TIN MỚI
“Chẳng có gì trong nền kinh tế này đang vận hành theo cách mà lẽ ra chúng phải như vậy. Không có gì có thể đoán trước được. Lúc này, lịch sử lại là một dẫn chứng tồi tệ bởi chúng ta chưa từng trải qua khoảnh khắc nào như thế”, Cramer nói.
Theo chuyên gia đầu tư kiêm người dẫn chương trình “Mad Money” của CNBC, hơn một năm sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, giá lương thực và dầu mỏ vẫn đang biến động mạnh mẽ. Cả hai thị trường đều được quyết định một cách giả tạo bởi địa chính trị hơn là động lực cung và cầu.
Trong khi đó, nhu cầu ô tô vẫn ở mức cao khi nền kinh tế đi xuống. Điều này xuất phát từ những căng thẳng trong nguồn cung bán dẫn, làm chậm quá trình sản xuất ô tô khiến nhu cầu tồn đọng.
Nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng bởi các gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ trong thời kỳ đại dịch như trợ cấp thất nghiệp và xóa nợ cho sinh viên. Điều này càng làm cho lạm phát trở nên trầm trọng hơn.
“Những lo ngại về suy thoái kinh tế cũng dẫn đến việc người mua trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ‘ở mức thấp vô lý’. Điều này đẩy lãi suất thế chấp xuống và khiến nhu cầu cũng như giá nhà ở tăng vọt ngay cả khi lãi suất tăng cao hơn”, Cramer nhấn mạnh.
Cuối cùng, số người chấp nhận rằng “bạn chỉ sống một lần” đang nhiều hơn bao giờ hết. Họ đang thoát ra khỏi đại dịch nhưng lại rời bỏ thị trường việc làm, thúc đẩy nhu cầu đi lại và tạo ra đủ loại mô hình không thể đoán trước.
Với tất cả những yếu tố này, Cramer cho rằng “rất khó để dự đoán hành vi của người tiêu dùng” và đó cũng là lý do tại sao các động thái của FED dường như rất ít có tác động cho tới thời điểm hiện tại.
Tham khảo: CNBC
Linh Anh
Nhịp sống Thị trường