Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra báo cáo định hướng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế Tài nguyên.
Một nội dung quan trọng được Bộ Tài chính đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là Chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT.
Đây là một thông tin rất đáng chú ý với các doanh nghiệp phân bón khi theo luật thuế 71 hiện đang quy định các mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT đã khiến các doanh nghiệp không còn được khấu trừ VAT đầu vào.
Điều này dẫn tới chi phí sản xuất tăng hàng trăm tỷ đồng càng khiến doanh nghiệp thêm phần khó khăn, bên cạnh những vấn đề khá quen thuộc như giá phân giảm mạnh, cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, việc đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế VAT sang chịu thuế 0% sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đến 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm, tạo sức cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu.
Đón nhận thông tin trên, nhóm cổ phiếu phân bón như Bình Điền (BFC), Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), Supe phốt phát Lâm Thao (LAS), Phân bón miền nam (SFG)… đã đồng loạt tăng mạnh trong phiên giao dịch sáng 16/8.
Cổ phiếu phân bón tăng mạnh sau tin được chuyển từ không chịu thuế GTGT sang chịu thuế
Trước đó, vào đầu tháng 8 vừa qua, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP. Căn cứ theo Quyết định này, mức thuế tự vệ tạm thời với phân DAP, MAP là gần 1,86 triệu đồng/tấn. Việc áp thuế có hiệu lực từ ngày 19/8 tới đây.
Thông tin áp thuế tự vệ cũng đã giúp cổ phiếu DDV của DAP – Vinachem tăng trần 2 phiên liên tiếp. Bên cạnh đó, cổ phiếu QBS của XNK Quảng Bình – đơn vị nắm giữ gần 20% cổ phần DDV cũng có chuỗi 3 phiên tăng trần liên tiếp.