TIN MỚI
Sức ảnh hưởng của cỗ máy in tiền: K-Pop
Hàn Quốc không phải một quốc gia phát triển vào những năm 1960. Nhưng một trong những ngành công nghiệp đã giúp đất nước này trở thành nền kinh tế top 10 thế giới chính là K-Pop.
K-Pop là viết tắt của cụm từ “Korean pop” hoặc “Korean Popular music”. Đây là một thể loại nhạc pop, được trình diễn bởi các sĩ thần tượng với vũ đạo sôi động và âm nhạc bắt tai.
Trước đây, vào thập niên 90 hay những năm 2000, hình thức nhóm nhạc theo nhiều concept đa dạng, vũ đạo đồng đều vốn là thể loại được Nhật Bản “nắm trùm” toàn châu Á và một số quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, K-Pop đã vươn lên thống trị và lấn sân sang cả thị trường âm nhạc của xứ sở Phù Tang. Thậm chí, trong 10 năm gần nhất, K-Pop đã có chỗ đứng vững chắc trên thế giới.
Cục trưởng Cục Văn hóa Nhật Bản, ông Shunichi Tokura từng nói rằng: “Hiện tại, Hàn Quốc đang dẫn đầu trong ngành âm nhạc khu vực. Thời điểm khi nhóm ca sĩ thần tượng TVXQ ra mắt, ngành công nghiệp idol của Nhật Bản còn ở vị thế đi trước Hàn Quốc một chút, nhưng giờ đây chúng tôi đã nhanh chóng bị vượt qua”.
K-Pop cũng đang vươn xa và có sức ảnh hưởng mạnh ở phương Tây. Trong cuộc gặp mặt tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Joe Biden cho biết bản thân là người hâm mộ lớn của ngành công nghiệp âm nhạc K-pop, đặc biệt là với các nghệ sĩ BTS và BLACKPINK
Ước tính, K-Pop đem về cho Hàn Quốc hàng tỷ USD mỗi năm. Riêng nhóm nhạc BTS đã đóng góp 4,5 tỷ USD trong năm 2019. Sức “in tiền” của ngành công nghiệp này đang được cho là ngang tầm với các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai hay LG.
“Gà đẻ trứng vàng” đem về lợi nhuận khủng
Ngành công nghiệp tỷ đô thu về số tiền khổng lồ như vậy là nhờ rất nhiều ‘gà đẻ trứng vàng’. Theo thông tin mới nhất, vào năm 2021, khi Jisoo – nữ idol của nhóm nhạc BLACKPINK trở thành đại sứ toàn cầu của thời trang và mỹ phẩm Dior, doanh thu của nhãn hiệu này đã tăng lên gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính vào thời điểm đó, Dior ghi nhận mức tăng lợi nhuận từ 104,6 tỷ won (hơn 1.880 tỷ đồng) lên 211,5 tỷ won (hơn 3.802 tỷ đồng).
Jisoo BLACKPINK trở thành đại sứ toàn cầu của thời trang và mỹ phẩm Dior giúp doanh thu của nhãn hiệu này tăng lên gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo khảo sát, phụ nữ ở độ tuổi 20 – 30 tại Hàn Quốc lựa chọn sản phẩm của Dior là nhờ Jisoo. Ngay sau đó thương hiệu cũng đã lên kế hoạch để tăng giá sản phẩm lên khoảng 5% để nâng cao lợi nhuận.
Chưa hết, theo dữ liệu do trang Launchmetrics cung cấp, nữ idol có giá trị tác động đến truyền thông khoảng 7,2 triệu USD (hơn 167 tỷ đồng) nếu mỗi bài đăng trên cá nhân đạt 1.152 lượt truy cập. Cũng nhờ thế, khi Jisoo xuất hiện với cương vị đại diện Dior và đăng bài vào tuần lễ thời trang Paris Fashion Week 2022, Dior đã đứng đầu bảng xếp hạng thương hiệu.
