Nhiều công ty chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc đang gặp khó – trang CNN Money cho hay.
Theo ông Yu Xue, một nhà phân tích thuộc hãng nghiên cứu công nghệ IDC tại Trung Quốc, cách đây khoảng 1 năm rưỡi, lĩnh vực chia sẻ xe đạp ở nước này có chừng 60 công ty khởi nghiệp (start-up). Ông Xue dự báo sang năm 2018 sẽ chỉ còn chưa đầy 10 công ty trong số này có thể tiếp tục tồn tại.
Các công ty chia sẻ xe đạp cho phép người dùng điện thoại thông minh (smartphone) để mở khóa xe đạp, sử dụng xe, và cuối cùng trả xe tại điểm đến. Mô hình này phát huy tác dụng, nhưng ngành công nghiệp chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc đã phát triển quá lớn và quá nhanh.
Bằng chứng cho sự phát triển này hiện rõ trên hè phố ở các thành phố Trung Quốc, nơi một số lượng lớn những chiếc xe đạp được sử dụng ít chất đống phơi mưa nắng. Sự phàn nàn của người dân thậm chí dẫn đến việc chính quyền một số thành phố đặt hạn chế đối với số xe đạp trong các dịch vụ chia sẻ.
Một cuộc chọn lọc đang diễn ra như một hệ quả tất yếu, với một loạt công ty chia sẻ xe đạp tại quốc gia đông dân nhất thế giới đã lâm vào cảnh “sập tiệm”. Một số khác buộc phải sáp nhập trong bối cảnh nguồn vốn trở nên khan hiếm.
Ông Xue nói rất khó để theo dõi mức độ thiệt hại của những công ty phải đóng cửa, vì nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động một cách lặng lẽ, không hề đưa ra nhiều cảnh báo.
“Tốc độ tăng trưởng của lượng người sử dụng xe đạp chia sẻ đang chậm lại”, ông Zha Songcheng, Phó chủ tịch Hellobike, công ty xưng là công ty chia sẻ xe đạp lớn nhất Trung Quốc, phát biểu.
Dòng tiền chảy vào các công ty chia sẻ xe đạp Trung Quốc giờ đã cạn. Bluegogo, công ty ở thời kỳ đỉnh cao tuyên bố có 20 triệu người dùng và hơn 600.000 xe đạp, tuyên bố “bán mình” cho một công ty đối thủ vào tháng 11 vì lý do chính là thiếu vốn.
“Ngay từ đầu, chúng tôi đã gặp khó khăn”, Giám đốc điều hành (CEO) Li Gang của Bluegogo viết trong một lá thư ngỏ. “Tôi đã tìm gặp hàng trăm quỹ, nhận được nhiều đánh giá tốt… nhưng chẳng nhận được đồng vốn nào”.
Khi một loạt công ty chia sẻ xe đạp phải đóng cửa, một số khách hàng cho biết họ gặp khó trong việc lấy lại tiền đặt cọc thuê xe. Cô Shuting Wang, một nhà tư vấn quản lý 25 tuổi ở Bắc Kinh, cho biết cô mất khoảng 200 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 30 USD, với Bluegogo.
Sau khi đã cố và không thể lấy lại được số tiền đặt cọc trên, Wang nói cô cảm thấy lo ngại với việc đặt cọc tiền vào các công ty chia sẻ xe đạp. “Việc này quá rủi ro”, cô nói. “Một số người đã lấy xe đạp về nhà và rao bán trên mạng vì họ không thể lấy lại được tiền cọc”.
Cuối tháng 12 vừa qua, Mingbike trở thành công ty chia sẻ xe đạp Trung Quốc đầu tiên bị kiện vì không hoàn tiền đặt cọc cho khách hàng.
Tháng 11, Bộ Giao thông Trung Quốc tuyên bố sẽ siết chặt quản lý đối với các công ty chia sẻ xe đạp để “bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và đưa ngành này phát triển theo hướng lành mạnh, trật tự”.
Bà Angela Cai, Giám đốc truyền thông của Ofo, công ty chia sẻ xe đạp hàng đầu Trung Quốc hiện nay, nói rằng việc tăng cường quản lý sẽ giúp ngăn xảy ra “bong bóng” trong ngành. Bà Cai cũng nhận định một vài công ty sẽ buộc phải dừng hoạt động.
Ngoài Ofo, một công ty khác đang chiếm ưu thế trong lĩnh vực chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc hiện nay là Mobike. Công ty này được hậu thuẫn bởi “đế chế” công nghệ Tencent, trong khi Ofo có “đại gia” thương mại điện tử Alibaba đứng sau.
Ofo và Mobike cùng nhau kiểm soát 90% thị trường, theo ông Xue. Cả hai công ty đều được định giá hơn 1 tỷ USD, cho phép họ có được nguồn vốn mà các công ty nhỏ hơn không thể có. “Tiềm lực tài chính của các công ty khác không đủ mạnh”, ông Xue nói.
Ofo và Mobike đều nói mục tiêu trước mắt của họ không phải là lợi nhuận, mà là quy mô lớn hơn và phát triển thương hiệu. Và trong khi các startup kẹt vốn chật vật để tồn tại, hai công ty này chỉ lo mở rộng kinh doanh.
“Thách thức lớn nhất là tuyển dụng nhân sự”, bà Cai cho hay, nhấn mạnh rằng Ofo gần đây đã đạt mục tiêu vươn tới 20 quốc gia và 200 thành phố tại Trung Quốc.
Ông Luke Schoen, một phát ngôn viên của Mobike, cho biết việc chú trọng quản lý chi phí đã cho phép công ty phát triển mạnh trong khi nhiều đối thủ gặp khó. Chỉ riêng trong năm 2017, Mobike đã mở dịch vụ tại 150 thành phố và hàng chục quốc gia.
Mấy tháng gần đây, có nhiều nguồn tin nói Ofo và Mobike có thể sáp nhập. Chuyên gia Xue cho rằng đây là một kịch bản có khả năng xảy ra ở mức cao tại một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, Mobike nói không có kế hoạch sáp nhập, còn Ofo từ chối bình luận.
Một số công ty nhỏ hơn đang cố gắng tìm đến với những mô hình kinh doanh mà họ cho là bền vững hơn.
Mới đây, Hellobike nhảy vào lĩnh vực chia sẻ xe đạp điện, triển khai 60.000 xe loại này, nhằm giảm sự phụ thuộc vào xe đạp.
Hellobike và Mobike cũng đang cân nhắc áp dụng mô hình chia sẻ xe hơi, trong khi Ofo tuyên bố rằng đến năm 2020 có thể họ không còn là một công ty chia sẻ xe đạp nữa.
“Đó sẽ là một nền tảng chia sẻ quy mô lớn”, bà Cai nói. “Chúng tôi đang hy vọng và nỗ lực thực hiện mục tiêu cuối cùng này”.