Tính đến ngày 31/12/2023, Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (Mã: YBC) lỗ lũy kế 11,4 tỷ đồng, chiếm gần 10% vốn chủ sở hữu. Nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản ngắn hạn hơn 167 tỷ đồng, bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái, khoảng 13h ngày 22/4, tại dây chuyền nghiền đá ở nhà máy xi măng thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến 7 người tử vong và 3 người khác bị thương.
Nguyên nhân vụ tai nạn ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền đã dẫn đến tai nạn cho các công nhân đang trực tiếp thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa.
UBND tỉnh Yên Bái cho biết, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh này và Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đang tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Đồng thời, khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm nếu có vi phạm.
Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm nhiều người thương vong
Theo tìm hiểu, Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 2/9/1980. Tên gọi ban đầu là Nhà máy Xi măng Yên Bái, trụ sở chính đặt tại số 274 đường Hương Lý, tổ 12 thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Ngày 17/12/2003, UBND tỉnh Yên Bái có quyết định về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển Nhà máy Xi măng Yên Bái thành Công ty CP Xi măng Yên Bái.
Ngày 1/1/2004, doanh nghiệp này chính thức đi vào hoạt động theo mô hình cổ phần. Đến tháng 12/2007, công ty được đổi tên thành Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh xi măng; khai thác, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu khoáng sản cacbonat canxi.
Hiện Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đang vận hành 1 nhà máy xi măng với công suất đạt 450.000 tấn clinker/năm, có 2 dây chuyền nghiền xi măng công suất 900.000 tấn xi măng/năm.
Doanh nghiệp này cũng có nhà máy chế biến cacbonat canxi được đầu tư xây dựng theo công nghệ châu Âu với thiết bị do Cộng hòa Liên bang Đức, Tây Ban Nha và Trung Quốc chế tạo. Đến nay, nhà máy có 22 dây chuyền nghiền sản phẩm bột cacbonat canxi với công suất 300.000 tấn/năm.
Ngoài ra, Xi măng và Khoáng sản Yên Bái còn có xí nghiệp khai thác đá làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng và chế biến cacbonat canxi. Xí nghiệp quản lý thiết bị và tổ chức khai thác trên 2 mỏ với diện tích 19,67 ha, sản lượng hàng năm hơn 500.000 m3. Dây chuyền chế biến đá hạt tại mỏ với công suất chế biến khoảng 50.000 tấn/năm.
Tính đến cuối tháng 12/2023, Xi măng và Khoáng sản Yên Bái hiện đang có khoảng 300 lao động.
Theo kế hoạch, doanh nghiệp này sẽ tăng năng suất lò nung clinker, đầu tư thêm dây chuyền nghiền số 3 để đưa tổng năng lực nghiền tại nhà máy xi măng lên 1,2 triệu tấn/năm.
Song song với việc tăng sản lượng nhà máy sản xuất xi măng và chế biến bột cacbonat canxi, công ty cũng đang tập trung mở rộng đầu tư khai thác đá trắng; đầu tư khai trường khai thác, mua thêm thiết bị khai thác, vận chuyển… nhằm ổn định nguyên liệu cho 2 nhà máy khi tăng công suất.
Nhà máy sản xuất xi măng của công ty Xi măng và Khoáng sản Yên Bái
Về kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2023 vừa qua, Xi măng và Khoáng sản Yên Bái ghi nhận doanh thu đạt hơn 962 tỷ đồng, tăng 12%; lợi nhuận sau thuế ở mức 8,3 tỷ đồng, tương đương so với mức thực hiện năm trước.
Doanh nghiệp này cho biết, nhà máy xi măng tuy đã hoạt động tăng công suất nhưng do các chi phí nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào ở mức cao. Trong khi đó, giá bán xi măng thấp, không thể điều chỉnh tăng phù hợp do tình trạng dư cung trên thị trường đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Bên cạnh đó, do chính sách thắt chặt tín dụng nên dòng tiền không đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của công ty, dẫn đến nhà máy xi măng gặp khó khăn trong kế hoạch mua nguyên liệu sản xuất đầu vào.
Tính đến thời điểm ngày 31/12/2023, Xi măng và Khoáng sản Yên Bái lỗ lũy kế hơn 11,4 tỷ đồng, chiếm gần 10% vốn chủ sở hữu. Nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản ngắn hạn hơn 167 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 cho rằng, những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.