Cheng Wei, 34 tuổi, từng làm việc 8 năm tại Alibaba, là người sáng lập dự án khởi nghiệp (start-up) lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực gọi xe, với giá trị hiện tại được ước tính có thể lên tới 50 tỷ USD.
Sinh ra tại một thị trấn nhỏ tại thị trấn Giang Tây, Cheng Wei từng theo học Đại học Công nghệ Hoá học Bắc Kinh. Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc cho một công ty chăm sóc sức khoẻ, nhưng công việc này không đáp ứng kỳ vọng của anh.
“Cheng chuyển sang làm trợ lý cho chủ tịch của một công ty massage chân khoảng một năm trước khi làm nhân viên sales tại Alibaba”, Allen Zhu, giám đốc điều hành của GSR Ventures, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Didi cho biết.
Trong 8 năm, Cheng được thăng chức lên vị trí quản lý sales khu vực phía bắc Trung Quốc của Alibaba, sau đó chuyển sang làm Phó tổng giám đốc Alipay – công ty thanh toán trực tuyến của Alibaba.
Hiện tại, Cheng đang là một trong 10 tỷ phú trẻ nhất Trung Quốc với tài sản trị giá 1,2 tỷ USD, theo Forbes.
“Sát thủ” của Uber
Cheng Wei tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức ở Trung Quốc tháng 9/2015 – Ảnh: Reuters.
Năm 2012, Cheng thành lập công ty Beijing Orange Technology và ra mắt ứng dụng gọi taxi Didi Dache tại khu phức hợp Trung Quan Thôn thuộc quận Hải Điện, Bắc Kinh – nơi được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của Trung Quốc.
Đầu năm 2015, Didi sáp nhập với đối thủ nội địa lớn nhất của mình là Kuaidi trong một thương vụ trị giá 6 tỷ USD nhằm cắt giảm chi phí cạnh tranh và trở thành ứng dụng gọi xe lớn nhất Trung Quốc, sau này đổi tên thành Didi Chuxing.
Các nhà đầu tư và nhân viên của Didi mô tả Cheng là người có cái đầu lạnh cùng nhãn quan chiến lược sắc sảo, những yếu tố đã giúp Didi đánh bại đối thủ Uber trong cuộc chiến giành thị phần tại Trung Quốc.
Tính đến cuối tháng 6/2015, Didi nắm giữ 80% thị phần gọi xe tại Trung Quốc tính theo số lượt đi, trong khi gã khổng lồ Uber chỉ chiếm 15%.
Trong một chuyến đi thực địa năm 2015, Cheng Wei chia sẻ thẳng thắn với Tổng giám đốc Uber lúc đó là Travis Kalanick rằng việc anh thành lập Didi chính là lấy cảm hứng từ Uber.
Sau đó, Uber ngỏ lời đầu tư vào Didi, nhưng Cheng Wei xem đó là lời đề nghị thâu tóm. Câu trả lời của Cheng là Uber có thể nhanh chân hơn trên thị trường toàn cầu, nhưng ở Trung Quốc, Didi sẽ vượt mặt Uber.
Didi giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với Uber tại Trung Quốc – Ảnh: CNNMoney.
Tháng 8/2016, Didi Chuxing mua lại luôn chi nhánh Uber Trung Quốc, nắm giữ toàn bộ tài sản gồm thương hiệu, hoạt động kinh doanh, dữ liệu vận hành của Uber tại Trung Quốc đại lục.
Theo thoả thuận, Cheng sẽ trở thành thành viên Hội đồng Quản trị Uber và Tổng giám đốc Uber cũng có một ghế trong ban lãnh đạo Didi Chuxing.
Và nay, Didi Chuxing đã trở thành một trong những mạng lưới vận tải lớn nhất thế giới, với nhiều dịch vụ như taxi, xe bus, thuê xe, đi chung xe, chia sẻ xe đạp, dịch vụ tài xế… có 440 triệu người dùng tại hơn 400 thành phố tại Trung Quốc.
“Đặt cược” vào trí tuệ nhân tạo
Cheng Wei cho biết, DiDi Chuxing đã dành 3 năm để liên kết các giải pháp di động trên nền tảng của mình và trong 3 năm tới sẽ dùng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hoá hiệu quả hoạt động.
Cheng cho rằng Trung Quốc cần tập trung vào AI. Trong một bài phát biểu trước các quan chức Trung Quốc vào năm 2016, Cheng khẳng định nửa đầu của kỷ nguyên Internet – mà ở đó các công ty đua nhau kết nối máy tính với con người – đã kết thúc. “Nửa thứ hai chính là về trí tuệ nhân tạo”, Cheng nói.
Didi Chuxing đã thành lập một trung tâm nghiên cứu dữ liệu lớn để tập trung vào công nghệ AI, bao gồm máy học và thị giác máy tính, nhằm giúp tối ưu hoá hệ thống dữ liệu và quy hoạch tuyến đường cho các dịch vụ của mình. Công ty cũng đang đầu tư nhiều nguồn lực vào nghiên cứu và tuyển dụng nhân tài để phát triển xe tự lái.
Didi Chuxing đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo, trong đó có việc phát triển xe tự lái – Ảnh: Techcrunch.
Công ty này cũng đang dùng AI để giúp các thành phố Trung Quốc phát triển giải pháp vận tải thông minh. Didi đã ra mắt đèn tín hiệu giao thông thông minh, màn hình giao thông thông minh, làn đường đổi chiều cùng nhiều chương trình khác tại Tế Nam, Thâm Quyến, Quý Dương, Vũ Hán và các thành phố khác tại Trung Quốc.
Didi Chuxing đặt mục tiêu chiến lược toàn cầu hoá với loạt đầu tư vào nhiều công ty gọi xe trên thế giới như Lyft, Grab, Ola, Uber, 99, Taxify và Careem vài năm qua.