập các container phế thải, phế liệu… là một khâu quan trọng trong ngành công nghiệp tái chế, một ngành có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Ngay cả những nước phát triển như Canada, Australia, Tây Ban Nha… cũng nhập khẩu phế liệu từ Mỹ.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, một lượng lớn hàng phế liệu nhựa, giấy tiếp tục đổ về các cảng biển Việt Nam do hãng tàu, khách hàng đã ký hợp đồng hoặc hàng đã được xếp lên tàu đang trên đường vận chuyển sẽ gây ra hậu quả nặng nề về ô nhiễm môi trường, chi phí từ ngân sách để tiêu huỷ, ách tắc tại các cảng biển Việt Nam khi hàng hoá không thể giải phóng.

Đặc biệt, việc hàng hoá chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam dẫn tới các doanh nghiệp cảng phải luân chuyển nhiều lần vị trí các container trong bãi cảng hoặc có nhu cầu vận chuyển giữa các bến cảng, ICD khác để chứa. Việc này làm gia tăng chi phí cho các cảng, khách hàng, hãng tàu và giảm năng suất, hiệu quả khai thác cảng; ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khác của doanh nghiệp Việt Nam.

Trước tình hình trên, ngày 6/6, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản báo cáo lên Bộ GTVT về việc giải quyết hàng hoá container chậm luân chuyển, đặc biệt là các container phế liệu có nguy cơ tồn đọng tại cảng biển. Ngày 15/6, Bộ GTVT có công văn yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam và các cục, vụ có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao khẩn trương rà soát, siết chặt hoạt động nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán, chế biến phế liệu, bảo đảm an toàn và môi trường.

“Tân cảng Sài Gòn đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp hạn chế lượng hàng nhựa/phế liệu nhập về Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện về mặt thủ tục để giải phóng nhanh hàng tồn đọng. Đây là vấn đề cấp bách hiện nay của Tân cảng Sài Gòn nói riêng và các doanh nghiệp cảng biển nói chung”, đại diện Tân cảng Sài Gòn kêu cứu.

Trung Quốc giảm thuế đối với thức ăn chăn nuôi từ các nước châu Á do tranh chấp thương mại với Mỹ leo thang

Bài viết mới