TIN MỚI
Theo báo cáo phân tích ngành Ngân hàng năm 2023 mà CTCK VNDirect vừa công bố, các cổ phiếu ngân hàng nói chung đang mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn với vùng định giá thấp nhất lịch sử (1,1 lần P/B năm 2023).
Với quy mô và mức độ ảnh hưởng lớn, hướng phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng nếu mở ra cũng sẽ là động lực lớn cho thị trường niêm yết. Bên cạnh yếu tố định giá, hướng phục hồi này còn gắn với triển vọng ngành và câu chuyện thực tế của mỗi mã/ngân hàng.
Đang nhen nhóm “sóng ngầm”?
Thực tế hướng phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được thắp lên. Đây cũng chính là nhóm tạo sức nâng đỡ đáng chú ý nhất trong diễn biến từ khi VN-Index xuống đáy quanh 875 trung tuần tháng 11/2022, rồi phục hồi mạnh sau đó.
“Sóng ngầm” cổ phiếu ngân hàng đang nhen nhóm trở lại, với thực tế sức tăng nhiều mã mạnh hơn chỉ số chung.
Cụ thể, phiên giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần (19/01/2022), VN-Index đóng cửa ở mức 1.108 điểm, tăng hơn 100 điểm so với cuối ngày 30/12/2022. Nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng đã tăng 10 đến hơn 20% từ thời điểm cuối năm 2022.
Có đặc điểm quy mô niêm yết lớn, thường đòi hỏi nguồn tiền lớn và bền để có thể thúc đẩy mỗi chuỗi tăng giá, nhóm cổ phiếu ngân hàng như vậy đã có bước khởi đầu năm 2023 khá ấn tượng, bởi quãng tăng khá bền và mạnh như trên.
Sức bật vẫn dựa nhất định vào các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp niêm yết, cùng kỳ vọng trên thị trường. Bước khởi động trên song song với loạt ngân hàng thương mại đã lần lượt cập nhật kết quả kinh doanh cơ bản năm 2022; nhiều thành viên tiếp tục đạt khả quan.
Như với cổ phiếu VCB, sau khi bảo toàn giá trị vốn hóa trong đà giảm mạnh nói chung của thị trường năm qua, cổ phiếu này tiếp tăng khá mạnh như trên khi Vietcombank công bố lợi nhuận lập kỷ lục mới, đạt trên 36.700 tỷ đồng năm 2022. Một số trường hợp đạt kết quả lợi nhuận cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm như LienVietPostBank cũng có đà tăng giá cổ phiếu đáng chú ý. Hay tại HDBank, bước đầu cập nhật cho thấy kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay, lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng…
Nhiều ngân hàng đạt kết quả lợi nhuận khả quan, giữ đà tăng trưởng cao trong năm qua, trong khi giá cổ phiếu hầu hết đã giảm sâu trong nửa cuối 2022 khiến định giá trở nên hấp dẫn, thậm chí thấp nhất lịch sử như báo cáo trên của VNDirect nhấn mạnh.
Sẽ phân hóa bởi khác biệt?
Ngay trong bước khởi đầu 2023, phân hóa và khác biệt cũng đã thể hiện. Thị giá một số cổ phiếu ngân hàng đã có phần tụt lại sâu hơn trong tương quan nhóm trong ngành. Trong trung hạn, sự phân hóa này dự báo sẽ mạnh hơn, bởi mỗi cổ phiếu thường gắn với câu chuyện nội tại riêng, tiềm năng tăng trưởng riêng.
Hoạt động ngân hàng năm 2023 dự báo cũng sẽ tiếp tục có phân hóa rõ nét, như đã thể hiện trong năm qua. Trước hết thể hiện ở sức tăng trưởng tín dụng – lõi hoạt động đang chiếm tới 80-90% cơ cấu lợi nhuận.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư của CTCK Rồng Việt (VDSC), khác biệt về động lực lõi là tăng trưởng tín dụng cũng được nhấn mạnh rất cụ thể giữa các thành viên. Trước hết, tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành dự kiến sẽ tiếp tục chặt chẽ, với việc giám sát và giao chỉ tiêu cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, VDSC lưu ý đến những trường hợp cụ thể như Vietcombank, MB, HDBank gắn với hướng ưu tiên.
Như đã gợi mở trong năm 2022, những nhà băng trên là các đầu mối nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng thương mại yếu kém, góp sức cụ thể vào quá trình tái cơ cấu hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cũng đã nêu rõ hướng ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở đây. Thực tế năm qua Vietcombank được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng tới khoảng 19%.
Cùng hướng nhìn nhận này, báo cáo trên của VNDirect cũng nhấn mạnh đến triển vọng thuận lợi hơn trong tăng trưởng tín dụng năm nay ở nhóm ngân hàng tham gia tái cơ cấu như VCB, MB, VPB, HDB. Nhưng đi kèm, đương nhiên phải gắn với các yếu tố nền tảng tài chính mạnh. Ví như ở nhóm trên, Vietcombank có kỷ lục lợi nhuận tạo tích lũy dày thêm cho vốn chủ sở hữu, cùng tỷ lệ nợ xấu dự kiến thấp nhất ngành (0,67%); HDBank có lợi thế tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức cao (trên 13%), cùng tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) khá thấp 71,4% (theo VNDirect tính toán đến cuối quý 3/2022). VDSC dự báo lợi nhuận HDBank sẽ vượt mức 12.400 tỷ đồng năm nay.
Một điểm hẹn và giá trị tiềm năng
Dự báo sự phân hóa trong nhóm cổ phiếu ngân hàng có trong trung và dài hạn. Những yếu tố góp phần tác động cũng đang định hình, theo hướng gắn với những câu chuyện riêng của mỗi mã, mỗi ngân hàng.
Năm 2022, Chính phủ đã có dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung về hoạt động nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam. Một trong những điểm giới đầu tư quan tâm là hướng quy định những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới room sở hữu của khối ngoại từ 30% lên tới 49%. Theo Nghị quyết 01 mà Chính phủ vừa ban hành, nghị định và chính sách này dự kiến sẽ được cụ thể hóa trong tháng 6/2023.
Điểm hẹn trên dự kiến sẽ là một yếu tố được thị trường và nhà đầu tư quan tâm, khi định hình triển vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng năm nay, đặc biệt gắn cụ thể với nhóm nhận chuyển giao bắt buộc như Vietcombank, MB, HDBank nói trên.
Điểm hẹn đó, cùng thực tế đã chuyển động trong năm 2022, còn dẫn kết đến những giá trị tiềm năng trong trung và dài hạn. Khi nhận ngân hàng chuyển giao bắt buộc, thực hiện tái cơ cấu thành công, nhóm ngân hàng trên có thể tiến hành sáp nhập để tăng quy mô và vị thế thị phần trên thị trường, hoặc có thể hoạch định đó là một khoản đầu tư đạt mục tiêu sinh lời và thoái vốn. Giá trị và hoạt động này sẽ góp phần tạo khác biệt, thúc đẩy sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tương lai./.
Thanh Bình
Nhịp sống thị trường