Dù kết quả kinh doanh quý 1/2024 đã cải thiện so với mức lỗ kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái nhưng Xi măng Hà Tiên vẫn báo lỗ gần 25 tỷ đồng, doanh thu cũng ghi nhận giảm 12%, xuống còn 1.495 tỷ đồng.
Lỗ 25 tỷ đồng quý 1/2024
Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã chứng khoán HT1) tiền thân là nhà máy Xi măng Hà Tiên do hãng VENOT.PIC của Cộng hòa Pháp cung cấp thiết bị. Năm 1964, nhà máy xi măng này chính thức đưa vào hoạt động với công suất ban đầu là 240.000 tấn clinker/năm tại Kiên Lương và 1 dây chuyền sản xuất 280.000 tấn xi măng/năm tại nhà máy Thủ Đức.
Năm 2000, công ty thực hiện cổ phần hóa, đến năm 2007 trở thành công ty cổ phần. Năm 2009, Công ty CP Hà Tiên 1 và Công ty CP Hà Tiên 2 sáp nhập với tên mới là Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên.
Hiện tại, Xi măng Hà Tiên đang sở hữu 2 nhà máy (gồm nhà máy xi măng Kiên Lương – Kiên Giang và nhà máy xi măng Bình Phước – Bình Phước) và 3 trạm nghiền xi măng (gồm trạm nghiền Phú Hữu – TP.HCM, Cam Ranh – Khánh Hòa và Long An – Long An) với tổng công suất hơn 4,6 triệu tấn clinker và 7,5 triệu tấn xi măng/năm. Với thị phần gần 35%, đây cũng là công ty xi măng lớn nhất miền Nam hiện nay.
Nhà máy xi măng Hà Tiên
Được biết, lĩnh vực kinh doanh của Xi măng Hà Tiên bao gồm sản xuất kinh doanh xi măng và các sản phẩm từ xi măng; Sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, các sản phẩm phục vụ xây dựng và công nghiệp; Xây dựng và kinh doanh bất động sản; Dịch vụ bến cảng, dịch vụ kho bãi, dịch vụ vận chuyển, bốc dỡ, đường bộ, đường sắt, đường sông…
Theo báo cáo thường niên 2023, nhà sản xuất xi măng này đang có 2.444 lao động, không có biến động nhiều so với năm trước.
Mới đây, Xi măng Hà Tiên đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2024 với doanh thu thuần hợp nhất giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.495 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý giảm. Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm đáng kể, biên lợi nhuận gộp đã cải thiện từ 4,4% lên gần 7%.
Trong kỳ, hầu hết chi phí của doanh nghiệp xi măng này đều giảm, điển hình như chi phí tài chính giảm 52%, chi phí bán hàng giảm 13%. Riêng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 20% lên hơn 66 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các loại chi phí, thuế cũng như cộng thêm hơn 10 tỷ đồng nguồn thu nhập khác, Xi măng Hà Tiên báo lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 85 tỷ đồng.
Theo giải thích từ công ty, sản lượng tiêu thụ xi măng quý 1 giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái và khiến doanh thu thuần thu hẹp gần 200 tỷ đồng. Mức giảm doanh thu cùng chi phí quản lý tăng cao nên dù công ty đã giảm giá vốn, chi phí bán hàng cùng chi phí lãi vay nhưng vẫn bị thua lỗ.
Ban lãnh đạo Xi măng Hà Tiên cho biết, năm 2023 là giai đoạn khó khăn nhất của ngành xi măng do phải chịu áp lực về đầu ra lẫn giá đầu vào tăng cao. Nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm mạnh do ảnh hưởng của giá các loại gạch, cát, đá tăng; thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều dự án nhà xưởng, khu công nghiệp cũng dừng triển khai do xuất khẩu khó khăn…
Tiêu thụ giảm làm tồn kho tăng cao, dẫn đến một số nhà sản xuất xi măng phải giảm công suất hoặc dừng lò. Các doanh nghiệp đua nhau giảm giá bán để bù đắp 1 phần chi phí cố định. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp xi măng ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí thua lỗ kéo dài.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 được tổ chức vào ngày 24/4 tới đây, Xi măng Hà Tiên sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 7.031 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 23 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả kinh doanh của 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp này mới hoàn thành được 21% chỉ tiêu doanh thu và thậm chí khiến tổng lợi nhuận sau thuế cần đạt được để hoàn thành chỉ tiêu tăng lên gần 50 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Xi măng Hà Tiên đạt 8.342 tỷ đồng, giảm 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, công ty có hơn 1.820 tỷ đồng tài sản ngắn hạn với hơn 400 tỷ đồng tiền mặt. Giá trị hàng tồn kho giảm 10% còn 766 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn ghi nhận hơn 6.500 tỷ đồng. Đáng chú ý, chiếm một phần không nhỏ là tài sản dài hạn dở dang liên quan đến các dự án đang xây dựng như dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên – nhà máy xi măng Bình Phước (200 tỷ đồng), dự án đường BOT Phú Hữu (538 tỷ đồng), dự án tại Kiên Lương (250 tỷ đồng).
Bên kia nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Xi măng Hà Tiên hơn 3.530 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, gần 1.600 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Sản lượng tiêu thụ xi măng liên tục sụt giảm thời gian qua
Ngành xi măng lo doanh nghiệp phá sản, bán mình
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, từ năm 2022, lượng tiêu thụ xi măng liên tục sụt giảm. Năm ngoái, tiêu thụ trong nước chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.
Lượng tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, còn lượng xuất khẩu xi măng năm 2023 bằng 99% năm 2022.
Năm 2023 là năm khó khăn chưa từng có trong lịch sử của ngành xi măng, đến từ nội tại ngành và cả yếu tố bên ngoài bất khả kháng. Theo VNCA, có 4 nguyên nhân dẫn đến những khó khăn của ngành công nghiệp sản xuất xi măng trong nước hiện nay.
Thứ nhất, nhu cầu tiêu thụ trong nước yếu, các dự án đầu tư công lớn như xây dựng đường cao tốc vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ truyền thống, việc áp dụng cầu cạn cao tốc bằng bê tông cốt thép còn hạn chế, giải pháp sử dụng xi măng để gia cố, ổn định nền đất chưa được áp dụng.
Thứ hai, thị trường nhà ở, bất động sản chưa hồi phục, tỷ lệ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội triển khai thực tế rất thấp.
Thứ ba, các doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn về sản xuất khi giá nhiên liệu, năng lượng tăng cao, đặc biệt là giá than đã đẩy chi phí sản xuất xi măng tăng theo.
Thứ tư, thuế xuất khẩu clinker tăng, sức ép môi trường với các nhà máy xi măng ngày càng lớn.
“Ngành xi măng đang gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản hoặc bán một phần nhà máy cho nước ngoài:, VNCA cho biết.