Một số công ty tài chính không muốn cho vay mới trước làn sóng bùng nợ, vì khách hàng cho rằng “đi vay không trả là quyền, cứ đòi nợ là bất hợp pháp”.
Covid-19 đẩy nhiều người thu nhập thấp – vốn là khách hàng công ty tài chính – gặp khó trong việc trả nợ. Điều này kéo theo tỷ lệ nợ xấu của công ty tài chính gia tăng nhanh thời gian qua.
Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất hiện nay, theo đại diện các công ty tài chính là làn sóng “bùng nợ” một cách có chủ đích từ phía khách hàng.
Thời gian qua, Bộ Công an phối hợp với công an một số tỉnh, thành làm rõ hành vi thu hồi nợ của Công ty luật Pháp Việt, khởi tố, bắt giữ nhiều đối tượng thu hồi nợ theo kiểu “cưỡng đoạt tài sản”.
Vụ việc này cũng đang khiến các công ty tài chính hoạt động hợp pháp bị vạ lây. Theo phản ánh từ các công ty này, nhiều khách hàng vin vào lý do “triệt phá đường dây đòi nợ” để hợp thức hóa hành vi bùng nợ. Công ty tài chính rơi vào tình cảnh rất khó khăn khi khách “chây ì” trả nợ ngày một nhiều.
Ông Lê Quốc Ninh, Tổng giám đốc Công ty Tài chính MB Shinsei đồng thời là chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cho rằng, các đơn vị cầm đồ hoạt động “núp bóng” công ty tài chính khiến dư luận nhầm lẫn, đánh đồng với công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp (được Ngân hàng Nhà nước cấp phép).
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới hình ảnh các công ty tài chính tiêu dùng mà còn nảy sinh nguy cơ tiềm ẩn đến hành vi trả nợ của khách hàng, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ, ông Ninh nhận định.
Công tác thu hồi nợ tại Công ty Tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) – doanh nghiệp đứng đầu thị phần vay tiêu dùng, theo bà Hồ Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc, đang rất khó khăn.
Bà Hồ Thị Như Hà cho biết tệp khách vay có những đối tượng gồm kẻ chuyên gian lận và những người khó khăn tài chính quay sang rủ nhau “bùng nợ” doanh nghiệp. Nhiều khách hàng không bị xử phạt khi bùng nợ thành công cũng khiến những khách vay khác nung nấu ý định này.
Hiện nay, trên mạng xã hội có những hội nhóm chia sẻ cách thức bùng tiền vay qua ứng dụng với quy mô từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn người tham gia. Nhiều người vay chỉ nhau dùng sim ảo vay tiền để trót lọt. Thậm chí có những cá nhân còn kiếm tiền từ cung cấp dịch vụ hỗ trợ người vay “xù” tiền, với mức phí vài trăm nghìn đồng một tháng.
Theo bà Hà, chế tài với khách hàng cố tình bùng nợ chưa cao trong khi việc khởi kiện rất khó thực hiện với các khoản nợ giá trị thấp. Các hội nhóm bùng nợ hoạt động công khai và lộng hành càng khiến người vay hình thành tâm lý bùng nợ tập thể.
Tại Công ty Tài chính Bưu điện (PTF), tình trạng khách hàng không chấp hành nghĩa vụ trả nợ, chây ì trả nợ cũng ngày một nhiều. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, nhiều khách hàng đang suy nghĩ rằng “đi vay không trả nợ là quyền, còn đi đòi nợ là bất hợp pháp”. Điều này đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải dừng cho vay mới để bảo toàn vốn.
“Ba tháng qua, chúng tôi đã ngừng cho vay mới và chỉ tập trung vào nhóm khách hàng có điểm tín nhiệm tốt”, đại diện PTF chia sẻ.
Đại diện công ty tài chính bày tỏ lo ngại khi ngân hàng chính thống không dám cho vay, công ty tài chính cũng nói không với đối tượng thu nhập thấp thì nạn tín dụng đen sẽ nhân cơ hội bùng lên.
Các công ty tài chính cho biết hiện nhân viên thu hồi nợ rất hoang mang, một số thậm chí tính chuyện bỏ nghề.
Theo Phó tổng giám đốc FE Credit, doanh nghiệp đã động viên rằng nhân viên không cần hoảng loạn khi làm đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều nhân viên vẫn xin nghỉ việc vì bị ám ảnh trước sức ép dư luận về việc bắt bớ các nhóm đòi nợ kiểu khủng bố thời gian vừa qua.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Công ty tài chính Shinhan. Đại diện doanh nghiệp này cho biết khi nhân viên thu hồi nợ gọi nhắc lịch trả nợ, một số khách hàng hù dọa sẽ khiếu nại, gây hoang mang, tâm lý chán nản cho nhân viên.
Trước tình trạng hiện nay, đại diện Công ty Tài chính HD Saigon nhìn nhận các doanh nghiệp cũng cần rà soát lại công tác cho vay, thu hồi nợ đúng quy định. “Doanh nghiệp làm tốt mới có thể truyền thông. Bởi lâu nay đang bị xã hội nhìn sai, hiểu chưa đúng và chưa đặt trách nhiệm với người đi vay”, đại diện này cho biết.
Với việc hợp tác doanh nghiệp luật cung cấp dịch vụ pháp lý, ông Lê Quốc Ninh cho biết doanh nghiệp vẫn cần duy trì để có thể giảm lãi suất vay cho khách. Tuy nhiên, việc hợp tác này theo ông cần quá trình chuẩn hóa.
Phó tổng giám đốc FE Credit cho biết doanh nghiệp không chấp nhận hành vi đòi nợ bất hợp pháp. Tuy nhiên, cần có chế tài với người đi vay để có thói quen “vay văn minh, trả văn minh”.
Làn sóng cố tình “bùng nợ” kéo dài mà không có chế tài xử phạt theo các công ty tài chính sẽ đẩy họ vào thế rất khó khăn, ảnh hưởng đến cơ hội tiếp cận tài chính đối với nhóm khách hàng dưới chuẩn, nhất là người lao động, công nhân ở các khu công nghiệp.
Ông Lê Quốc Ninh nhận định cần có những giải pháp và hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý để hạn chế bớt các tác động tiêu cực từ các đợt kiểm tra, mở rộng điều tra tới đây.
Theo các công ty tài chính, việc cấm các đơn vị thu hồi nợ trong khi đó thật sự là nhu cầu cấp thiết của nhiều đơn vị, đã dẫn đến nh khó khăn chung trong việc thu hồi công nợ. Theo họ, cơ quan quản lý thay vì cấm nên cho phép hoạt động thu hồi nợ được hoạt động trở lại dưới sự quản lý chặt chẽ hơn.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị có chế tài mạnh hơn với khách vay cố tình chây ì trả nợ. Bên cạnh đó, họ đề xuất cơ quan quản lý tại điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc thiết lập chi nhánh để sử dụng nhân sự địa phương giải quyết các vấn đề như nhắc và thu hồi nợ.
Quỳnh Trang