Cơ chế nào cho “siêu Ủy ban” quản lý 5 triệu tỉ đồng?

Xin ông cho biết ý kiến của mình về việc thành lập Ủy ban?

Số vốn tài sản nhà nước rất lớn trên đang nằm phân tán, rải rác ở các DN, các tập đoàn do các bộ, ban, ngành, địa phương quản lý. Việc sử dụng nguồn lực này hiện nay thực sự không hiệu quả. Không những thế còn để xảy ra những tiêu cực, thất thoát, lãng phí lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Chúng ta cũng có những chủ trương liên quan tới CPH DNNN, thoái vốn tại các DNNN, nhưng tốc độ rất chậm và cũng có nhiều tiêu cực. Tôi cho rằng chủ trương thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước là giải pháp cấp bách, đồng thời cũng là một hình thức để chúng ta thực hiện việc chuyển đổi các DNNN hiệu quả nhất.

Khi thành lập Ủy ban này sẽ có nhiều tác động tích cực. Đầu tiên, chúng ta tách được vai trò “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của các bộ, ngành – là những người ra chính sách, thực thi vai trò quản lý ngành, từ đó bịt lại các kẽ hở trong chuyện quản lý không chặt chẽ, triệt tiêu lợi ích nhóm giữa người quản lý với người thực hiện vai trò kinh doanh.

Thứ hai, quan trọng hơn đó là tạo ra được một cơ chế bình đẳng giữa các DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau cùng hoạt động trong một hay nhiều lĩnh vực. Khi các bộ ngành chỉ thực thi chính sách quản lý chung, “sân chơi” sẽ bình đẳng hơn cho tất cả các DN. Điều đó tạo ra sự minh bạch cho môi trường kinh doanh.

Thứ ba, tập trung tất cả nguồn lực về một nơi quản lý thống nhất, sẽ có được cái nhìn tổng thể về vốn và tài sản nhà nước hiện đang phân bổ ở các DN, các ngành, các lĩnh vực khác nhau. Khi nhìn thấy tổng nguồn lực như thế sẽ có được kế hoạch, lộ trình, phương án làm sao để phân bổ, sử dụng nguồn lực này tốt nhất. Đặc biệt trong bối cảnh thúc đẩy mạnh CPH – thoái vốn tại các DNNN, việc này giúp chúng ta xác định rõ nên thoái vốn ở đâu trước, thoái như thế nào, thoái bao nhiêu… để thị trường đón nhận tốt hơn. Sau đó, có thể xác định được DN nào, cổ phần nào tiếp tục đưa ra với số lượng bao nhiêu… để đảm bảo hiệu quả nhà nước thu về cao nhất.

Nhiều người vẫn băn khoăn về các nguy cơ khi Ủy ban này thành lập. Tôi cho rằng những băn khoăn ấy cũng có cơ sở bởi trước đây, những DN vốn nhà nước nằm trong một bộ, ngành đã tạo ra một tập đoàn rất lớn rồi, bây giờ tất cả những tài sản đó tập trung lại cho một cơ quan quản lý thì lượng vốn tài sản ấy còn lớn hơn gấp nhiều lần. Nguy cơ xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và để lại hậu quả có khi còn lớn hơn. Ngoài ra, khi quản lý một “siêu ủy ban” như thế, rất dễ sinh ra quyền lực cá nhân để thực hiện những việc tiêu cực.

Thứ hai, rủi ro mang tính khách quan, các DNNN hiện nay đang nằm ở nhiều lĩnh vực khác nhau mà mỗi bộ ngành chuyên sâu về lĩnh vực đó thì sẽ kiểm soát tốt hơn. Giờ tất cả những DN này tập trung về một đầu mối mà không chuyên sâu lĩnh vực nào thì làm sao quản lý được? Từ đó có nguy cơ ra quyết định không phù hợp dẫn tới hoạt động không có hiệu quả; hoặc không quản được gì dẫn tới buông bỏ, mặc các DN tự tung tự tác. Yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại chính là có phát huy được những ưu điểm và khắc phục được những nguy cơ này hay không phụ thuộc rất lớn vào cơ chế tổ chức, quản lý, vận hành Ủy ban này như thế nào.

Vậy theo ông Ủy ban này cần đóng vai trò như thế nào?

Cá nhân tôi cho rằng Ủy ban này không thể đóng vai trò như các bộ hay các tập đoàn, tổng công ty trước đây. Nghĩa là tất cả các tập đoàn, DN đã được gom vào vẫn phải thực hiện kinh doanh bình thường như chức năng của nó. Đó là nhận vốn nhà nước, chịu trách nhiệm và nghĩa vụ hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực của mình với các cơ chế tự quyết, tự chủ cụ thể. Như vậy là hoạt động kinh doanh mang tính chất chuyên ngành, chuyên sâu thì Ủy ban không can thiệp vào mà phải để chính DN, tập đoàn đó phải tự chịu trách nhiệm.

Vậy thì Ủy ban cần phải làm nhiệm vụ gì, thưa ông?

