Cơ hội đến với gạo xuất khẩu của Việt Nam nhờ…Ấn Độ

Xuất khẩu từ Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – giảm sẽ tạo cơ hội cho những nước xuất khẩu lớn khác như Việt Nam, Thái Lan và Campuchia tăng thị phần trên thị trường thế giới.

“Gạo các nước khác rẻ hơn so với Ấn Độ khiến xuất khẩu của Ấn Độ giảm sút”, Nitin Gupta, giám đốc kinh doanh của Olam India cho biết.

Ấn Độ đang chào bán gạo đồ 5% tấm với giá khoảng 407-410 USD/tấn, FOB Kakinada (bờ biển phía Đông Ấn Độ), trong khi đó Thái Lan chào bán gạo cùng loại giá chỉ 376-382 USD/tấn, còn Việt Nam chào giá 395-405 USD/tấn.

“Do rupee mạnh lên so với USD, chúng tôi không thể hạ giá gạo về mức như gạo Thái Lan hay Việt Nam”, ông Adishankar, giám đốc điều hành của công ty xuất khẩu lớn Sri Lalitha ở Kakinada cho biết.

Đồng rupee đã tăng hơn 6,5% giá trị so với USD kể từ đầu năm 2017 tới nay, hiện ở mức cao nhất hơn 2 năm, buộc các nhà xuất khẩu Ấn Độ phải nâng giá hàng xuất khẩu khi quy đổi ra USD để bù đắp chi phí mua hàng và những chi phí khác.

Những khách hàng chính của Ấn Độ ở châu Phi như Benin, Senegal và Guinea không chấp nhận mua với mức giá hiện tại.

Tháng trước, giá gạo Ấn Độ cao là nguyên nhân khiến Bangladesh dừng một hợp đồng liên chính phủ, mặc dù Bangladesh rất cần nhập khẩu thêm gạo lúc này để làm đầy kho dự trữ đang cạn kiệt vì đợt lũ lụt hồi tháng 4. Sau khi từ bỏ hợp đồng với Ấn Độ, Bangladesh chuyển hướng sang tìm những nguồn cung khác, và đã đồng ý mua 1 triệu tấn gạo Campuchia.

Trong khi đó, giá lúa trên thị trường nội địa Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng vì hầu hết lượng cung từ vụ Đông đã được tiêu thụ hết.

“Cho tới khi thu hoạch vụ Hè – từ tháng 10 tới, nguồn cung lúa sẽ tiếp tục khan hiếm”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada cho biết.

Nông dân Ấn Độ đã trồng 28 triệu ha lúa tính tới 4/8, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, song lượng mưa giảm ở các bang miền Nam làm gia tăng lo ngại về sản lượng vụ này.

“Nếu giá gạo Ấn Độ giảm thì từ tháng 10 tới Giáng sinh chúng tôi có thể nhận được hợp đồng từ các nước Tây Phi”, ông Gupta của Olam India cho biết. Theo ông, “Giá cần phải giảm tiếp từ 10 đến 15 USD/tấn mới có thể cạnh tranh được”.

Việc nước láng giềng Bangladesh – năm nay nổi lên thành thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới – tiếp tục hạ thuế nhập khẩu gạo từ 10% xuống 2% sẽ tạo cơ hội để Ấn Độ xuất khẩu gạo cho các thương gia Bangladesh. Tuy nhiên, nguồn cung đang khan hiếm nên các nhà xuất khẩu Ấn Độ khó có thể tận dụng triệt để được cơ hội này.

Bài viết mới