Trưa 7/11, chúng tôi tìm đến căn nhà số 34 Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội) nơi sinh sống của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, người từng hiến 5.000 lượng vàng cho nhà nước trong “Tuần lễ vàng” năm 1945.
Người nhà của cụ Minh Hồ cho biết, cụ đã từ trần vào hồi 23h15 đêm ngày 5/11, hưởng thọ 104 tuổi.
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, người hiến 5.000 lượng vàng cho nhà nước vừa qua đời đêm 5/11, hưởng thọ 104 tuổi.
Hai ngày sau khi cụ Minh Hồ mất, ngôi nhà này đã đóng chặt cửa, các thành viên trong gia đình lo bàn chuyện hậu sự cho cụ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2003, cụ Minh Hồ đã về sống trong căn nhà này.
Ông Trịnh Kiến Quốc (con trai cụ Minh Hồ) cho biết, từ khi nghe tin cụ mất, con cháu cụ ở mọi miền đều trở về Hà Nội chịu tang cụ. Kể về người mẹ của mình, ông Quốc chia sẻ, trước khi mất dù đã nhiều tuổi nhưng sức khỏe cụ rất tốt, tinh thần minh mẫn.
Tuy nhiên thời gian gần đây, cụ bị bệnh viêm phổi, phải điều trị ở Bệnh viện Xanh Pôn, sau chuyển sang Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Không lâu sau cụ mất, nghe tin này ai cũng xót thương.
Ngôi nhà số 34 Hoàng Diệu của cụ Hoàng Thị Minh Hồ.
“Mẹ tôi là người hiền hậu, sống giản dị, tiết kiệm, không khoe khoang. Với mẹ những thứ phù phiếm, hình thức bên ngoài không là gì cả, vô thường. Mẹ nói ít, làm nhiều, không đề cao mình” – ông Quốc nói.
Ông Quốc cho biết thêm, người thân trong gia đình ông học được từ cụ nhiều điều, cụ là tấm gương cho con cháu noi theo.
Khi con cháu lập gia đình, cụ thường khuyên mọi người sống với nhau phải hòa hợp, thảo hiền. Vui gia đình nhưng không được quên nhiệm vụ công tác của mình.
“Trước khi mất, mẹ tôi dặn dò con cháu giữ gìn truyền thống gia đình, không làm điều trái với luân thường đạo lý. Dù khó khăn đến đâu cũng phải vượt qua, vươn lên, nếp sống coi trọng sự thật thà, nhân hậu. Cái gì đã nói với nhau thì sẽ không hai lời.
Điều con cháu quý nhất ở mẹ là việc mẹ sinh trưởng trong gia đình thương gia lớn bậc nhất Hà thành nhưng mẹ luôn quý trọng từng đồng tiền làm ra từ sức lao động của chính mình“.
Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914, ở Hàng Đào, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bà sinh ra trong một gia đình giàu sang, quyền quý. Bà là con gái của cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà nho, một thương gia giàu có ở phố Hàng Đào.
Năm 18 tuổi, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ lập gia thất với ông Trịnh Văn Bô và được cha mẹ cho ở riêng tại nhà số 48 Hàng Ngang và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi. Vốn có tinh thần yêu nước, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông bà Trịnh Văn Bô đã dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm nơi làm việc.
Vợ chồng cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh tư liệu.
Hưởng ứng “Tuần lễ vàng” năm 1945 do Chính phủ phát động, gia đình thương nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 5.147 lượng vàng và vận động giới công thương và nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng.
Vào năm 2014, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ 100 tuổi của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914 – 2014), Bộ Tài chính đã xuất bản cuốn sách “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam” nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình cụ với Đảng, Chính phủ và ngành Tài chính.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất UBND Thành phố Hà Nội lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một con đường tại thủ đô để nhiều thế hệ sau vẫn còn nhớ tới nhà tư sản yêu nước.