Có nên gộp ‘kinh tế ngầm’ vào GDP?

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng GSO cho biết, thời gian qua, ngành thống kê đã thu thập, tính toán và xử lý được dữ liệu 3 thành tố phi chính thức (gồm kinh tế hộ kinh doanh cá thể không đăng ký kinh doanh; kinh tế gia đình tự sản, tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót). Kinh tế ngầm, phi pháp chưa thể thống kê được.

Kinh tế ngầm chiếm đến 30% GDP?

Kinh tế ngầm là hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý nhằm tránh phải nộp thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, tránh phải thực hiện các quy định của nhà nước về mức lương tối thiểu… Hoạt động ngầm cũng không phải thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như báo cáo tài chính, báo cáo thống kê. Chưa kể trong kinh tế ngầm còn phải kể đến hoạt động kinh tế phi pháp với các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm.

“Đây là những thành tố rất khó cho cơ quan thống kê thu thập thông tin để tính toán. Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không tới 30% như nhiều quan điểm đã nêu. Riêng hoạt động kinh tế ngầm và phi pháp không thể thu thập được thông tin theo cách chính thống do những quan điểm, cách hiểu khác nhau”, ông Lâm nói.

Ông lấy dẫn chứng, nhiều quốc gia không coi đánh bạc, mại dâm là những hoạt động phi pháp, nhưng ở Việt Nam đánh bạc và mại dâm là phi pháp. Do đó, những hoạt động này không đưa vào khái niệm sản xuất và thu thập dữ liệu của thống kê Việt Nam. Vì thế, GSO sẽ trao đổi với các bộ, ngành liên quan để thống nhất quan niệm thế nào là hoạt động kinh tế phi pháp và cách thu thập thông tin như thế nào.

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, từ năm 1990, ngành thống kê đã ước tính quy mô kinh tế ngầm vào khoảng hơn 10% GDP. Khoảng 10 năm trước đây, lại có những báo cáo đánh giá thực hiện bởi một số cơ quan, tổ chức khác, trong đó thực hiện đo lường bằng lượng tiền mặt ngoài lưu thông, kết quả cho thấy giá trị khu vực này bằng khoảng 30-35% GDP.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 của Tổng cục Thống kê, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phương pháp tính GDP chưa tính được hết phần kinh tế chưa quan sát được. Bởi bao nhiêu nhà lầu, xe hơi, rượu vang, thịt bò tiêu thụ rất lớn, mà không được đưa vào GDP, chủ yếu tính GDP từ đầu tư Nhà nước.

Theo lãnh đạo Chính phủ, kinh tế không chính thức này mà tính được thì tổng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhiều, với bội số lớn như vậy thì nợ công sẽ có dư địa lớn hơn để đầu tư cho nhu cầu phát triển.

Lo tụt hậu vì nền kinh tế ngầm

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, theo một nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) từ năm 2003, chính sự kiểm soát quá mức, quá tập trung tại Việt Nam đã khuyến khích hoạt động không chính thức, thúc đẩy “tính ngầm” của nền kinh tế. Theo nghiên cứu này, tại các tỉnh, thành nơi tiến hành khảo sát, hoạt động không chính thức tỷ lệ thuận với thời gian mà doanh nghiệp phải đối phó với các quy định của luật pháp. Ví dụ, cứ mất thêm 2 ngày phải giải quyết các quy định về quản lý tại một thành phố thì tương quan với số lượng hợp đồng lao động chính thức giảm đi 1%.

“Ở giai đoạn khủng hoảng nợ, một số quốc gia châu Âu cũng muốn tính thêm các hoạt động phi pháp, không chính thức vào GDP để “làm đẹp” hồ sơ tăng trưởng kinh tế, giúp giảm nợ và thâm hụt thương mại. Nhưng chúng ta chỉ nên lượng hóa kinh tế ngầm để biết”.

