Về mặt kĩ thuật, Việt Nam được Morgan Stanley Capital International (MSCI) xếp Việt Nam vào danh mục thị trường cận biên. Tuy nhiên, tổ chức này cũng đánh giá Việt Nam đang cố gắng mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường trong nước cho các nhà đầu tư nước ngoài để phấn đấu trở thành một thị trường mới nổi.
Bên cạnh khuyến khích các doanh nghiệp trong nước cập nhật thông tin bằng tiếng Anh, Chính phủ cũng nỗ lực cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Điển hình là trong năm 2017, Sabeco đã bán cổ phần cho Tập đoàn Thai Beverage của Thái Lan.
CNBC cho biết Ông Chetan Sehgal, Giám đốc các thị trường mới nổi toàn cầu ở Templeton Emerging Markets Group, nói trong một email: “Việc bán cổ phần các doanh nghiệp Nhà nước giúp Việt Nam giảm áp lực lên nợ công và thu hút thêm nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”.
“Ở giai đoạn này, Việt Nam là một điểm sáng cho các thị trường cận biên. Tuy nhiên, theo thời gian, có những cơ hội trong dài hạn để Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi”, ông nói thêm.
Theo CNBC, bên cạnh điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam, các thị trường khác ở châu Á cũng có một năm thuận lợi, gạt đi những quan ngại về chính sách thương mại mà tổng thống Donald Trump áp dụng với khu vực này. Theo MSCI, chỉ số tổng hợp các cổ phiếu ở Châu Á Thái Bình Dương trừ Nhật Bản đã tăng hơn 34% tính từ đầu năm đến nay. Con số này cao hơn mức tăng trưởng trung bình của Dow Jones (25%) và Stoxx Europe 600 (8%) trong cùng thời kỳ.