Ngày 24-11, nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được Quốc hội (QH) thông qua với đa số tuyệt đối. Điểm đáng chú ý là nghị quyết cho phép TP.HCM thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; tăng một số loại phí, lệ phí cũng như đề ra một số loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục…
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, khẳng định: “Điều này không phải để tăng ngân sách cho TP mà là để TP chủ động hơn trong quản lý”.
Thuế, phí trở thành công cụ điều tiết
. Phóng viên: Thưa bà, nếu tăng thuế, phí như nghị quyết thì mục tiêu cần đạt được cụ thể là gì?
+ Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: TP.HCM nếu muốn phát triển một ngành nào đó, hạn chế một ngành nào đó thì không thể dùng quy định hành chính để cấm, vì như vậy sẽ vi phạm quyền tự do kinh doanh. Thay vào đó, TP sẽ dùng thuế, phí như công cụ kinh tế để điều tiết.
Chẳng hạn TP có cần phát triển quán bar hay không? Cần thiết cho hội nhập và quyền giải trí của người dân nhưng phát triển đến mức độ nào thì phải cân nhắc bởi đây là hoạt động không phải phổ biến. Vậy khu vực nào phát triển, khu vực nào hạn chế phát triển thì phải dùng công cụ kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (bìa phải) và các đại biểu QH bấm nút thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Ảnh: CHÂN LUẬN
Hoặc TP khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn nhưng không thể cấm phương tiện cá nhân bởi nếu thế sẽ vi phạm quyền sở hữu tài sản của người dân. Vậy TP phải tăng phí nhằm đảm bảo cân đối lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.
Như vậy, phí và lệ phí ở đây là công cụ kinh tế để điều tiết và cân bằng lợi ích cũng như phát triển hài hòa.
. Vậy phải làm sao để người dân và doanh nghiệp (DN) yên tâm và tin tưởng rằng việc tăng thuế, phí như nghị quyết cho phép là vì lợi ích chung, thưa bà?
+ Chắc chắn rằng TP sẽ biết sử dụng việc tăng phí và lệ phí thế nào cho đạt yêu cầu này. HĐND TP sẽ lắng nghe ý kiến của người dân chứ không bất chấp lợi ích của người dân.
Khi đề xuất vấn đề phí và lệ phí như trong nghị quyết, không phải là TP lạm thu mà là dùng nó như một công cụ để điều tiết, tác động, đảm bảo quản lý xã hội của Nhà nước hợp lý hơn, phục vụ tốt hơn lợi ích của người dân TP.
Nhân dân chính là chỗ dựa vững chắc nhất
Tôi muốn nói với đồng bào TP.HCM rằng: Đề xuất tăng phí, lệ phí, thuế mục tiêu chính không phải là để tăng ngân sách mà là để tạo ra một công cụ hữu hiệu điều tiết kinh tế, điều tiết mục tiêu phát triển bền vững của TP.
Những gì có tác động lớn đến đời sống thì chính quyền TP sẽ lấy ý kiến người dân. Chính quyền TP sẽ phát huy tối đa ý chí, nguyện vọng của nhân dân, trong đó có đội ngũ chuyên gia, trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước. TP không chỉ là HĐND và UBND mà còn có hậu phương vững chắc là nhân dân, những người đã bầu ra mình.
TP có kinh nghiệm gần 10 năm không tổ chức HĐND ở các quận, huyện, xã, phường. Nhưng những quyết định của chính quyền đều dựa vào dân, lắng nghe dân, phát huy quyền làm chủ của người dân. Bởi vậy, ngoài những khung khổ pháp luật thì ý chí và nguyện vọng của người dân là nền tảng vững chắc cho mọi quyết định của chính quyền TP.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM
TP cũng có quyền giảm thuế, phí
. Khi nghị quyết có hiệu lực thì các loại thuế, phí như nghị quyết cho phép sẽ được áp dụng ngay không, thưa bà?
+ Không phải! Tất cả phải có lộ trình và còn phải xem xét những loại thuế, phí đó được quy định trong luật như thế nào. Chẳng hạn TP có thể không khuyến khích người dân dùng nhiều rượu, bia, hút nhiều thuốc lá. Điều này cũng có luật quy định rồi. Nhưng cách thức điều chỉnh của luật đang cào bằng và áp dụng chung cho các địa phương.
TP dù được phân cấp, phân quyền như trong nghị quyết nhưng TP sẽ hỏi ý kiến người dân để tăng phí, thuế ở mức nào.
Mặt khác, TP cũng có quyền giảm các loại thuế, phí. Chẳng hạn khi TP khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thì phải rà soát lại xem phương tiện công cộng đang phải chịu những loại phí nào, liệu có giảm được không. Hoặc với những bãi đỗ xe thì cũng phải có chỗ ưu tiên, chỗ hạn chế và phí, lệ phí cũng sẽ được dùng để làm công cụ điều tiết.
.Tức là tăng, giảm thuế hay phí, lệ phí như nghị quyết cho phép cũng là vì lợi ích của người dân?
+ Đúng vậy, tăng hay giảm thuế, phí cũng đều phục vụ cho nhu cầu phát triển của TP, để đời sống vật chất, tinh thần, môi trường, xã hội tốt lên. Chẳng hạn nếu một DN sản xuất, kinh doanh một ngành ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân thì có thể thuế, phí sẽ phải tăng lên để DN có ý thức bảo vệ môi trường.
TP đề xuất gì cũng đều nhằm mục đích để môi trường đầu tư, môi trường sống của TP tốt lên, lành mạnh hơn và quan tâm đời sống người dân nhiều hơn.
. Xin cám ơn bà.
Dáng dấp chính quyền đô thị định hình
. Phóng viên: Nhiều ĐB cho rằng nếu không có chính quyền đô thị (CQĐT) thì TP.HCM rất khó thực hiện tốt nghị quyết này?
+Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: CQĐT là một đề án lớn được Bộ Chính trị giao cho TP.HCM chuẩn bị. Khi đề án này được chuẩn bị cũng là lúc Hiến pháp 2013 được thông qua với nhiều bổ sung, chỉnh sửa. Sau đó, Luật Chính quyền địa phương cũng được thông qua và có tiếp thu nhiều nội dung của đề án này.
Trong nghị quyết lần này, nhiều vấn đề, nội dung cũng được tiếp thu từ đề án CQĐT. Chẳng hạn vấn đề tài chính ngân sách, vấn đề bộ máy và thẩm quyền của chính quyền TP được ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật.
. Cụ thể hơn là gì, thưa bà?
+ Về quản lý tài chính ngân sách chẳng hạn. Điều 5 của nghị quyết có 11 điểm, trong đó cho HĐND TP được quyền phân bổ ngân sách mà QH đã quyết định sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của TP.
Chính quyền TP cũng được chủ động tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức với điều kiện năng suất lao động tăng lên, ngân sách TP đáp ứng được. Chính quyền TP cũng được chủ động tinh gọn bộ máy phù hợp với quá trình phát triển; quyết định những dự án nhóm A từ ngân sách TP… Đó là những nội dung cơ bản trong đề án CQĐT.