TS Nguyễn Đức Thành

Theo ông Tuấn, chính các quy định không phù hợp thực tiễn, quá khắt khe đang tạo ra tình trạng lưỡng nan cho nhà kinh doanh. Nếu tuân thủ đúng thì không thể cạnh tranh và tồn tại được vì sự vi phạm quá phổ biến, thậm chí là công khai. Nếu không tuân thủ thì nguy cơ bị coi là vi phạm pháp luật luôn lơ lửng trên đầu, họ như là con tin của các công chức “nhiều quyền thiếu tâm”.

Cũng theo ông Tuấn, kinh tế ngầm sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh. Nó hạn chế cơ hội và quy mô kinh doanh do mối quan hệ góp vốn chủ yếu dựa trên quan hệ gia đình, họ hàng, thân quen, không thể phát triển đến quy mô lớn để tận dụng được lợi thế quy mô. Nó cũng tạo ra dư địa lớn cho công chức nhà nước sách nhiễu, đòi hối lộ và lạm dụng quyền lực phục vụ ý đồ, lợi ích cá nhân.

Về lâu dài nó tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, không đáng tin cậy, bất lợi cho người kinh doanh trung thực, bất lợi cho khu vực chính quy. Kinh doanh ngầm với quy mô lớn và phổ biến làm cho các doanh nhân không dám lên tiếng phản đối, tố cáo công chức nhà nước vi phạm luật pháp, không dám phê bình, phản đối chính sách bất hợp lý, lối làm việc thiếu trách nhiệm, thậm chí phi pháp của công chức nhà nước. Điều đó tiếp tục dung túng, nuôi dưỡng ý thức “nhờn” luật pháp, coi thường luật pháp, coi thường kỷ cương phép nước từ cả hai phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

“Kinh tế ngầm sẽ làm cho doanh nghiệp và sản phẩm giảm năng lực cạnh tranh cả ở tầm quốc gia, khó có thể hội nhập được với các hoạt động thương mại quốc tế. Một nền kinh tế như vậy có nguy cơ đẩy nước ta càng tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khác, kể cả các nước trong khu vực”, ông Tuấn nói.

Cần cẩn trọng

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc tính toán kinh tế phi chính thức là cần thiết để Chính phủ nắm được số liệu cụ thể và đề ra chiến lược phát triển kinh tế cho phù hợp. Tuy nhiên, không nên tính “kinh tế ngầm” vào GDP để làm tăng quy mô của nền kinh tế. Nếu kinh tế không chính thức mà tính được thì tổng GDP của Việt Nam sẽ tăng nhiều. Khi GDP tăng lên sẽ làm thay đổi nhiều con số, như tỷ lệ bội chi ngân sách, tỷ lệ nợ công trên GDP dĩ nhiên sẽ nhỏ đi.

“Ở giai đoạn khủng hoảng nợ, một số quốc gia châu Âu cũng muốn tính thêm các hoạt động phi pháp, không chính thức vào GDP để “làm đẹp” hồ sơ tăng trưởng kinh tế, giúp giảm nợ và thâm hụt thương mại. Nhưng chúng ta chỉ nên lượng hóa kinh tế ngầm để biết”, ông Thành nói.

Trước lo lắng việc bổ sung hoạt động kinh tế phi chính thức vào GDP sẽ khiến nợ công tăng cao, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng điều này không có cơ sở. Khi bổ sung các dữ liệu này thì quy mô GDP sẽ tăng lên nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, bất cứ nước nào trên thế giới cũng có kinh tế phi chính thức nhưng tỷ lệ cao thấp khác nhau. Cách tốt nhất để quản lý được đối tượng đang kinh doanh kinh tế ngầm là áp dụng chính phủ điện tử công khai, minh bạch.

“Giải pháp tốt nhất là Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhưng phải minh bạch, để DN kinh doanh lâu dài với thương hiệu tốt”, ông Doanh nói.

Nợ công, bội chi và GDP

Bài viết mới