Tiến sỹ Quách Mạnh Hào, giảng viên cao cấp môn tài chính Đại học Lincoln (Vương quốc Anh) chia sẻ với phóng viên VOV.VN quan điểm cá nhân xung quanh những lùm xùm trong vụ việc cổ phần hoá tại Hãng phim truyện Việt Nam.
PV: Hiện Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đang yêu cầu thanh tra, rà soát lại tiến trình cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam. Ông đón nhận thông tin này với cảm xúc gì?
Tiến sĩ Quách Mạnh Hảo: Tôi cảm thấy một chút vui vì Phó Thủ tướng đã quan tâm tới bức xúc của dư luận xã hội và đã chỉ đạo kịp thời. Nhưng tôi cảm thấy buồn vì đáng ra không phải mất công sức như vậy.
Nếu như việc cổ phần hóa được thực hiện tốt, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan bao gồm cổ đông nhà nước, người lao động… thì đã không có việc này. Tại sao chúng ta làm xong lại phải thanh tra? Và nếu cứ như vậy liệu có thanh tra hết được hay không.
PV: Trong một status trên facebook, ông chia sẻ: “Bên mua thực ra không có lỗi gì cả xét ở khía cạnh thị trường”. Tuy nhiên, qua các cuộc gặp gỡ báo chí, các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam đã trưng ra rất nhiều dấu hiệu tố cáo sự không minh bạch, trục lợi trong quá trình cổ phần hoá tại Hãng phim truyện Việt Nam. Xin ông chia sẻ ý kiến?
Tiến sĩ Quách Mạnh Hảo: Thú thực là status trên facebook cá nhân của tôi chỉ để nói lên bài học về định giá trong các thương vụ mua bán cổ phần nói chung và lấy vụ việc tại Hãng phim truyện Việt Nam như là một ví dụ dễ hiểu.
Tôi không thực sự nhìn thấy các bằng chứng và cũng chưa có kết quả rà soát, thanh tra nên rất khó để nhận định. Nhưng tôi có một niềm tin rõ ràng là bên mua (Tổng Công ty cổ phần Vận tải Thủy Việt Nam – VIVASO) thực ra không quan tâm tới hoạt động kinh doanh chính là làm phim mà họ quan tâm nhiều hơn tới các giá trị từ đất đai dù rằng đất đai phần lớn là đất thuê.
Tôi cho rằng bên mua thực ra không có lỗi gì vì họ tham gia vào một cuộc đấu giá và về nguyên tắc ai trả giá cao nhất sẽ thắng cuộc. Đồng thời, theo nguyên tắc thị trường về sở hữu – xin nhấn mạnh là theo nguyên tắc thị trường về sở hữu – họ hoàn toàn có thể quyết định sử dụng tài sản và con người thế nào là hợp lý theo cách của họ.
Theo tôi, lỗi hoàn toàn nằm ở bên bán. Họ đã không cấu trúc thương vụ theo cách có lợi hơn mặc dù có thể làm được, hoặc đã không quan tâm tới lợi ích của các bên liên quan trước khi chào đấu giá. Nếu như VIVASO không thực hiện đúng các cam kết khi tiếp quản Hãng phim truyện Việt Nam, lỗi còn ở bên bán vì đã đặt ra điều kiện nhưng lại lựa chọn sai đối tác không đủ năng lực thực hiện các điều kiện đó.
Vấn đề này là do khả năng yếu kém hay do có trục lợi thì cần ý kiến của bên thanh tra.
PV: Câu chuyện làm ăn thua lỗ của các doanh nghiệp Nhà nước không chỉ của riêng Hãng phim truyện Việt Nam. Xin ông cho biết vì sao tình trạng này của các doanh nghiệp Nhà nước vẫn cứ lay lắt từ năm này qua năm khác?
Tiến sĩ Quách Mạnh Hảo: Vấn đề này thực ra đã có nhiều nghiên cứu mang tính hàn lâm cũng như thực tiễn đề cập. Bản chất nằm ở vấn đề sở hữu, từ đó dẫn tới mẫu thuẫn giữa lợi ích chủ sở hữu và người đại diện quản trị. Cụ thể, những người được giao quản lý điều hành doanh nghiệp nhà nước không có động lực để làm tốt nhất cho nhà nước vì họ không có lợi ích gì trong đó. Thay vào đó, họ sẽ có xu hướng làm việc vì lợi ích cá nhân của họ nhiều hơn. Vì lý do này mà họ sẽ chi tiêu nhiều hơn và không quan tâm tới lợi nhuận – tức là phần Nhà nước sẽ được hưởng.
Có thể lấy ví dụ từ thông tin về vụ việc Hãng phim là khi ông Chủ tịch cho rằng có nhiều người không đến làm mà vẫn nhận lương. Hoặc giả sử như đặc thù ngành là phải làm việc nhà hoặc đi thu thập tư liệu thì điều cần thiết là sản phẩm cũng không có. Và hơn thế, kể cả khi có sản phẩm phim nhờ ngân sách Nhà nước cấp thì doanh thu từ bán vé gần như không có.
Đó chính là một ví dụ điển hình của mâu thuẫn giữa bên quản lý và bên sở hữu. Khi nó là công ty Nhà nước, mâu thuẫn đó tồn tại nhưng không ai quan tâm vì đó là của “ông Nhà nước”. Nhưng khi nó là của tư nhân, họ phải lên tiếng và những mâu thuẫn được phơi bày và cần phải được giải quyết.
Có thể nói, các công ty Nhà nước không có động lực rõ ràng để có lợi nhuận tốt nhất, đó là chưa nói đến khả năng quản lý của những người được giao việc. Những công ty báo cáo lợi nhuận thực ra chúng ta cần phải đặt câu hỏi là “nếu là cổ đông tư nhân thì lợi nhuận sẽ gấp mấy lần như thế”?
