Kết quả kinh doanh không quá nổi bật, nhưng nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phân bón đang “hồi sinh” từ đáy. Đồng loạt lao dốc từ đầu năm 2018 mặc cho thị trường lúc bấy giờ tăng rất tốt, một tháng trở lại đây họ phân bón chuyển mình, đặc biệt trong tuần giao dịch qua bắt đầu “chạy” giá mạnh. Ngược lại, thanh khoản vẫn chưa có nhiều biểu hiện rõ nét!
Đầu tiên phải kể đến Đạm Cà Mau (DCM), trải qua 6 phiên tăng liên tiếp và 1 phiên kịch trần đã cứu cổ phiếu không rớt khỏi mệnh giá 10.000 đồng/cp, hiện đơn vị này chốt mức 11.450 đồng/cp.
Được biết, trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên sắp tới (ngày 12/6/2018) Công ty sẽ trình kế hoạch kinh doanh với sản lượng đạm tiêu thụ đạt 751.000 tấn, dự kiến mang về 5.496 tỷ đồng tổng doanh thu. Tương ứng lợi nhuận trước thuế 685 tỷ và lợi nhuận sau thuế là 650 tỷ đồng, tăng trưởng so với thực hiện năm 2017. Đồng thời, 2018 cũng là năm Công ty chính thức được thoái vốn Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí (PVN) sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 75,56% về 51% vốn điều lệ.
Tăng tích cực còn kể đến người anh em Đạm Phú Mỹ (DPM), cũng vừa được cổ đông thông qua phương án thoái vốn tại PVN về mức 51%. Trên thị trường, những phiên gần đây cổ phiếu DPM hồi khá mạnh, thậm chí có ngày tăng xấp xỉ 6%, chốt phiên 8/6 tại mức 19.050 đồng/cp. Một thông tin đáng chú ý khác tại Đạm Phú Mỹ là công tác nới room ngoại 100%, trong khi chỉ tiêu lãi 2018 lại khá dè dặt tại mức 342 tỷ đồng.
Được biết, việc sở hữu 51% của PVN khiến Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ cùng được áp dụng chính sách trợ giá, tức đảm bảo mức sinh lời 12% mặc cho biến động thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh giá dầu liên tục phá đỉnh thời gian qua, bởi việc giá dầu tăng sẽ tác động khá mạnh đến chi phí nguyên liệu đầu vào của những đơn vị này.
Biến động cổ phiếu DCM và DPM 3 tháng qua.
Một số đơn vị khác như Phân bón Miền Nam (SFG) cũng ghi nhận cổ phiếu tăng hơn 10% trong tuần qua, con số tại Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) hơn 3% mặc cho trồi sụt đan xen, hay Phân lân nung chảy Văn Điển (VAF) cũng ghi nhận nhiều phiên trần với mức giá chốt phiên 8/6 là 10.300 đồng/cp.
Biến động cổ phiếu SFG, LAS và VAF 3 tháng qua.
Nhìn chung, đang rơi dần về mệnh giá, những cổ phiếu này có vẻ phản ứng khá nhạy với những bất kỳ lý do gì. Bởi nghi vấn cho đà tăng đặt ra lúc này có thể đến từ mức đề xuất 5% của Bộ Tài chính đưa ra trong trả lời ý kiến cử tri về mức thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón.
Những đơn vị tăng giá nói trên được dự báo sẽ hưởng lợi nếu dự án Luật này được áp dụng, bởi tất cả (DCM, DPM, LAS…) đều là những doanh nghiệp phân bón sản xuất trong nước, khi áp thuế VAT thì sẽ cạnh tranh “công bằng” hơn với công ty nhập khẩu.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia chứng khoán cũng bổ sung nguyên nhân nhóm cổ phiếu ngành phân bón tăng do đã giảm quá sâu, như vậy đây chỉ là sóng ngắn hạn.
Về dài hạn, ngành phân bón khó có thể mang lại lợi nhuận cao với các lý do (1) cầu gần như đi ngang và trong tương lai có xu hướng giảm do đất nông nghiệp ngày càng giảm vì chuyển đổi mục đích sử dụng, (2) quy mô các nhà máy phân sẽ không thay đổi do đó làm sản lượng không tăng nhiều (3) cổ tức hàng năm được trả khá cao ăn gần hết lợi nhuận do không mở rộng sản xuất kinh doanh.
Quá nhạy cảm!
Theo phương án của Bộ Tài chính, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Do số thuế VAT đầu ra tính theo mức thuế suất 5% trong khi máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu, điện… phục vụ sản xuất phân bón chịu thuế VAT với mức thuế suất 10% nên những doanh nghiệp này cơ bản được hoàn thuế VAT.