Ủy ban này phải thay mặt Chính phủ kiểm soát các hoạt động của các DN trực thuộc xem có tuân thủ các quy định pháp luật hay không. Quan trọng hơn là có đảm bảo bảo toàn được vốn và tài sản nhà nước, có thực hiện đầu tư vào các dự án có nguy cơ xảy ra thất thoát, hoặc thậm chí để xảy ra tiêu cực hay không? Như vậy Ủy ban tuy không quyết định các hoạt động kinh doanh, nhưng tất cả các hoạt động kinh doanh đều phải được công khai minh bạch để Ủy ban theo dõi, giám sát. Nếu các đơn vị trực thuộc có một hoạt động có nguy cơ làm thất thoát, tổn hại tài sản nhà nước thì Ủy ban phải ngay lập tức can thiệp. Nếu làm được như vậy thì vai trò kinh doanh của các tập đoàn, DN vẫn có mà vẫn được kiểm soát chặt chẽ.

Đồng thời, Ủy ban phải nhìn được tổng thể nguồn lực, xây dựng chiến lược, lộ trình để tổ chức hoạt động cho các DN này; xác định cụ thể đơn vị nào cần tiếp tục giữ lại, đơn vị nào cần thoái vốn ngay hay đơn vị nào cần tiếp tục nuôi dưỡng để có kế hoạch chủ động thoái vốn, và thu hồi hiệu quả giá trị tiền vốn thu về. Đồng nghĩa với việc Ủy ban phải xây dựng được một đề án, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc triển khai thực hiện đề án này. Hàng năm, Chính phủ cũng cần kiểm tra xem Ủy ban đã thực hiện đề án này ra sao, hiệu quả như thế nào.

Tôi cho rằng cần phải thiết kế một cơ chế vận hành, quy định chức năng nhiệm vụ, cơ chế vận động để giám sát hoạt động của Ủy ban có đúng chức năng, nhiệm vụ hay không. Cơ chế giám sát này biểu hiện ở việc nhiệm vụ của Ủy ban phải làm gì, đảm bảo không để xảy ra thất thoát, làm sai ở các đơn vị trực thuộc. Nếu hoạt động kiểm tra, giám sát của Ủy ban này không tốt, rất có thể dẫn tới tình trạng DN để xảy ra thất thoát mà không biết, khi ấy, trách nhiệm của Ủy ban này phải có.

Trong số các đơn vị thuộc Ủy ban này còn có cả Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), theo ông cơ chế hoạt động của SCIC khi đó cần phải ra sao?

PGS.TS Hoàng Văn Cường: Khi SCIC thuộc Ủy ban thì cũng đóng vai trò như một tập đoàn, DN kinh doanh theo lĩnh vực chuyên môn, còn SCIC thì coi như một DN kinh doanh về lĩnh vực vốn. SCIC khi ấy phải chịu trách nhiệm kinh doanh giống như một ngân hàng tuy không có chức năng như một ngân hàng. Việc thoái vốn, CPH DN thuộc Ủy ban, khi thu tiền về có thể nộp một phần về ngân sách nhà nước, một phần giao cho SCIC thực hiện nhiệm vụ kinh doanh để đồng vốn đó sinh lời trong chiến lược đầu tư cho các DN do Ủy ban quản lý, nếu để thất thoát thì lại phải chịu trách nhiệm.

Việc thành lập Ủy ban có lẽ sẽ có những bộ, ngành không mong muốn, “không vui vẻ” gì khi chuyển giao các tập đoàn, DN. Theo ông, điều này có đang lo ngại hay không?

Hiện tại những tập đoàn, DN này đang là những cơ sở tạo ra những tiềm lực kinh tế cho các bộ, ngành. Nay phải chuyển giao thì các tiềm lực kinh tế ấy không còn nữa. Như vậy sẽ xảy ra xung đột về mặt lợi ích. Nhưng trên lợi ích tổng thể và ngăn chặn các nguy cơ xảy ra thất thoát, lãng phí, kinh doanh kém hiệu quả… thì chúng ta phải quyết tâm làm việc này.

Điều tôi cho rằng đáng lo ngại, là khi chuyển giao thì các chính sách được ban ngành của các bộ, ngành đối với hoạt động kinh doanh có tạo thuận lợi cho các DN hay là gây khó khăn cho DN. Đồng thời, khó khăn có thể xảy ra ở quá trình chuyển giao bởi những yếu tố rất khó rạch ròi. Ví dụ như những đơn vị từ trước tới nay được hưởng nguồn phương tiện, tài sản từ ngân sách nhà nước, khi chuyển giao các DN này cho Ủy ban, thì những tài sản, phương tiện đó sẽ đi theo các DN này hay là các bộ, ngành sẽ giữ lại, còn đơn thuần đưa phần khó khăn nhất về cho Ủy ban quản lý. Nhưng nếu chúng ta làm tốt việc quản lý vốn, tài sản nhà nước theo quy định pháp luật hiện nay thì tôi cho rằng việc đó cũng không phải quá đáng lo ngại.

Xin cảm ơn ông!

“Siêu ủy ban” quản lý vốn Nhà nước đã được chuẩn bị đến đâu?

Bài viết mới