Ngày 25/5, sau 3 phiên giảm mạnh liên tiếp từ khi công bố kế hoạch kinh doanh 2018 không mấy khả quan, cổ phiếu CTD của nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam Coteccons rơi xuống còn 122.000 đồng.
Bất chấp những giai đoạn thăng hoa của thị trường, cổ phiếu Coteccons cứ “lầm lũi” đi xuống trong suốt hơn nửa năm qua với mức giảm xấp xỉ 50% so với mức đỉnh 240.000 đồng thiết lập vào tháng 11/2017.
Cổ phiếu Coteccons mất 50% giá trị trong nửa năm qua
Cựu Phó Tổng giám đốc trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm
Nhiều lý do đã được mổ xẻ trong quá trình đi xuống như tốc độ tăng trưởng chậm lại, biên lợi nhuận giảm mạnh hay những mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo công ty với một số cổ đông lớn.
Nhưng có một lý do ít khi được nhắc đến đó là một “đối thủ” mới xuất hiện trong ngành đó là CTCP Xây dựng Central – Central Cons. Công ty này mới được thành lập vào tháng 7/2017.
Nghe có vẻ phi lý khi công ty xây dựng thành lập chưa được 1 năm với tiềm lực tài chính còn nhỏ lại trở thành vấn đề “đau đầu” với nhà thầu xây dựng lớn nhất nước với hàng chục năm kinh nghiệm.
Nhưng thực tế đúng là như vậy bởi vì ông chủ của Central Cons là ông Trần Quang Tuấn – nguyên Phó Tổng giám đốc và cũng là một trong những người đã chèo lái Coteccons từ những ngày đầu. Việc một trong những nhân sự chủ chốt ra đi đã dẫn đến tình trạng “chảy máu nhân sự” tại Coteccons, đồng thời hàng loạt hợp đồng từ những khách hàng truyền thống cũng mất đi.
Ông Trần Quang Tuấn (ngồi giữa hàng đầu) và đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của Central Cons
Trong khi Coteccons lay hoay tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng thì Central Cons lại liên tiếp trúng thầu rất nhiều công trình giá trị cao từ nhiều chủ đầu tư lớn như Vingroup, SSG Group, Phát Đạt…
Website của công ty cho biết chỉ sau 10 tháng hoạt động công ty đã ký được các hợp đồng thi công có tổng trị giá lên đến 5.000 tỷ đồng với 22 dự án đã và đang thi công. Trong số này, có khá nhiều dự án của Vingroup như Vinhomes Riverside – The Harmony, Vinpearl Nam Hội An, Vinhomes Star City Thanh Hóa…
Triển vọng kinh doanh kém tươi sáng
Ngoài vấn đề cạnh tranh liên quan đến nhân sự cũ, triển vọng hoạt động kinh doanh cũng là điều cần nhắc đến trong đợt sụt giảm vừa qua của Coteccons. Cuối tháng 1, nhiều công ty chứng khoán đã công bố báo cáo nhận định về triển vọng không mấy tích cực của Coteccons sau những số liệu tài chính năm 2017 đã công bố.
“Lỡ kế hoạch lợi nhuận năm 2017 do biên lợi nhuận gộp Q4/2017 thấp kỷ lục” – tiêu đề báo cáo của ACBS về Coteccons, đồng thời công ty chứng khoán này quyết định hạ khuyến nghị từ mua xuống nắm giữ. Lập luận của ACBS xuất phát từ kết quả kinh doanh trong quý cuối cùng của năm 2017, khi doanh thu thuần của CTD đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 22% nhưng lợi nhuận ròng chỉ đạt hơn 460 tỷ đồng, không tăng trưởng. Trong đó biên lợi nhuận gộp của Coteccons trong giai đoạn này đạt mức thấp kỷ lục 6,4%.
Đến quý 1/2018, tình hình của Coteccons cũng không được cải thiện là bao khi doanh thu đi ngang (4.300 tỷ đồng, +1% so với quý 1/2017) và lợi nhuận sau thuế sụt giảm (290 tỷ đồng, giảm 3%).
“Chúng tôi cho rằng tăng trưởng doanh thu chững lại do giảm lượng backlog xây dựng và giá trị các hợp đồng ký mới thấp hơn. Trong khi đó, biên lợi nhuận gộp phục hồi nhẹ đạt 6,6% từ mức thấp kỷ lục 6,4% trong quý 4/2017, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao trong quý 1/2017 là 8,8%”, báo cáo của CTCK Bản Việt (VCSC) nhận định.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2018 mới công bố, Coteccons đặt mục tiêu doanh thu 27.200 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,17% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế dự báo giảm hơn 15% ở mức 1.400 tỷ đồng.
Công ty đặt kế hoạch này dựa trên những tín hiệu thị trường, triển vọng ngành xây dựng có xu hướng chậm lại khi Nhà nước hạn chế dòng tín dụng vào thị trường bất động sản và một số dự án có khả năng bị chậm triển khai vì các thủ tục hành chính liên quan đến chính sách quản lý tài nguyên đất đai.
Bên cạnh đó, nguồn công việc đã ký trong 5 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ, trong đó nhiều dự án có quy mô nhỏ (kể cả dự án D&B) và cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt. Trong khi chính sách về bảo hiểm xã hội và một số chính sách khác làm tăng chi phí quản lý của công ty.