Cổ phần hóa Vinalines: Lộ diện tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xây dựng xong tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Vinalines.

Trên cơ sở đề nghị của Vinalines, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt giá trị thực tế doanh nghiệp để cổ phần hóa Công ty mẹ-Vinalines tại thời điểm 31/12/2016 là 18.094,9 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là 11.946 tỷ đồng.

Theo kết quả định giá này, giá trị thực tế doanh nghiệp Công ty mẹ -Vinalines đã tăng thêm 1.353 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng 1.801 tỷ đồng nếu so sánh với báo cáo vào giữa tháng 7/2016 khi đơn vị này báo cáo giá trị thực tế chỉ là 16.741 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 10.144 tỷ đồng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận phương án cổ phần hóa theo hướng Nhà nước sẽ nắm giữ 65% vốn điều lệ tại Công ty mẹ-Vinalines đồng thời Vinalines lại được nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn và Cảng Đà Nẵng. Phía Vinalines tiếp tục duy trì nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistic, đồng thời thoái vốn tối đa tại các doanh nghiệp vận tải biển.

Trong phương án trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Vinalines, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất lựa chọn hình thức cổ phần hóa là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho Công ty mẹ-Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Cụ thể, Vinalines có số vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 13.916 tỷ đồng (tương đương 1,391 tỷ cổ phần mệnh giá 10.000 đồng), trong đó cổ đông Nhà nước sở hữu 904,5 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ.

Ngoài số cổ phần bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên (khoảng 0,13% vốn điều lệ), Vinalines sẽ bán cho nhà đầu tư chiến lược khoảng 30% vốn điều lệ. Phần số cổ phần còn lại khoảng 67,324 triệu cổ phần, tương đương 4,84% vốn điều lệ sẽ được bán đấu giá công khai thông qua phương thức bán đấu giá, được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hà Nội với giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.

Việc quyết định nắm giữ 65% vốn điều lệ Công ty mẹ-Vinalines cho thấy, Chính phủ đánh giá rất cao vai trò quan trọng của Tổng công ty này trong đời sống kinh tế – xã hội. Tỷ lệ nắm giữ này sẽ không làm giảm quá nhiều sức hấp dẫn của cổ phiếu Vinalines khi mời gọi các đối tác chiến lược trong và ngoài nước.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tại thời điểm trình phương án cổ phần hóa Vinalines, vẫn chưa có nhà đầu tư chiến lược nào được đăng ký. Vì vậy, việc lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật sau khi phương án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Được biết, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã xây dựng xong tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho Vinalines.

Cụ thể, đối với nhà đầu tư là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải, điều kiện cần và đủ để trở thành cổ đông chiến lược của Vinalines là phải có tối thiểu 2 năm trước liền kề thời điểm đăng ký tham gia cổ đông chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh phải có lãi và không có lỗ lũy kế tại thời điểm gần nhất.

Đối với nhà đầu tư là các doanh nghiệp ngoài ngành hoặc tổ chức tài chính, ngoài tiêu chí giống như các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực hàng hải sẽ phải đảm bảo có quy mô vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng./.

Năm 2017, Vinalines đạt tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.856 tỷ đồng, tăng 19,1% so với kế hoạch 2015, lợi nhuận đạt 48 tỷ đồng so với mục tiêu cân bằng tài chính do khối vận tải biển giảm lỗ từ thực hiện tái cơ cấu tài chính; riêng Công ty mẹ đạt doanh thu 3.187 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 483 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vinalines đã bán thanh lý 6 tàu với trọng tải khoảng 125.000 DWT khiến quy mô đội tàu giảm chỉ còn 92 chiếc với tổng trọng tài 1,8 triệu DWT.

Bài viết mới