Hay BTS, nhóm nhạc thần tượng K-Pop nổi tiếng bậc nhất đã giúp McDonald’s tăng 41% doanh số bán hàng toàn cầu sau khi phát hành chương trình BTS Meal (phần ăn của BTS). Hay bộ sưu tập mới của thương hiệu thời trang Louis Vuitton do BTS giới thiệu cũng “cháy hàng” chỉ sau một giờ bày bán.
Các bậc phụ huynh “khốn khổ’
Sức ảnh hưởng lớn, đem về doanh thu khủng, đóng góp nhiều cho nền kinh tế quốc gia nhưng K-Pop cũng là nguồn cơn “táng gia bại sản” của nhiều gia đình tại Hàn Quốc.
Thời gian gần đây, trang Sports Seoul đưa tin rằng nhiều bậc phụ huynh tuổi trung niên tại xứ sở kim chi đang “lo sốt vó” khi các thần tượng Kpop, đặc biệt là idol tuổi teen đang trở thành đại sứ của các thương hiệu cao cấp.
Một ông bố có con gái đang học cấp hai đã nói rằng: “Con gái tôi là fan của Hyein (nhóm nhạc nữ New Jeans). Nữ thần tượng này mới chỉ 15 tuổi nhưng đã trở thành đại sứ của thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton. Vì thế, con gái tôi đã đòi tôi mua một chiếc ví của thương hiệu này. Tôi không biết có nên mua hay không, nhiều bạn bè đồng trang lứa của con tôi đều đang xài hàng hiệu theo các thần tượng”.
Ví của Louis Vuitton
Trước đây, các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Louis Vuitton, Dior thường mời các ngôi sao phương Tây làm đại sứ, ví dụ như Charlize Theron, Natalie Portman, Robert Pattinson hay Lily Rose Depp. Nhưng hiện tại, những vị trí đó đã dần có sự xuất hiện của các thần tượng K-Pop.
“Idol K-Pop là những nghệ sĩ toàn diện. Họ là con át chủ bài của ngành tiếp thị hiện đại. Họ có thể tiếp cận khán giả ở rất nhiều quốc gia trên tất cả các nền tảng khác nhau”, Avery Booker, giám đốc điều hành tại Content Commerce Insider cho biết.
Điều này đang khiến nhiều gia đình, chủ yếu là bố mẹ từ 35-40 tuổi trở lên phải cho con cái một số tiền khổng lồ để con “theo đuổi” thần tượng. Điều này đã gây áp lực tới công việc của họ. Theo thông tin từ Bloomberg News, mức tiêu thụ hàng xa xỉ tính theo đầu người của Hàn Quốc đang cao nhất thế giới. Các yếu tố tạo ra nhu cầu này ở giới trẻ, bao gồm độ lan truyền của các mạng xã hội và sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng trong đó có các idol K-Pop.
Tuy nhiên, không chỉ là mua hàng hiệu, nhiều bạn trẻ còn mua các xa xỉ phẩm để tặng cho thần tượng. Ví dụ, để mừng sinh nhật 20 tuổi của nam thần tượng Jungkook (BTS), một người hâm mộ đã tặng anh chiếc đồng hồ Rolex có giá 530 triệu.
Nam ca sĩ thần tượng Mingyu (SEVENTEEN) cũng đã nhận được một bộ sưu tập hàng hiệu đến từ Dolce & Gabbana, Saint Laurent và Louis Vuitton trong dịp sinh nhật lần thứ 20 của mình.
Theo một số báo cáo tổng hợp, các fans K-Pop chịu chi không chỉ đến từ Hàn Quốc mà còn đến từ nhiều nước trên thế giới. Một số người hâm mộ còn rất trẻ tuổi, chính bởi vậy số tiền “chi” cho idol thường đến từ gia đình khiến nhiều phụ huynh “khốn đốn”.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận K-Pop đã đưa hình ảnh Hàn Quốc tới gần hơn với thế giới và là một trong những ngành công nghiệp hàng đầu của xứ sở kim chi.
Tổng hợp
Kiếm 15 tỷ đồng/năm: Ai cũng làm được nếu có cỗ máy ‘nghiền vật ra tiền’ này
Thùy Trang
Nhịp sống thị trường