Tạm giam Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt
Liên quan tới kiến nghị điều tra đối với ông Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Cty Quỹ Lộc Việt) có hành vi ký hợp đồng ủy thác đầu tư trái phiếu với VNCB, tạo điều kiện cho ông Phạm Công Danh (Chủ tịch VNCB) rút tiền, gây thất thoát cho VNCB 903 tỷ đồng. Ngay sau khi thụ lý hồ sơ, CQĐT đã vào cuộc, sai phạm của ông Hà được vạch rõ: Do cần tiền chăm sóc khách hàng và tái cơ cấu VNCB, ông Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) tìm mọi cách rút tiền ra khỏi VNCB và chuyển về Tập đoàn Thiên Thanh.
Ông Mai đề xuất với ông Hà là ủy thác đầu tư cho Quỹ Lộc Việt để mua trái phiếu VNCB. Bộ ba Danh, Mai, Hà đã thống nhất ủy thác cho Quỹ Lộc Việt 2.000 tỷ đồng với phí ủy thác 0,3% . Khi vụ án bị phanh phui, đã có 903 tỷ đồng từ VNCB ủy thác cho Quỹ Lộc Việc “chảy” vào tài khoản Tập đoàn Thiên Thanh, sau đó tiếp chuyển qua tài khoản cá nhân ông Phạm Công Danh. Ông Hà bị bắt, hiện tạm giam tại T16 – Bộ công an với cáo buộc hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối với kiến nghị của Tòa liên quan tới ông Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch Oceanbank), Cơ quan điều tra đã làm rõ hành vi của ông Thắm trong việc chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín dẫn đến hậu quả vụ án VNCB. Hành vi phạm tội của ông Thắm đã được xét xử trong vụ án xảy ra tại Oceanbank.
Nhiều cá nhân “thoát” truy cứu hình sự
Đáng lưu ý trong 10 kiến nghị của Tòa, qua điều tra, CQĐT kết luận nhiều cá nhân, đơn vị có sai phạm nhưng chưa tới mức truy cứu hình sự. Cụ thể là ông Lưu Trung Kiên (phó giám đốc VNCB Sài Gòn), qua điều tra tại 4 ngân hàng, ông Kiên có lập các hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng theo sự phân công của ông Mai Hữu Khương, nhưng CQĐT cho rằng không đủ cơ sở truy cứu ông Kiên.
Trong vụ án VNCB giai đoạn 1, Tòa cho rằng cần xem xét trách nhiệm ông Lê Văn Tuấn (Chủ tịch HĐQT Cty IDICO) và các thành viên Cty này có dấu hiệu đồng phạm với ông Phạm Công Danh. Qua điều tra bổ sung, CQĐT cho rằng, ông Tuấn với vai trò Chủ tịch HĐQT, có ký Giấy ủy quyền cho ông Nguyễn Chí Bình (Giám đốc Cty IDICO) điều hành công việc và ông Bình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.
Tòa nhìn nhận ông Tuấn cũng phải bị xem xét về việc ủy quyền, trong khi về nội dung này CQĐT thừa nhận Tòa đánh giá như vậy là có cơ sở, nhưng ông Tuấn đã bị xử lý trong giai đoạn 1 vụ VNCB với tội danh “Cố ý làm trái…” nên CQĐT “xét thấy không cần thiết phải xử lý ông Tuấn ở hành vi ký giấy ủy quyền này”. Ngoài ra, các thành viên HĐQT Cty IDICO như ông Đặng Thành Trọng, Trần Sơn Hải, Hoàng Ngọc Diệp, dù có hành vi ký biên bản họp đồng ý vay vốn ngắn hạn số tiền 220 tỷ đồng tại VNCB và ủy quyền cho ông Bình ký hợp đồng tại VNCB, nhưng các thành viên này không biết việc ký hợp đồng tín dụng, không được bàn bạc… nên CQĐT cũng không xử lý hình sự các thành viên này.
Một nhóm các công ty con do ông Danh lập ra, thuê mướn làm giám đốc cũng bị Tòa đề nghị điều tra. Kết luận của CQĐT cho thấy, ông Nguyễn Ngọc Thái (Giám đốc Cty Quốc Thắng), Phan Bảo Long (Giám đốc Cty Phong Hiệp), Lê Đài (Giám đốc Cty Bảo Gia), Nguyễn Phú Quốc (Giám đốc Cty Phú Nguyễn), Phạm Văn Phúc (Giám đốc Cty Phúc Văn), Lê Văn Tuấn (Giám đốc Cty Thiên Trang Phạm) đã có hành vi giúp ông Danh vay tiền. Cụ thể là các giám đốc trên ký hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng đầu ra, đầu vào không có thật. CQĐT đã khởi tố bị can trong vụ án này đối với Thái, Đài, Tuấn, Quốc và Phúc. Riêng Phan Bảo Long “thoát” trách nhiệm hình sự vì Long chỉ tham gia giai đoạn thanh lý hợp đồng theo chỉ đạo của ông Danh.
Theo CQĐT, ngoài các cá nhân là người của ông Danh thuê mướn, Tòa cũng kiến nghị điều tra các cá nhân “bên ngoài hệ thống tập đoàn của ông Danh”. Qua điều tra, CQĐT cho rằng liên quan tới 4 cá nhân Tổ thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại VNCB, đã được xử lý theo vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổ Giám sát của NHNN đặt tại VNCB và các cơ quan, tổ chức thuộc NHNN…
Hoãn xử vụ án Huyền Như giai đoạn 2