TIN MỚI
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu tuần giao dịch cuối cùng của năm Nhâm Dần với áp lực bán trên diện rộng, khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Dù vậy, VN-Index vẫn có được sắc xanh và vượt ngưỡng 1.065 nhờ điểm tựa chính đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Kết phiên 16/1, toàn ngành ngân hàng ghi nhận 13 mã tăng giá, 4 mã giảm và 10 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, cổ phiếu nhóm ngân hàng có vốn nhà nước gồm BID, VCB và CTG bật tăng mạnh mẽ và là động lực chính kéo điểm thị trường.
Dẫn đầu toàn ngành về mức tăng phiên hôm nay, BID tím trần với với thanh khoản cao nhất kể từ tháng 7/2022. CTG và VCB cũng bật tăng lần lượt 3,1% và 1,7%, cùng góp mặt trong Top5 cổ phiếu ngân hàng có diễn biến giá tốt nhất phiên.
Với diễn biến ấn tượng trên, các cổ phiếu nhóm Big3 lần lượt là 3 mã có đóng góp tích cực nhất vào Vn-Index khi kéo chỉ số này tăng tổng cộng 6,5 điểm.
Cổ phiếu nhóm ngân hàng quốc doanh dậy sóng trong bối cảnh mùa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 đang đến gần. Trước đó, cả ba ngân hàng này đều đã thông báo kết quả kinh doanh sơ bộ với các chỉ tiêu tài chính đạt và vượt kế hoạch.
Thông tin từ BIDV, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2022 đạt 23.190 tỷ đồng, tăng hơn 70% so với mức thực hiện năm trước. Vietcombank cho biết, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng tăng 39% so với năm 2021 (khoảng 36.774 tỷ đồng) và đạt 119% kế hoạch năm 2022. Tại VietinBank, ông Trần Minh Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị tiết lộ, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước.
Cùng với nhóm Big3, EIB và ACB cũng xanh mạnh trong phiên hôm nay khi tăng lần lượt 3,9% và 3,5%.
Liên quan đến cổ phiếu EIB, sáng nay (16/1), Eximbank tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường nhằm bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2022 – 2025) sau khi một số thành viên có đơn từ nhiệm. Tuy nhiên, đại hội đã không thể tiến hành do không có đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Chia sẻ bên lề đại hội, một lãnh đạo cấp cao của Eximbank cho biết, đã có nhóm cổ đông mới thay thế SMBC và ngân hàng này dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ khá cao trong năm 2023.
Hôm nay cũng ghi nhận phiên tăng giá thứ hai liên tiếp của cổ phiếu HDB. Đóng cửa, cổ phiếu HDBank xanh 1,5% với thanh khoản cao gấp rưỡi mức bình quân 10 phiên gần nhất. Cổ phiếu HDB tiếp tục giữ được kênh tăng giá duy trì từ giữa tháng 11, với tổng tỷ suất sinh lời đến nay vào khoảng 20%.
Trước đó, nhiều lãnh đạo HDBank cũng đã mua hoặc đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu HDB trong tháng 12. Mới nhất, ông Phạm Quốc Thanh – Tổng Giám đốc HDBank đã hoàn tất mua vào hơn 390.000 cổ phiếu HDB. Giao dịch được ông Phạm Quốc Thanh thực hiện từ ngày 06/12/2022 đến 4/1/2023 theo phương thức khớp lệnh.
Ngoài những mã kết trên, có 7 mã ngân hàng khác cũng có được sắc xanh phiên hôm nay là MBB (+1,4%), TCB và VIB (+1,1%), STB (+0,8%), MSB (+0,4%), SSB và OCB (+0,3%).
Ở chiều ngược lại, có 4 mã đóng cửa trong sắc đỏ gồm TPB (-1,8%), KLB (-1,6%), VAB (-1,3%) và PGB (-0,6%).
Thanh khoản nhóm ngân hàng hôm nay có xu hướng giảm so với phiên cuối tuần trước. Trong đó, VPB dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh (17,9 triệu cp); đứng kế sau lần lượt là SHB (11,1 triệu cp), STB (7,9 triệu cp), LPB (7,9 triệu cp), MBB (6,2 triệu cp),…
Về khối ngoại, BID là mã ngân hàng được mua ròng mạnh nhất với gần 694.000 cp, giá trị 31 tỷ đồng. Tiếp đó là CTG (589.000 cp, giá trị 17,7 tỷ đồng), STB (543.000 cp, giá trị 13,8 tỷ đồng), HDB (gần 618.000 cp, giá trị 10,4 tỷ đồng),… Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng sang tay nội khối hơn 16,7 triệu cổ phiếu ACB, giá trị gần 418 tỷ đồng theo hình thức thỏa thuận.
Đột biến giao dịch thỏa thuận cổ phiếu ngân hàng, cơ cấu cổ đông Eximbank và LienVietPostBank ”biến động”
Ánh Dương – Quốc Thụy
Nhịp sống Thị trường