Honda là cái tên đình đám, nổi tiếng vì luôn cung cấp những sản phẩm kỹ thuật xuất sắc. Đây cũng là một trong số ít công ty sẵn sàng bỏ công sức, thời gian để thực hiện những điều đúng đắn nhất. Ví dụ như, hãng Honda đã dành ra tới cả chục năm trời để hoàn thiện thế hệ thứ hai của siêu xe Acura NSX – chiếc xe đã dành danh hiệu xe của năm 2016 do Business Insider bình chọn.
Đương nhiên vì vậy, sẽ chẳng ai lấy làm ngạc nhiên khi biết Honda đã mất tận 30 năm để chiếc máy bay đầu tiên mang thương hiệu Honda có thể cất cánh trên bầu trời. Năm 1986, Michimasa Fujino kỹ sư trưởng của phòng chế tạo hàng không của Honda cùng đồng nghiệp đã bắt đầu những bước đầu tiên trong tham vọng chinh phục ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Đây cũng là dự án lớn cuối cùng mà ông Soichiro Honda, người thành lập công ty Honda khởi xướng trước khi qua đời vào năm 1991. Ông Soichiro Honda là người đặc biệt đam mê ngành hàng không.
Năm 2006, tập đoàn Honda Aircraft được thành lập và Michimasa Fujino được chỉ định làm giám đốc điều hành để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, phát triển và bán chiếc HondaJet trị giá 4.5 triệu USD.
Michimasa Fujino từng chia sẻ trên website của công ty: “Sức mạnh của những giấc mơ vừa là động lực và cũng là triết lý chúng tôi theo đuổi tại công ty Honda. Và giờ đây, Honda vinh dự được mang tới cho các bạn sản phẩm đỉnh cao về hiệu suất kỹ thuật”. Ông đánh giá chiếc máy bay phản lực này là: “Máy bay phản lực nhẹ và tiên tiến nhất thế giới”.
Dưới đây là cái nhìn cận cảnh về chiếc HondaJet trong buổi bay thử nghiệm tại sân bay Morristown ở New Jersey.
Chúng tôi tới sân bay Morristown vào một buổi sáng mùa thu và thấy chiếc HondaJet đỏ rực chỉ nằm cách trực thăng của Tổng thống Donald Trump một chút.
Nhìn tổng quan, HondaJet dài 12.99 m và cao 4.54m với sải cánh dài 12.12m.
Đối thủ của HondaJet gồm có Cessna Citation M2 và Embraer Phenom 100.
HondaJet được chế tạo ở trụ sở của Honda Aircraft tại Greensboro, North Carolina.
Bạn sẽ cảm nhận thấy HondaJet không hề giống với những chiếc phản lực thường gặp. Thiết kế độc đáo ở phần cánh và mũi máy bay giúp tăng hiệu suất của HondaJet một cách đáng kể.
Theo Michimasa Fujino, phần mũi của máy bay được lấy cảm hứng từ đôi giày cao gót Salvatore Ferragamo mà anh nhìn thấy ở một cửa hàng miễn thuế khi đi nghỉ ở Hawaii.
HondaJet sử dụng động cơ turbofan General Electric Honda HF120 có khả năng tạo lực đẩy lên tới 9.1kN.
Tuy nhiên nó không được trang bị hệ thống VTEC (VTEC là viết tắt của Variable valve Timing and lift Electronic Control, là hệ thống điều khiển van biến thiên nhằm tối ưu hóa hiệu quả của động cơ bằng cách điều khiển các thông số của van nạp, xả hoặc cả hai sao cho hòa khí đi vào buồng đốt hay khí xả đi ra một cách thích hợp nhất).
Khoang hành khách của HondaJet dài 5,43 m và có một nhà vệ sinh khép kín. Cabin bán nguyệt có chiều dài 3,69 m, rộng 1,52 m và cao 1,46 m. Dĩ nhiên một người trưởng thành sẽ không thể đứng thẳng ở trong đây.
HondaJet có một “kho chứa hàng” ở phía sau.
Một trong những điểm độc đáo của HondaJet chính là việc nó chỉ cần có một phi công để vận hành. HondaJet có thể đạt tới độ cao hơn 1000m chỉ sau 1 phút.
Mặc dù không yên tĩnh và rộng rãi như Embraer Legacy 500, bạn vẫn có thể trò chuyện bình thường trong cabin của HondaJet mà không cần phải cất cao giọng.
Hệ thống bay trực quan được sắp xếp khá gọn mắt trên màn hình cảm ứng.
HondaJet được đưa vào sản xuất vào năm 2015 và đặt mục tiêu sản xuất mỗi tuần một chiếc máy bay, hiện tại các đơn hàng đã được xếp kín tới tận cuối năm 2018.