Phá sản là giải pháp cuối cùng
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đang được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, trong đó đáng chú ý có quy định về phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, phương án phá sản ngân hàng.
Trước đó, phá sản ngân hàng là điều chưa từng được quy định trong khung pháp lý hoạt động ngân hàng – tài chính của Việt Nam. Thực tiễn cũng chưa từng ghi nhận một trường hợp phá sản ngân hàng chính thức nào.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ quan soạn thảo Dự án Luật, phương án phá sản ngân hàng sẽ do Chính phủ phê duyệt và sẽ là giải pháp cuối cùng khi tất cả các phương án phục hồi ngân hàng không thành công.
Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng, với vai trò là trung gian tài chính, hoạt động chủ yếu huy động tiền gửi để cấp tín dụng, việc phá sản tổ chức tín dụng có thể dẫn đến nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Do đó, cơ quan soạn thảo đã rà soát, nghiên cứu rất kỹ các quy định tại phương án này nhằm bảo đảm sự thận trọng cần thiết. Theo đó, thẩm quyền quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản thuộc Chính phủ. Chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác (phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc).
Khi xây dựng phương án phá sản, phải đánh giá kỹ tác động của việc phá sản với sự an toàn hệ thống, rủi ro tiềm ẩn đối với nền kinh tế, quyền lợi của người gửi tiền.
Đồng tình với việc cho phép phá sản ngân hàng, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế ngân hàng cho rằng thực tế việc phá sản ngân hàng cũng đã được quy định trong Luật Phá sản 2004, Luật Phá sản 2014 và Nghị định về phá sản ngân hàng. Theo luật sư này, ngân hàng thực chất cũng là một doanh nghiệp, do vậy cũng nên cho phép phá sản khi cần. Nhưng tất nhiên là phải thận trọng, trường hợp không có giải pháp nào thì mới cho phá sản ngân hàng. Quan trọng là phải quản lý thế nào để ngân hàng không đi đến bước phá sản.
“Sức khỏe” ngân hàng phải được công khai
Nhiều chuyên gia băn khoăn, nếu luật cho phép phá sản ngân hàng thì người dân cần có thông tin đầy đủ về “sức khỏe” của ngân hàng. Có một thực tế là hiện nay tất cả các đánh giá, xếp hạng ngân hàng của cơ quan quản lý chưa được công khai, người dân mới chỉ được tiếp cận các thông tin xếp hạng do các tổ chức tín nhiệm quốc tế công bố và không hẳn các thông tin về hoạt động kinh doanh ngân hàng đã đầy đủ.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thu thập xong ý kiến công luận về quy định xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng. Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm ngân hàng theo quy định lại chỉ để phục vụ công tác quản lý Nhà nước chứ không được công khai. Điều này đặt ra câu hỏi, nếu không công khai xếp hạng ngân hàng thì liệu khi tổ chức tín dụng bị đặt vào các trường hợp cảnh báo, kiểm soát đặc biệt… người dân có biết không. Nếu người dân không có thông tin để chủ động về tiền gửi của mình thì khi ngân hàng xảy ra tình huống đột xuất sẽ khiến người dân thiệt hại lớn.
Giám đốc khối Khách hàng cá nhân một ngân hàng thương mại tầm trung cho rằng, hiện nay các ngân hàng nhỏ đang có xu hướng huy động tiền gửi lãi suất cao hơn các ngân hàng lớn. Mức lãi suất huy động tại các ngân hàng nhỏ hiện nay có thể lên đến 8-9%, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước mức lãi suất chỉ khoảng 6-7%. Điều này giúp các ngân hàng nhỏ thu hút được người gửi, cạnh tranh nguồn vốn với ngân hàng lớn. Người dân gửi ở ngân hàng nhỏ vẫn yên tâm vì khoản tiền gửi gần như được bảo lãnh.
Nhưng nếu Nhà nước cho phép phá sản, dù là xác suất này rất thấp nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền. Với những khoản tiền lớn khách hàng có thể phải cân nhắc gửi ở ngân hàng nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Do vậy có thể gây khó khăn cho việc huy động vốn của các ngân hàng nhỏ.
Nên tăng mức bảo hiểm tiền gửi?
Trên thực tế, trong suốt thời gian qua, hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại là không hề có “dấu ấn” từ bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, trong trường hợp phá sản ngân hàng thì lại khác. Mức bảo hiểm tiền gửi như thế nào lại cực kỳ quan trọng với người gửi tiền.
Tại nước ta, sau nhiều tranh cãi cuối cùng, mức bảo hiểm tiền gửi đã được quyết định tăng từ mức 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Số tiền bảo hiểm này được trả cho tất cả khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Theo các chuyên gia, mức bảo hiểm này đã là quá “lạc hậu” so với thực tiễn. Bởi bảo hiểm tiền gửi theo thông lệ phải gấp 3-5 lần thu nhập bình quân đầu người. Với mức thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm năm 2005 là 715 USD (khoảng 10 triệu đồng) thì số tiền bảo hiểm của chúng ta lúc đó đã cao gấp 5 lần thu nhập bình quân trên đầu người.
“Thế nhưng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng liên tục qua nhiều năm và ước đạt khoảng 50 triệu đồng trong năm 2016, do đó, con số chi trả hợp lý phải từ 150 triệu đến 200 triệu đồng” – chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, để tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền, không ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng.
Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả sẽ không dùng ngân sách Nhà nước, theo đúng nghị quyết của Quốc hội, mà có thể sử dụng các nguồn lực Nhà nước khác để xử lý vấn đề này.
Các chuyên gia cũng cho rằng, khi ngân hàng đi đến bước phá sản, số tiền chi trả cho người gửi tiền ngoài từ nguồn lực của Nhà nước cũng cần tính đến các tài sản của ngân hàng. Theo đó, những tài sản thanh lý được thì ưu tiên chi trả lương cho cán bộ công nhân viên, tiếp đến là quyền lợi người gửi tiền, sau đó có thể là quyền lợi cổ đông và các chi phí khác.
“Bảo hiểm tiền gửi theo thông lệ phải gấp 3-5 lần thu nhập bình quân đầu người. Với mức thu nhập bình quân đầu người tại thời điểm năm 2005 là 715 USD (khoảng 10 triệu đồng) thì số tiền bảo hiểm của chúng ta lúc đó đã cao gấp 5 lần thu nhập bình quân trên đầu người. Thế nhưng, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng liên tục qua nhiều năm và ước đạt khoảng 50 triệu đồng trong năm 2016, do đó, con số chi trả hợp lý phải từ 150 triệu đến 200 triệu đồng” .
TS. Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính – ngân hàng)
Xem link bài gốc tại đây