Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), cộng dồn cả năm 2017, tổng sức mua ôtô trên toàn thị trường chỉ đạt 272.750 chiếc, giảm 10% so với năm 2016.
Trong đó, các loại xe du lịch đạt 154.209 chiếc, giảm 15%; các loại xe thương mại đạt 104.672 chiếc, giảm 2%; và các loại xe chuyên dụng đạt 13.869 chiếc, giảm 12%.
Giảm trong nỗ lực kích cầu
Tỷ lệ sụt giảm sức mua 10% chưa phải là một con số quá lo ngại, nhất là với loại mặt hàng vẫn được xếp vào dạng xa xỉ như ôtô. Nhưng điểm đáng suy ngẫm ở chỗ, sự sụt giảm của sức mua ôtô năm 2017 lại diễn ra đồng hành với những nỗ lực kích cầu của các nhà cung cấp.
Trên thực tế, thị trường ôtô Việt Nam năm 2017 vừa qua được hưởng đến 2 lợi thế cho khả năng tăng sức mua thay vì suy giảm.
Ngay từ ngày 1/1/2017, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc (CBU) từ các nước nội khối ASEAN đã giảm xuống còn 30%. Thuế giảm kéo theo giá bán lẻ của một số loại xe nhập khẩu giảm xuống. Đó là nét vẽ chấm phá đầu tiên cho bức tranh ôtô được kỳ vọng là sẽ nhiều tươi sáng trong năm 2017.
Nét vẽ thứ 2, đậm đà và dứt khoát hơn, là cơn bão giảm giá được thực hiện bởi đồng loạt các hãng xe từ nhập khẩu cho đến sản xuất trong nước.
Được mở hàng bởi “chuyên gia” giảm giá Trường Hải với hai thương hiệu Kia và Mazda, một loạt các hãng xe khác lần lượt “góp gió” để tạo nên một cơn bão giảm giá có quy mô và cường độ lớn chưa từng thấy.
Cuộc chạy đua giảm giá thậm chí đã khiến một vài hãng xe “lười” giảm giá nhất như Toyota, Honda hay Mitsubishi cũng phải vào cuộc.
Đến giữa năm, theo khảo sát, mặt bằng giá bán lẻ của các loại ôtô du lịch phổ thông tại thị trường Việt Nam đã xuống rất sát với khu vực. Trong đó, một số loại xe thậm chí có giá bán lẻ thấp hơn cả Thái Lan, thị trường thường được đem ra làm thước đo so sánh.
Ngay tại thời điểm Trường Hải tung ra mẫu xe Mazda3 thế hệ mới, một đại diện của tập đoàn này đã khẳng định giá xe Mazda (và cả Kia) tại thị trường Việt Nam đã chạm đáy và không thể giảm thêm.
Tuy nhiên, sau khoảng 3 tháng đầu năm duy trì ở mức khá cao so, sức mua ôtô trên thị trường từ quý 2/2017 bắt đầu có xu hướng đi xuống một cách rõ nét.
Theo thống kê của VAMA, tổng sản lượng bán hàng ôtô trên toàn thị trường tháng 4/2017 chỉ đạt 21.942 chiếc, giảm đến 18% so với tháng liền kề trước đó và giảm 15% so với cùng kỳ năm 2016.
Thuế giảm, giá giảm và sức mua… cũng giảm. Người tiêu dùng đã gây sức ép mạnh mẽ lên các hãng ôtô. Kết quả là, sau loạt quyết định giảm giá ở giai đoạn nửa đầu năm, các hãng xe buộc phải tiếp tục tung ra những đợt giảm giá tiếp theo vào nửa cuối năm.
Thậm chí, ở những “cú bồi” sau này, giá bán lẻ của vài mẫu xe còn giảm đến trên dưới 200 triệu đồng, mức giảm giá không tưởng ở các phân khúc xe phổ thông từ trước tới nay.
Song như đã thống kê ở trên, nỗ lực kích cầu của các hãng xe vẫn không thể cứu vãn được tình thế.
Kết quả là tổng sức mua trên toàn thị trường cả năm 2017 vẫn giảm đến 10% so với năm 2016. Cho dù trong hai tháng cuối năm, sức mua ôtô cũng đã khởi sắc hơn.
Chẳng hạn, cũng theo báo cáo của VAMA, tổng sản lượng bán hàng ôtô trên toàn thị trường tháng cuối năm đạt 27.882 chiếc, tăng 13% so với tháng 11/2017.
Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 14.621 chiếc, tăng 14%; phân khúc xe thương mại đạt 11.889 chiếc, tăng 13%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 1.372 chiếc, giảm 6%.
Sự thắng thế của tâm lý tiêu dùng
Nhìn lại chặng đương 365 ngày của năm 2017 có thể thấy rằng, không phải ngẫu nhiên mà các hãng xe đồng loạt “góp gió” để tạo nên cơn bão giảm giá lớn chưa từng thấy.
Thị trường năm 2017 được khởi động bằng quyết định giảm thuế nhập khẩu ôtô CBU từ các nước nội khối ASEAN. Và, cũng chính lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã châm ngòi cho cuộc đấu tranh giữa cơn bão giảm giá với tâm lý của người tiêu dùng.
Theo ATIGA, sau khi thuế nhập khẩu giảm từ mức 40% áp dụng trong năm 2016 xuống còn 30% trong năm 2017, từ ngày 1/1/2018 mức thuế suất sẽ chính thức giảm về 0%, con số được thị trường chờ đợi từ vài năm nay.
Với thuế suất 0%, nghiễm nhiên giá bán lẻ các loại xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia sẽ giảm mạnh, ít nhất là dựa trên những tính toán số học. Chính điều đó đã tạo nên một cuộc chờ đợi tập thể của nhiều người tiêu dùng, qua đó khiến cho sức mua ôtô không thể khởi sắc cho dù giá xe năm 2017 đã giảm so với năm 2016.
Tâm lý chờ đợi năm 2018 của người tiêu dùng đã buộc các hãng xe lao vào cuộc đua giảm giá, nhiều hãng xe thậm chí thừa nhận đã phải cắt lợi nhuận để bù giá.
Song hành với cơn bão giảm giá với những đợt gió mạnh ào ạt, giới truyền thông cũng không ít lần đưa ra nhận định rằng mua xe ngay trong năm 2017 có lợi hơn nhiều so với việc chờ đợi đến năm 2018. Bởi thực tế, không có nhiều loại xe được hưởng thuế suất 0% vào năm 2018 và mặt bằng giá xe năm 2017 cũng đã xuống rất thấp.
Thế nhưng, mặc kệ giá xe giảm mạnh, mặc kệ những phân tích về những thiệt hơn, số đông người tiêu dùng vẫn tiếp tục chờ đợi vào một viễn cảnh không rõ ràng của năm 2018. Trên thực tế, tại thời điểm này, khi “cánh cửa” 2018 đã mở ra, giá bán lẻ ôtô vẫn chưa (hoặc có thể sẽ không) giảm thêm so với năm 2017.
Kết quả của năm 2017 thì như đã biết, các hãng xe xem như đã thất bại trong nỗ lực kích cầu và tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng đã có phần thắng thế.
Năm 2018, khi hai nghị định mới được Chính phủ ban hành có hiệu lực thi hành với cả ôtô CBU lẫn ôtô lắp ráp trong nước (CKD), kịch bản thị trường có thể sẽ khác nhưng vẫn là khó đoán.