Profile
Tên: Nguyễn Thị Thùy Trang
Năm sinh: 1990
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Marketing
Nơi sinh sống: Thành phố Hồ Chí Minh
START UP – KHỞI NGHIỆP ngày nay đã không còn là cụm từ quá xa lạ đối với những người trẻ thế hệ mới. Thay vì đi theo lối mòn cũ là tốt nghiệp đại học rồi tìm một công việc ổn định với mức lương từ khá đến cao rồi dần thăng tiến lên những vị trí tốt hơn, nhiều người đã và đang xây dựng những doanh nghiệp riêng để tự mình làm chủ, tự mình quyết định mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống, kinh tế của bản thân.
Thùy Trang là một người trẻ như vậy. Cô gái sinh năm 1990 này đã hoạt động kinh doanh nhiều năm nay nhưng chỉ được nhiều người biết đến hơn khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ) và nhận được khoản đầu tư 2 tỷ đồng từ một doanh nhân trên sóng truyền hình. Sau khi chương trình được phát sóng, đã có rất nhiều người tò mò về Trang, về hành trình và đam mê làm duyên cho phụ nữ Việt của cô.
Thùy Trang, nữ CEO thương hiệu thời trang mặc nhà do chính tay lập ra đang gây sốt trên truyền hình.
Bắt đầu kinh doanh với 10 triệu xin mẹ, 8 năm sau gọi vốn đầu tư được 2 tỷ
Cảm nhận đầu tiên khi được trò chuyện với Trang đó là một cô gái có giọng nói rất nhẹ nhàng và truyền cảm nhưng lại quyết đoán và cá tính. Thùy Trang cho hay, cô đã bắt đầu sự nghiệp của mình khá sớm bởi cảm hứng từ mẹ, người cũng làm kinh doanh gia đình.
Năm 19 tuổi, chân ướt chân ráo từ Gia Lai vào Sài Gòn học, cô bị choáng ngợp bởi sự sôi động của thị trường đồ may mặc nơi đây. Trang đã xin mẹ 10 triệu để tập kinh doanh. Lúc đó là năm 2009, cả Facebook và thương mại điện tử đều chưa phát triển như bây giờ. Khi đó, việc kinh doanh được cô đánh giá là không thất bại cũng không thành công, cô kiếm đủ tiền vốn để trả cho mẹ. Sau dự án đầu đời đó, Trang cũng học được nhiều kinh nghiệm. Lúc đó còn quá nhỏ tuổi, Trang đã gác lại giấc mơ thời trang để tập trung vào giảng đường.
Đến năm thứ hai Đại học, Trang lại cùng với bạn mở quán ăn vặt và khá thành công. Tuy nhiên, khi hết hợp đồng nhà thì tất cả đều đồng ý dừng lại và sang nhượng để tập trung vào việc học.
Cứ thế, trong suốt những năm ngồi trên giảng đường, Thùy Trang cứ “chân trong chân ngoài” vừa học vừa kinh doanh, việc học tập nhiều lần bị tạm dừng nên cô tốt nghiệp khá muộn so với bạn bè. Đến năm 25 tuổi, Trang mới chính thức ra trường.
Lúc này, đam mê về thời trang lại trỗi dậy, nhưng cô gái nhỏ ấp ủ một dự án kinh doanh nghiêm túc chứ không phải mua sắm như những cô “bánh bèo” khác. 5 năm sau lần đầu đi bán quần áo, Trang mới chính thức khởi nghiệp với quyết tâm “làm lớn” cùng thương hiệu đồ mặc nhà cho phụ nữ.
Thùy Trang có đam mê với kinh doanh từ nhỏ là nhờ mẹ.
Trang bắt đầu với số vốn là 40 triệu đồng tích cóp được từ việc đi làm thêm trước kia để mở doanh nghiệp làm thời trang mặc nhà cho phụ nữ, nhắm vào khách hàng tầm trung. Sau 2 năm hoạt động, thương hiệu thời trang mặc nhà nho nhỏ của Thùy Trang đã đạt được một số cột mốc đáng nhớ như tham gia Fashion TV show 2016, Trang được dự hội nghị doanh nhân trẻ toàn cầu do cựu tổng thống Obama tổ chức tại Silicon Valley, Mỹ; năm nay là đồng hành cùng Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam và tham gia Shark Tank.
Riêng ở Shark Tank, cô đã gọi vốn được 2 tỷ đồng. Màn thuyết phục các nhà đầu tư của Trang đã được dân mạng chia sẻ rất nhiều và để lại cũng kha khá ý kiến tranh cãi. Trong số đó có một số cho rằng có vẻ như Trang chưa làm rõ về chiến lược kinh doanh cũng như các con số lỗ lãi nhưng vẫn nhận được khoản đầu tư khá “hời”.
Màn thuyết phục của Trang đã mang lại số vốn lớn cho doanh nghiệp còn đang từng bước hoàn thiện và đi lên của mình.
