Có nên cho vay đặc biệt với lãi suất 0%?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo thông tư quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, NHNN cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt trong một số trường hợp với các mục đích như: (1) hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức tín dụng có nguy cơ, hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, (2) hỗ trợ phục hồi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt; và (3) hỗ trợ phục hồi theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.

Lãi suất ưu đãi hay lãi suất tái cấp vốn?

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo này là với các mục đích (2) và (3) nói trên, lãi suất ưu đãi cho khoản vay đặc biệt từ NHNN có thể đến mức 0% thay vì là lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố trong từng thời kỳ như với mục đích (1) nói trên. Lãi suất ưu đãi đến mức 0% này cũng sẽ được áp dụng với các khoản vay đặc biệt từ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam với một số đối tượng cụ thể theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.

Đối chiếu với 5 phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt được quy định trong Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua, gồm: (1) phục hồi, (2) sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng cổ phần, (3) giải thể, (4) chuyển giao bắt buộc, và (5) phá sản. Nếu “phương án phục hồi” và “phương án chuyển giao bắt buộc” nêu trong dự thảo thông tư trên cũng chính là những phương án cơ cấu lại tương ứng nêu trong Luật các TCTD sửa đổi thì có thể suy ra rằng lãi suất áp dụng cho khoản vay đặc biệt, nếu có, với 3 phương án cơ cấu lại còn lại, gồm phương án (2), (4), và (5), sẽ là lãi suất tái cấp vốn của NHNN áp dụng cho mục đích hỗ trợ thanh khoản. Trong trường hợp này, dự thảo thông tư cần quy định rõ như vậy để tránh gây hiểu lầm, tùy tiện lý giải và vận dụng trong thực tế.

Nếu lãi suất cho vay đặc biết các TCTD trong 3 phương án cơ cấu còn lại không phải là lãi suất tái cấp vốn, mà cũng không phải là lãi suất ưu đãi (đến mức 0%) thì có nghĩa là NHNN sẽ không cho vay đặc biệt cho mục đích cơ cấu lại theo 3 phương án này. Nhưng như vậy thì lại đồng nghĩa với việc NHNN sẽ không làm gì khi TCTD đang thực hiện 3 phương án cơ cấu lại này có nguy cơ hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả. Vì khả năng NHNN không làm gì là khả năng khó xảy ra nên NHNN có thể sẽ phải cho vay đặc biệt trong trường hợp này. Như vậy thì lãi suất cho vay đặc biệt sẽ là như thế nào, được quy định ra sao v.v… cần được bổ sung cụ thể trong dự thảo.

Lãi suất tái cấp vốn đã là quá ưu đãi

Chuyển sang vấn đề quan trọng hơn, NHNN có nên cho vay đặc biệt với lãi suất thấp hơn lãi suất tái cấp vốn hoặc thậm chí đến 0% như dự thảo quy định? Câu trả lời là không nên.

Trước hết, NHNN cho vay (tái cấp vốn) các TCTD đã là một hành động mang tính cứu trợ, giúp đỡ. Khi đã phải vay tái cấp vốn từ NHNN có nghĩa là các TCTD hầu như không còn “bấu víu” được vào đâu để có đủ thanh khoản cho hoạt động bình thường của mình.

Bản thân lãi suất tái cấp vốn cũng đã là lãi suất ưu đãi vì thấp hơn nhiều so với lãi suất đi vay, huy động trên thị trường vốn, thị trường liên ngân hàng hay từ dân chúng. Bởi vậy, khi NHNN đồng ý cho vay tái cấp vốn có nghĩa là NHNN tự nguyện gánh lấy (một phần) rủi ro thay cho TCTD và TCTD thì đương nhiên được hưởng thêm lợi ích nữa là được rót vốn với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường.

Nhưng hậu quả gì sẽ xảy ra nếu, căn cứ theo quy định như trong Luật các TCTD sửa đổi và dự thảo thông tư, NHNN vẫn cứ quyết định cho TCTD có vấn đề vay với lãi suất thấp hơn cả lãi suất tái cấp vốn, thậm chí với lãi suất 0%?

Như trên đã phân tích, 2 phương án cơ cấu lại được hưởng lãi suất ưu đãi có thể đến 0% là phương án phục hồi và phương án chuyển giao bắt buộc. Giả sử sau khi được vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi, TCTD thực hiện cơ cấu lại theo 2 phương án này thành công.

Với trường hợp của phương án phục hồi, TCTD quay trở lại hoạt động bình thường, với cơ cấu cổ đông có thể giữ nguyên hoặc không thay đổi đáng kể. Điều này có nghĩa là khoản cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi của NHNN đã làm lợi cho TCTD này nói chung và cho các cổ đông hiện hữu của nó nói riêng mà nhà nước không thu được lợi ích gì ngoài lợi ích khá mơ hồ, khó định lượng được là “sự ổn định” của hệ thống ngân hàng, tài chính quốc gia.

Tương tự như vậy, với phương án chuyển giao bắt buộc, người hưởng lợi từ “nguồn lực” nhà nước là các chủ đầu tư, sở hữu mới của TCTD mà không phải là nhà nước.

Ngược lại, khi 2 phương án cơ cấu lại trên đây không thành công thì đương nhiên là NHNN sẽ phải đối mặt với rủi ro là không thu hồi được khoản cho vay đặc biệt, dù theo dự thảo thông tư thì khoản cho vay đặc biệt này được ưu tiên giải quyết trước tất cả các khoản nợ khác.

Bởi vậy, để đảm bảo công bằng, theo cơ chế thị trường, NHNN không nên quy định và thực hiện cho vay đặc biệt với lãi suất đến mức 0%, dù có thể Luật các TCTD sửa đổi cho phép lãi suất có thể đến mức 0%. Khi đã cho vay đặc biệt thì tốt nhất là nên thống nhất mức lãi suất trong mọi trường hợp bằng với lãi suất tái cấp vốn.

Đề xuất cho vay đặc biệt lãi suất 0 với ngân hàng được kiểm soát đặc biệt

Bài viết mới