Rất nhiều nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ cao cấp đang tìm đến in 3D như một cách thức sáng tạo và đột phá cho những tác phẩm của mình, kết hợp cùng các sáng kiến công nghệ cao trong vật liệu và cơ cấu nhằm thay đổi cả một ngành công nghiệp nổi tiếng đang có dấu hiệu “già nua”.
Bên trong đồng hồ Parmigiani Bugatti Type 370 có nhiều bộ phận với thiết kế khác lạ so với bình thường.
Ẩn sau trong bộ chuyển động – trái tim cơ học của mẫu đồng hồ Parmigiani Bugatti Type 370 là một số bộ phận được chế tạo bằng in 3D thay vì bằng máy phay kiểu truyền thống.
“Chúng tôi sử dụng máy in 3D gần như hàng ngày” – Phó Chủ tịch phát triển sản phẩm Florin Niculescu của Parmigiani chia sẻ. “Đây là một công cụ tuyệt vời để thể hiện thiết kế một cách nhanh nhất có thể”.
Dẫu cho những thợ thủ công truyền thống không thích phương án này cho lắm nhưng in 3D đang ngày càng phổ biến và góp sức vào việc hồi sinh ngành công nghiệp thế kỷ. Nó thực sự là một công cụ phổ biến và mạnh mẽ để tạo mẫu đồng hồ, giúp in nhanh chóng các mẫu mà thợ với công cụ đặc biệt phải mất nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày để hoàn thành.
Đồng hồ IWC Tribute To Pallweber Edition ‘150 Years’ dùng in 3D trong prototyping.
Christian Knoop, Giám đốc sáng tạo của International Watch Company (IWC) nói: “In 3D cho phép phản ứng nhanh hơn nhiều, chúng tôi sử dụng công nghệ này để in nguyên mẫu và tạo các mẫu giúp thay đổi cách phát triển sản phẩm kiểu truyền thống”.
CEO Christoph Grainger-Herr của IWC cũng cho biết thêm rằng “tốc độ và kiểm soát” là những lợi ích chính của việc kết hợp công nghệ trong quá trình nghiên cứu và phát triển. “Tôi nghĩ rằng đây là một cải tiến tuyệt vời để cho ra những cỗ máy chất lượng cao hơn, tự động hóa cao hơn”, ông nói.
Bản thiết kế đồng hồ Parmigiani x Bugatti.
In 3D đang dần trở thành công cụ có khả năng thay đổi cách các nhà sản xuất thiết kế và chế tạo đồng hồ. Niculescu cho biết, tạo mẫu và in 3D cho phép các nhà thiết kế thao tác với các mẫu 3 chiều, có khả năng tạo những hình dạng không thể làm được bằng máy phay truyền thống.
Trong khi hầu hết các nhà sản xuất đồng hồ cao cấp dùng in 3D trong phát triển sản phẩm, một số nhà sản xuất đã áp dụng công nghệ này trong sản xuất. Mẫu Pam 578 Lo Scienziato Luminor 1950 Tourbillon GMT Titanio của Panerai, ra mắt năm ngoái, nổi bật với vỏ titan tinh tế in 3D chính là một ví dụ điển hình.
Công nghệ này cho phép làm ra vỏ bọc bằng các lớp titan dày 0,02mm được xếp chồng lên nhau tạo một dạng không thể làm được bằng các máy móc và phương pháp truyền thống. Đồng hồ này chỉ sản xuất 150 chiếc với giá khoảng 130.000USD/chiếc.
Đồng hồ Pam 578 Lo Scienziato Luminor 1950 Tourbillon GMT Titanio.
Các nhà sản xuất khác cũng đang dùng in 3D trong việc chế tạo các bộ phận nhỏ của đồng hồ. Jean-Marc Pontroué, Giám đốc điều hành của Roger Dubuis cho biết: “Chúng tôi đã tích cực nghiên cứu và thử nghiệm. Nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp, chúng tôi sẽ giới thiệu đồng hồ đầu tiên có một số bộ phận được in 3D vào năm 2019”. Pontroué cũng nhấn mạnh tiềm năng của công nghệ in 3D cho đồng hồ skeleton, biểu tượng của thương hiệu Roger Dubuis.
Công nghệ in 3D không phải là bước đột phá công nghệ duy nhất đang thay đổi ngành công nghiệp chế tác đồng hồ Thụy Sĩ. Các nhà sản xuất tiên phong như Roger Dubuis, Richard Mille và Zenith đã hợp tác nghiên cứu và phát triển với các tổ chức khoa học có uy tín và các nhà sản xuất ô tô công nghệ cao, ứng dụng những đổi mới công nghệ cao trong dòng sản phẩm độc quyền cao cấp. Và một số kết quả đáng giá đã được tiết lộ trong năm qua.
Excalibur Aventador S Lamborghini Exclusive của Roger Dubuis, đồng hồ skeleton bằng carbon đa lớp in 3D, hợp tác phát triển với hãng siêu xe Lamborghini.
Ví dụ, mẫu đồng hồ RM 50-03 của Richard Mille, được phát triển cùng với đội đua McLaren F1 và Đại học Manchester, là chiếc Chronograph Tourbillon nhẹ nhất thứ hai thế giới nhờ vào việc sáng tạo ra chất liệu Graph TP (Carbon TPT được tăng cường với graphene, vật liệu nano nhẹ hơn 6 lần và cứng hơn 200 lần so với thép). Hay như chiếc đồng hồ giới hạn 8 phiên bản mới ra mắt của Roger Dubuis – Excalibur Aventador S Lamborghini Exclusive chế tạo bằng carbon đa lớp, hợp tác phát triển với hãng siêu xe Lamborghini.
Trong khi đó, Zenith lựa chọn silicon nguyên khối để tạo mẫu đồng hồ đột phá Defy Lab, chỉ giới hạn 10 chiếc. Đây là những ví dụ cho sự tiên phong dẫn đầu, hăng hái tìm kiếm và sáng tạo cho các dòng sản phẩm cao cấp độc quyền chứ hoàn toàn không phải bắt chước, ăn theo như nhiều nhà sản xuất khác đang làm.
Richard Mille phát triển chất liệu công nghệ cao trong sản xuất đồng hồ cao cấp như Graphene.
Vậy các thương hiệu còn lại, vì sao họ lại từ chối công nghệ in 3D?
Giám đốc sản xuất của A. Lange & Söhne, Tino Bobe nói rằng, hãng đã sử dụng in 3D cho prototyping nhưng nó vẫn chưa đủ khả năng để thuyết phục hãng đưa vào sản xuất thành phẩm. Trong khi đó, các thương hiệu truyền thống và nổi tiếng với các sản phẩm thủ công như Bovet, Philippe Dufour thì kiên quyết giữ vững lập trường, đồng hồ cao cấp là phải làm bằng tay.
Dẫu vẫn còn nhiều hoài nghi nhưng rõ ràng in 3D đang dần lan tỏa sức ảnh hưởng của mình trong công nghiệp sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ. Cuối cùng thì nó có thể đi đến đâu, hãy cùng thời gian chờ đợi câu trả lời.