Thương vụ thành công của Trang nằm ngoài mong đợi của chính bản thân cô nàng.
Trả lời cho những thắc mắc này, Trang thẳng thắn cho biết, trong một chương trình quay với thời lượng khiêm tốn, người gọi vốn và cả nhà đầu tư không thể nói hết mọi khía cạnh hay giải quyết hết tất cả mọi vấn đề như một thương vụ đàm phán đầu tư hằng ngày trên thương trường. Vì thế, người xem không hoàn toàn thỏa mãn cũng là điều hợp lý.
“Trang cho rằng tính thuyết phục nằm ở kết quả cuối cùng. Bản thân Trang cũng khá bất ngờ và vui mừng với kết quả, mình gọi chỉ nhỉnh hơn 1 tỷ tí xíu thôi, nhưng lại được gấp đôi. Đó là sự thành công ngoài mong đợi của Trang”.
Đồ Trang làm bán khá mắc, đúng vậy, nhưng hy vọng đủ để tạo ra một cái nhìn mới
“Phụ nữ dành hơn 1 nửa thời gian sống là ở nhà (sau 8 tiếng đi làm), nên việc giữ cho mình thoải mái và tự tin là rất cần thiết. Mình nhận ra phụ nữ ở Việt Nam không có nhiều sự lựa chọn cho trang phục mặc nhà. Đồ bộ đã có mặt ở Việt Nam quá lâu, quá lỗi mốt rồi, và không có tý sexy nào. Đồ ngủ sexy lại quá “đặc biệt”, chỉ dành cho một số dịp nhất định, và cũng chẳng phù hợp để mặc bên ngoài phòng ngủ. Điều đó thôi thúc Trang làm một điều gì đó để thay đổi, tạo ra một thứ gì đó ở giữa, vừa tiện dụng, vừa lịch sự mà vẫn có nét thu hút riêng.
Vì không có kiến thức chuyên môn về thời trang nên những mẫu đầu tiên, Trang tự làm theo size của chính mình để mặc thử xem có thoải mái hay không, sau đó mới sản xuất các size theo thông số chung. Bản thân mình luôn chuộng sự thoải mái và mình quan niệm đó chính là điều giúp phụ nữ tự tin và đẹp nhất. Đó là lý do các thiết kế của mình đều theo hướng này, đơn giản và tinh tế” – Trang kể về đam mê của mình như thế.
Startup luôn đi cùng nhiệt huyết và cả khó khăn. Bước đầu, bản thân người sáng lập như cô nàng phải làm tất cả các công việc và phân đoạn, tất nhiên là không lương. Thêm vào đó, Trang còn phải tính toán về tài chính sao cho không phải thâm hụt bất cứ khoản nào và cố cầm cự được trong 6 tháng đầu. Thời điểm bắt đầu, Trang đã phải tự tay làm từ những việc nhỏ nhất như chọn chất liệu, lên thiết kế, quản lí thợ, tiếp khách hàng, có khi Trang phải kiêm luôn việc… shipper.
Khó khăn ban đầu nhiều là vậy, nhưng càng thử thách Trang càng cảm thấy mình hào hứng hơn, vì có thể nhìn thấy mình phát triển và giải quyết công việc hiệu quả hơn. “Trang là người khá quyết tâm với lựa chọn của mình nên khi gặp khó khăn trong lúc vận hành doanh nghiệp, mình luôn tự nhắc nhở mình về lí do bắt đầu và đọc rất nhiều tin tức về thời trang để lấy cảm hứng và động lực vượt qua. Dù có những lúc thật sự rất khó khăn, nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ, dù chỉ là 1 phút, về việc từ bỏ.
Khởi nghiệp đối với mình không chỉ là một công ty, mà còn là sự thay đổi và lựa chọn mà mình muốn đem đến cho phụ nữ Việt”.
Thùy Trang nhận định, thời trang ở Việt Nam hiện nay là một thị trường vừa màu mỡ nhưng cũng rất khó nếu không tạo được sự khác biệt, đặc biệt là thời trang đồ mặc nhà, bởi nhiều phụ nữ Việt khá đơn giản, nếu không muốn nói là xuề xòa với quần áo khi không ra ngoài, nên để tạo được ấn tượng tốt bằng sản phẩm của mình cũng không phải chuyện đơn giản.
“Phụ nữ đẹp là khi họ tự tin, và họ chỉ tự tin khi cảm thấy thoải mái nhất. Tiêu chí sản phẩm của Trang là không để bị hở hay phô phang quá đà, mà phải phù hợp để phụ nữ mặc được khi nhà có khách, có con nhỏ, có ba mẹ hay gia đình chồng hoặc thậm chí đi du lịch ra bãi biển cũng được nữa. Mình thiết kế các mẫu khá đa dạng và theo từng bộ sưu tập chứ không làm đại trà. Vì lẽ đó, mỗi lần ra sản phẩm sẽ có những ý tưởng và thiết kế riêng, nên giá cũng không thể rẻ như đồ sản xuất đại trà.