Trở lại câu chuyện thuế VAT đối với doanh nghiệp sản xuất phân bón, năm 2015 khi bắt đầu áp dụng phương án miễn thuế đối gây mất công bằng giữa người sản xuất trong nước và nhập khẩu, khuyến khích nhập khẩu thay vì sản xuất trong nước. Bởi phân bón nhập khẩu được hoàn thuế ở nước xuất khẩu, đồng thời không phải chịu thuế VAT tại Việt Nam nên càng có điều kiện bán rẻ để cạnh tranh với phân bón trong nước.
Thực tế chứng minh lượng nhập khẩu phân bón tăng mạnh kể từ năm 2015 bởi doanh nghiệp nhập khẩu tận dụng “ưu đãi”, và tình hình kinh doanh tại những đơn vị sản xuất trong nước cũng khó khăn, một lượng tiền lớn không được khấu trừ thậm chí có công ty lên đến nghìn tỷ đồng, cổ phiếu theo đó cũng giảm giá…
Cho đến năm 2017, Bộ Tài chính có đề xuất chuyển đổi từ việc “miễn thuế VAT” sang áp “thuế VAT ở mức 0%”, về mặt lượng thì hai quy định này như nhau. Tuy nhiên bản chất nếu chịu thuế suất 0% thì doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ được hoàn thuế, theo ước tính có thể mang về dòng tiền hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm/đơn vị.
Trước thông tin này, doanh nghiệp sản xuất trong nước rất kỳ vọng và chờ đợi động thái tiếp theo từ chính quyền. Đến hôm nay, dường như quyết định tăng từ mức chịu thuế 0% lên 5% khiến cộng đồng sản xuất có thể gọi là “bất ngờ” và vui mừng, cổ phiếu theo đó cũng tăng rất nhanh, rất nhạy mặc dù chỉ mới là đề xuất của Bộ Tài chính với cử tri.
Trở lại với đề xuất của Bộ Tài chính, nguyên nhân theo Bộ giải trình do việc áp thuế VAT với mức 0% như một số đề xuất là chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của Luật thuế giá trị gia tăng. Bởi, theo Luật thuế GTGT (có 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%), mức thuế 0% áp dụng với hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Đồng thời, mức thuế suất 5% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho đời sống và hàng hóa, dịch vụ là đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thông thường khác.
Tóm lại, hiện nghi vấn cho sự “chuyển mình” của nhóm cổ phiếu sản xuất phân bón trong nước một phần lớn có thể đến từ đề xuất mới đây từ Bộ. Thực tế cho thấy phản ứng đợt này có vẻ mạnh hơn so với thời điểm đưa ra đề xuất áp thuế VAT ở mức 0% trong năm qua.
VCBS: Phân bón Lâm Thao (LAS) hưởng lợi nhiều nhất!
Trong một báo cáo hồi tháng 8/2017 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nếu mức thuế VAT ở mức 0% được thông qua, những doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như LAS, VAF, SFG, DCM, DPM sẽ hưởng lợi lớn. Bởi, các doanh nghiệp này sẽ giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu (hiện tại, giá phân urea Trung Quốc đang rẻ hơn phân bón nội địa khoảng 5-7%).
Trong đó, theo tính toán của VCBS, LAS sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất. Năm 2016, chi phí thuế VAT nguyên liệu đầu vào của LAS hơn 130 tỷ đồng không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí. Nếu áp dụng chính sách thuế VAT 0% với mặt hàng phân bón, Công ty sẽ giảm được khoản chi phí này, qua đó, lợi nhuận sau thuế năm 2016 của doanh nghiệp này có thể tăng 77%, từ 138 tỷ đồng lên 245 tỷ đồng.
Riêng nhóm doanh nghiệp sản xuất phân lân nung chảy như VAF có thể thay đổi tăng trưởng lợi nhuận lên 66%, SFG tăng trưởng trưởng 26%.
Nhóm doanh nghiệp sản xuất phân urea từ nguồn khí tự nhiên như DCM có thể tăng trưởng lợi nhuận 22%, DPM tăng trưởng lợi nhuận 19% nhờ chính sách thuế này. Năm 2016, chi phí thuế VAT của khí đầu vào tại DPM là 260 tỷ đồng không được khấu trừ.
Hiện, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đều đặt chỉ tiêu kinh doanh khá dè dặt, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ lo ngại về cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đồng thời giá dầu tăng mạnh cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp.