Công nghiệp hỗ trợ phải là ‘chìa khóa’ cho công nghiệp ô tô phát triển

Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp ( Bộ Công Thương) nhận định hiện nay, thị trường CNHT ngành sản xuất ô tô đã hình thành và phát triển với các sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu một số doanh nghiệp lắp ráp ô tô ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, nhìn chung, chất lượng sản phẩm phụ tùng linh kiện ô tô cung ứng trên thị trường còn kém. Đa số DN nội về CNHT chỉ cung ứng sản phẩm cho lắp ráp ô tô trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7 – 10%, riêng Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đạt 15 – 18%. Hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Trong khi, để làm một chiếc ô tô phải cần từ 30.000-40.000 linh kiện.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra những hạn chế nói trên. Theo T.S Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cho rằng, do mức tiêu thụ ô tô trong nước còn thấp, doanh nghiệp chưa mở rộng thị trường ở ngoài nước, nên thị trường tiêu thụ ô tô còn hạn chế kéo theo thị trường CNHT ngành sản xuất ô tô ở nước ta có quy mô nhỏ, hạn chế khả năng phát triển doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện, trong khi chi phí sản xuất linh kiện ô tô của VN cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, năng lực khoa học – công nghệ của các DN Việt yếu kém; quan hệ giữa nhà lắp ráp và nhà cung cấp phụ tùng linh kiện còn thiếu liên kết.

Đổi mới công nghệ – chủ động kết nối

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, để đáp ứng nhu cầu sản xuất ô tô trong nước và từng bước tham gia vào hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới, thời gian gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngành CNHT trong nước nói chung và công nghiệp ô tô nói riêng. Đặc biệt là Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT với mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành CNHT cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.

Hiện nay, một tín hiệu đáng mừng là một số DN đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc công nghệ để sản xuất sản phẩm phụ tùng linh kiện, chi tiết về ô tô. Đã có những DN CNHT đầu tư công nghệ tiến tiến nên đã tạo ra một số sản phẩm đã có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu của các DN sản xuất lắp ráp ô tô ở nước ta và đã xuất khẩu.

Là DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất ô tô, đại diện Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, để chủ động linh kiện cho sản xuất, hiên tại Công ty đã có khu phức hợp sản xuất, lắp ráp xe ô tô; có 13 nhà máy CNHT, ngoài cung cấp cho Thaco, còn có thể cung cấp cho các DN trong nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, muốn tồn tại và phát triển, các DN CNHT trong nước cần chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa; tăng cường liên kết với nhau để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo đó, các DN phải chủ động kết nối: Kết nối người mua, kết nối công nghệ; tối ưu hóa chi phí bằng cách liên tục cải tiến, đổi mới và giá thành phải cạnh tranh.

Phát huy vài trò DN dẫn đầu – “làn gió” mới cho ô tô Việt

Ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, người theo sát dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn của toàn bộ ngành CNHT trong nước, trong đó, phải có DN dẫn đầu, đầu ngành và một mạng lưới, hệ thống các DN bao quanh, cung cấp linh kiện, sản phẩm cho các DN lớn.

Vinfast hướng đến xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các DN hỗ trợ tại Việt Nam nhằm xây dựng phát triển đồng bộ ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ông Huệ cho biết, để thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam, cụ thể là trong khu công nghiệp phụ trợ của VinFast, Tập đoàn thành lập bộ phận nội địa hóa để đàm phán và hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc nghiên cứu tính khả thi, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục để triển khai. VinFast sẽ dành riêng khoảng 30% diện tích cho các nhà cung cấp tại dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng).

Để tăng tỷ lệ nội địa hóa và khả năng làm chủ công nghệ, VinFast đã quyết định thực hiện việc sản xuất động cơ và dập thân vỏ xe tại Việt Nam ngay từ khi bắt đầu sản xuất dòng xe Sedan và SUV.

Mục tiêu của VinFast đặt ra trong dài hạn là tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 60% với ô tô và 100% với xe máy điện. Do đó, Tập đoàn nỗ lực kêu gọi các nhà cung cấp có tiềm năng trong và ngoài nước cùng tham gia hoặc tự đầu tư vào đề án CNHT.

Công nghiệp ô tô sau 2018: Doanh nghiệp nào nói được làm được?



Bài viết mới