Khởi nghiệp với Trang không hẳn là sự thôi thúc về kinh tế mà bên cạnh đó còn là đam mê mãnh liệt.
Mình tự hào khi có nhiều khách hàng đã dùng sản phẩm của mình để tặng quà cưới và chụp ảnh cưới luôn, bởi họ không coi đây là một bộ đồ ngủ đơn thuần mà coi trọng về thiết kế và chi tiết. Bản thân mình cũng thường xuyên mặc đồ của chính mình bên trong rồi khoác áo dài bên ngoài rồi đi làm. Cách ứng dụng này mang lại sự thoải mái, tiện ích và nhanh gọn”.
Trước chỉ ham váy áo, giờ thấy vải vóc là sà vào
Cô nàng CEO trẻ tuổi này rất tự tin vào kinh nghiệm và hoạt động thời trang của mình. Cái nghề làm đẹp cho người khác này với Trang giống như hơi thở nên cô nàng rất kỹ tính trong khâu tuyển chọn nguyên liệu, thiết kế. Còn khi chọn trang phục cho bản thân, “mình không quan trọng món hàng phải đắt tiền thì mới đẹp mà chỉ cần hợp là được. Dáng người mình khá nhỏ nên thường không mặc vừa đồ hiệu mua ở nước ngoài, nếu có sắm thì cũng toàn phải sửa thì mới mặc được. Mặt khác, mình cũng đang trong thời gian xây dựng công ty nên rất hạn chế mua đồ đắt tiền, chỉ những thứ gì mình thấy thật cần thiết hay rất rất thích thì mới cân nhắc để mua.
Nguyên tắc của Trang là không được mua quá một phần tư thu nhập của tháng đó. Có nhiều người hay nói rằng phụ nữ có quyền dùng tối đa 1 tháng lương để mua thứ mình thích nhưng thực sự nếu start up mà làm như thế thì chẳng còn vốn để kinh doanh nữa rồi”.
Cũng từng thích shopping như bao cô gái khác nhưng đến bây giờ Trang đã khác xưa rất nhiều.
Suy nghĩ này của Trang khác hoàn toàn so với thời gian trước đây, hồi chưa kinh doanh nghiêm túc. Khi đó cô thích gì thì mua đấy. Thời “thanh niên” thì háo hức đi mua quần áo còn bây giờ Trang chỉ thích đi chợ vải. Cứ thấy có ren mới, vải mới là Trang sà vào chọn chọn, mua mua, nhưng vẫn nhớ tự đặt ra giới hạn chi phí để không bị thâm hụt quá đà. Cách shopping mới này của Trang thậm chí còn khiến cô em gái phải bật cười nói rằng chị đã tự sáng tạo ra một kiểu mua sắm mới.
Ở tuổi 27, Trang đã làm chủ một doanh nghiệp và bây giờ còn kêu gọi được cả vốn đầu tư từ những doanh nhân gạo cội trong nghề. Thu nhập của Trang, cô nàng không tiện công bố nhưng nói về cách chi tiêu, quả thực cô nàng sẽ khiến nhiều người phải học hỏi theo vì sự khoa học và tiết kiệm của mình.
“Doanh thu của công ty mình ban đầu không cao nhưng qua thời gian cũng đã tăng đến một con số khá ổn. Mình không đặt ra chuẩn mực nên cũng không biết thế là nhiều hay ít. Nhưng dù kiếm được bao nhiêu thì Trang vẫn luôn chia rạch ròi để làm 3 thứ, một là để xây dựng công ty, hai là lo cho ba mẹ và em gái nếu bé muốn học cao học, ba nữa là để đi du lịch. Với tình trạng hiện giờ thì điều thứ 3 Trang phải hạn chế lại để lo cho điều thứ nhất được tròn vẹn hơn”.
Thùy Trang năm nay cũng đã gần chạm ngưỡng 30, và như nhiều cô gái ở tuổi này, cô cũng được “đánh tiếng” về dự định lập gia đình. “Mình nghĩ, hôn nhân hoàn toàn không phải là rào cản cho đam mê. Ngược lại, ta sẽ có thêm một người tin tưởng để chia sẻ. Khi có con lại có thêm động lực phát triển bản thân để dành những gì tốt nhất cho con cái.
Nói vậy chứ việc kết hôn cũng như kinh doanh vậy, cần có chiến lược rõ ràng và đối tác phù hợp. (Cười lớn). Trang không có ý định kết hôn sớm dù bạn bè xung quanh đều đã có bé bế bồng. Mình vẫn còn muốn đi, muốn trải nghiệm ở những phương trời mới để làm giàu thêm vốn kiến thức vẫn còn hạn hẹp. Mình đang tham vọng sẽ đưa thương hiệu của mình ra miền Bắc để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn và cũng là để thử thách bản thân nhiều hơn…”.