Việt Nam chúng ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.
Truyền thống ấy cũng nhằm phản ánh một thực tế, rằng sẽ chẳng một nền giáo dục nào có thể phát triển nếu như không coi trọng những người đứng ra đào tạo tương lai của đất nước.
Lá cờ nước Phần Lan.
Phần Lan – cũng giống như rất nhiều quốc gia khác – thấm nhuần tư tưởng này. Tuy nhiên nếu có dịp được trải nghiệm lớp học của Phần Lan, bạn sẽ có cảm giác thực sự khác biệt.
Không phải theo hướng tiêu cực, mà vì Phần Lan đã biến nền giáo dục của họ trở thành một thứ gì đó rất đáng ghen tị đối với cả thế giới.
Nhà giáo tại Phần Lan – ngành nghề được coi trọng một cách khó tin
Nếu đến Phần Lan, bạn đã đến một quốc gia coi dạy học là một điều cao quý và thiêng liêng nhất. Đội ngũ giáo viên tại đây luôn thuộc top đầu thế giới trong danh sách PISA (chương trình đánh giá học viên quốc tế) kể từ khi được công bố vào năm 2001. Từ đó kéo theo làn sóng du học sinh từ rất nhiều quốc gia đến Phần Lan để được trải nghiệm nền giáo dục tại đây.
Cơn bão khủng hoảng kinh tế quét qua Phần Lan như mọi quốc gia châu Âu khác, và tất nhiên cũng gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các trường học. Tuy nhiên, điều này chẳng có tác động gì đến chất lượng giáo viên tại đây, khi chỉ 7% đơn ứng tuyển ngành sư phạm được chấp nhận.
Để được bước vào giảng đường ngành sư phạm là cực khó
Để duy trì một đội ngũ giáo viên chất lượng cao, tất cả giáo viên đều phải có bằng thạc sĩ hoặc cử nhân top đầu. Trong đó, giáo viên hoặc nhân viên thuộc các trung tâm giữ trẻ (day-care centre) đã đòi hỏi ít nhất phải có bằng cử nhân. Còn đối với giáo viên từ bậc mẫu giáo, bắt buộc phải có bằng thạc sĩ.
Lý do có tỷ lệ chọi khủng khiếp này được giải thích như sau: “Bản chất của hệ thống đào tạo giáo viên là học viên phải học và học, trong khi các chính trị gia thì thoải mái với vấn đề này vì Phần Lan tiếp tục sản sinh ra một đội ngũ giảng viên chất lượng.” – Trích lời Leena Krokfors, giáo sư ngành giảng dạy tại ĐH Helsinki.
Krokfors cho biết, nền tảng của đào tạo giảng viên trình độ cao là trao cho những giáo viên trẻ cơ hội lựa chọn phương pháp giảng dạy tốt nhất cho lớp học của mình. Giáo viên có thể không giao bài tập, ít kiểm tra bài học sinh – miễn sao đó là phương pháp giảng dạy tối ưu cho học sinh mình.
Điều này gần như trái ngược với những gì cô được trải nghiệm ở Anh Quốc, như “ở giữa mức hướng dẫn và cho học sinh làm bài kiểm tra vậy.”
Ở Phần Lan, giảng viên cũng không phải chịu những bài test chất lượng thường niên. Mọi cuộc thanh tra bất chợt từ chính phủ đã bị hủy bỏ từ những năm 1990.
Nhiều người đến đây sẽ đặt câu hỏi, tự do như vậy thì làm sao quốc gia này đảm bảo được chất lượng giảng dạy của giáo viên? Krokfors trả lời: “Các giáo viên phải trải qua quá trình đào tạo rất gắt gao, và họ biết cách sử dụng đúng cách sự tự do mình đang được hưởng, bằng việc nghiên cứu và cống hiến cho kiến thức.”
“Điều quan trọng nhất để trở thành giáo viên là khả năng đưa ra quyết định và các phán đoán về mặt sư phạm.”
Giáo viên đào sâu nghiên cứu, từ đó đòi hỏi học sinh có kỹ năng tương tự
Sự tự do này ở các quốc gia khác là không có. Như tại Anh Quốc, một số trường học tư thục có thể thuê bất kỳ ai về dạy, ngay cả khi họ không đủ tiêu chuẩn. Chính vì vậy, có một đội thanh tra từ chính phủ được lập ra để kiểm soát tình trạng này.
Đào tạo tận gốc để hướng đến một mục tiêu xa hơn
Với một quốc gia nhỏ bé, trọng nông nghiệp và còn đang khá nghèo như Phần Lan, giáo dục thế hệ tương lai chính là phương pháp tốt nhất để đuổi kịp các nước phát triển. Đây là quan điểm của Pasi Sahlberg – một giảng viên người Phần Lan đang áp dụng những phương pháp của quốc gia mình khi giảng dạy tại Harvard.
Trong giai đoạn những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, trường học tại Phần Lan bị kiểm soát chặt chẽ bởi chính phủ, từ chương trình học, thời khóa biểu đến những quy tắc chung. Nhưng đến đầu thập niên 90, mọi chuyện chuyển thành việc bằng cách nào tạo ra một nền giáo dục dựa trên sự tin tưởng.
Chính phủ tin vào trường học, tin vào tính chuyên nghiệp và khả năng tự chủ. Các trường học trở nên độc lập về mặt đưa ra kế hoạch và đánh giá học sinh, trong khi những cuộc thanh tra từ chính phủ (như đã nêu) thì được hủy bỏ. Giáo viên từ thời điểm đó cần trải qua những đào tạo trình độ cao, và được đối xử như những chuyên gia.
Và không chỉ giảng viên, mà giáo viên bậc tiểu học cũng cần có bằng thạc sĩ, và phải luôn hướng đến việc phải tự mình đào sâu nghiên cứu trong mọi vấn đề.
“Chúng tôi muốn tạo ra những giáo viên thực sự có tâm. Nhiệm vụ là khiến những người luôn tự cho rằng mình biết mọi điều về giảng dạy phải suy nghĩ lại” – trích lời Patrik Scheinin, trưởng khoa giảng dạy ĐH Helsinki.
“Không thể vì việc bạn đã làm đi làm lại một việc trong 20 năm và việc đó tốt cho bạn mà nó phù hợp với những người khác.”
Và “trái ngọt” – đội ngũ giảng viên tốt nhất thế giới
Đối với Olli Mättää – một giáo viên thể chất, việc Phần Lan luôn lọt top đầu trong thang đánh giá PISA không phải là mục tiêu đặt ra, mà là thành quả tất yếu của một quá trình cố gắng.
“Khi nhận được kết quả, chúng tôi tự hỏi chẳng lẽ giáo viên nơi khác tệ thế sao?” – Mättää thẳng thắn chia sẻ.
Điều này chứng tỏ, Phần Lan đã làm rất tốt so với những gì họ có từ năm 1970.
Đánh giá xếp hạng chất lượng giáo viên của Global Teacher Status. Phần Lan đứng thứ 2!
Một số nhà giáo dục cho rằng yếu tố giúp Phần Lan có được thành quả ngày nay một phần là vì dân số khá nhỏ, sự phát triển muộn của xã hội, và sự tôn trọng những giá trị bình đẳng. Nhưng trên hết, quyết định cải tổ toàn bộ hệ thống giảng dạy đã giúp quốc gia này gặt hái trái ngọt.
“Giáo viên tại Phần Lan là một ngành nghề độc lập và được tôn trọng vì đã giúp cho cuộc sống của con trẻ trở nên khác biệt.”
Nguồn: Guardian, BBC