PV: Nhiều nhận định cho rằng doanh nghiệp Nhà nước sở hữu vị trí đắc địa song làm ăn thua lỗ là miếng mồi béo bở cho các “nhà tài phiệt” thông qua cổ phần hoá. Vì sao vụ việc ở Hãng phim truyện Việt Nam lại ầm ĩ hơn các vụ việc khác?
Tiến sĩ Quách Mạnh Hảo: Khi còn làm việc tại Việt Nam, đi đâu tôi cũng thấy người ta nói về các thương vụ mua bán cổ phần công ty Nhà nước với đích ngắm là những giá trị không được định giá hoặc định giá quá thấp chứ rất ít khi là công việc kinh doanh của doanh nghiệp đó. Rõ ràng nhất là tài sản đất đai và quyền sử dụng đất.
Vụ việc Hãng phim truyện Việt Nam không phải là lạ. Thậm chí nó rất bình thường và bình lặng nếu các bên chơi đẹp với nhau. Nhưng nó dường như ầm ĩ hơn các vụ việc khác cùng loại là vì muc tiêu cổ phần hóa vốn để tốt hơn cho một hãng phim có bề dày lịch sử nhưng lại được bán cho một đơn vị chẳng liên quan gì đến điện ảnh. Nếu là một hãng phim nào đó hoặc một công ty đào tạo về điện ảnh mua thì tôi nghĩ sẽ không ai nói gì nhiều.
PV: Hiện pháp luật Việt Nam còn tồn tại những kẽ hở nào để các cá nhân, doanh nghiệp bắt tay nhau trục lợi tiền và tài sản của Nhà nước thông qua cổ phần hoá?
Tiến sĩ Quách Mạnh Hảo: Việc trục lợi thường ám chỉ các lợi ích về tài chính. Những kẽ hở thông thường liên quan tới việc định giá tài sản vì thường sẽ có những khác biệt giữa quy định của Nhà nước và giá thị trường. Nhà nước cần thay đổi cách định giá tài sản Nhà nước theo hướng thị trường.
Vấn đề thứ hai liên quan tới quy trình đầu giá và bán tài sản Nhà nước. Nếu thông tin được công khai và minh bạch, sẽ có nhiều người mua tham gia hơn và họ sẽ trả giá đúng. Như vậy, theo tôi cần dỡ bỏ các rào cản định giá để đi theo thị trường và minh bạch hóa quá trình chào bán cổ phẩn.
PV: Xin ông cho biết bài học cho các doanh nghiệp Nhà nước đang và sẽ cổ phần hoá cần rút ra sau câu chuyện lùm xùm tại Hãng phim truyện Việt Nam?
Tiến sĩ Quách Mạnh Hảo: Tôi cứ giả sử, mặc dù tôi không tin do vấn đề sở hữu – người làm nêu trên, là những người tham gia vào việc bán cổ phần Nhà nước làm việc khách quan và trung thực thì các doanh nghiệp Nhà nước cần phải được cấu trúc lại trước khi bán. Doanh nghiệp Nhà nước đôi khi có nhiều mảng kinh doanh và có nhiều loại tài sản đặc thù khác nhau nên khi gộp tất cả lại trong vỏ của một công ty sẽ không được định giá cao nhất.
Lấy ví dụ trường hợp Hãng phim truyện Việt Nam, cách hay hơn sẽ là họ cấu trúc thành hai công ty là công ty quản lý bất động sản và công ty phim. Khi đó, họ có thể bán công ty bất động sản cho Tổng Công ty cổ phần Vận tải Thủy – là thứ họ cần, và bán công ty phim cho một nhà đầu tư khác – là thứ họ cần do lịch sử và tên tuổi của hãng phim.
Bản thân những nghệ sĩ của hãng phim cũng có thể mua lại chính công ty phim đó để làm nghề thông qua kêu gọi nguồn tài chính từ các nhà đầu tư. Cách làm này rất bình thường trong giới tài chính nhưng cần những con người thông minh và trung thực, khách quan để làm. Bài học đơn giản là đừng báo giờ bán nhiều thứ cho người chỉ cần một thứ vì họ sẽ trả những thứ còn lại với giá tượng trưng và không dùng những thứ đó.
PV: Ông có thể tư vấn một hướng đi để giải quyết những rắc rối này, ở cả hai bên: bên mua và bên bán?
Tiến sĩ Quách Mạnh Hảo: Giả sử chưa biết kết quả thanh tra thì hướng đi đơn giản nhất là Công ty hiện tại nên được cấu trúc lại để lập ra “Công ty phim” như tôi đã nói ở trên. Và công ty phim nên được bán lại cho người thực sự làm nghề. Những nghệ sỹ tâm huyết hoặc những người làm nghề hoàn toàn có thể đứng ra mua. Nó đã được định giá là 0 đồng thì có khi cho không các nghệ sỹ cũng được (cười).
Vấn đề là phần giá trị sử dụng đất được định giá như hiện tại chênh lệch so với giá thị trường là bao nhiêu và được phân chia thế nào. Tôi nghĩ, nếu “chơi đẹp” với nhau thì phần chênh lệch đó (nếu có) nên dùng một phần để làm vốn/tài sản ban đầu cho công ty phim để họ hoạt động. Nói nôm na, hãy trả lại “công ty phim” cho các nghệ sỹ và trả cho họ một phần tiền có lợi từ đất (tất nhiên là nếu có) để làm vốn/tài sản ban đầu cho công ty phim./.
PV: Xin cảm ơn ông.